ThS, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung (Khoa Sức khoẻ vị thành niên - Bệnh viện Nhi Trung ương) đưa ra một số gợi ý với phụ huynh để trẻ có mùa hè bổ ích.
Hóa giải mâu thuẫn
- Thưa bác sĩ, mùa hè là thời gian “vàng” để các bậc cha mẹ và trẻ gần gũi cũng như chia sẻ, hiểu nhau hơn. Vậy phụ huynh phải làm gì để tăng sự gần gũi, kết nối?
- Thời gian trong năm học các em đã quá căng thẳng bởi áp lực học tập, ảnh hưởng của dịch bệnh, do đó, mùa hè là thời gian lý tưởng để các bậc cha mẹ và con cái có nhiều hoạt động cùng nhau nhằm tăng sự gần gũi, kết nối. Từ những hoạt động chung đó, cha mẹ và con có thể trò chuyện, lắng nghe và hiểu nhau hơn, hóa giải được những mâu thuẫn trước đó.
Hiện nay, nhiều phụ huynh vì công việc bận rộn, thời gian nghỉ hè thường cho con đi học thêm, hay tham gia các hoạt động ngoại khóa khác mà không đồng hành cùng con. Như vậy, vô tình chúng ta đã bỏ qua những giá trị mà các kỳ nghỉ hè mang lại. Do vậy, theo tôi mùa hè dẫu bận rộn đến mấy phụ huynh cũng nên sắp xếp thời gian để gần gũi với con nhiều hơn.
Nghỉ ngơi và trải nghiệm
- Sau 2 năm dừng hoạt động vì dịch, hoạt động trải nghiệm, khóa học kỹ năng sống được mở trở lại với nội dung, hình thức đa dạng. Bác sĩ có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc lựa chọn?
- Trẻ con cần được sống trong một môi trường phải lành mạnh, hạnh phúc. Do đó, việc dùng thời gian nghỉ hè để ôn lại những lỗ hổng kiến thức trong năm học cũng là một lựa chọn. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý, thời gian học ở kỳ nghỉ hè phải vừa học vừa chơi, phân bổ làm sao để trẻ có thời gian nghỉ ngơi và trải nghiệm.
Đồng thời, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập thói quen sinh hoạt lành mạnh, có lợi cho sức khỏe như tham gia các môn thể thao để tăng cường hoạt động, phát triển thể chất. Các môn thể thao còn giúp giảm stress, lo âu… góp phần giúp trẻ phát triển thể hình cân đối, giảm thời gian sử dụng điện thoại, iPad, chơi game....
Bên cạnh đó, lựa chọn cho con học các lớp kỹ năng sống cũng rất hữu ích. Bởi hiện nay trẻ vị thành niên ở nước ta kỹ năng sống rất hạn chế trong khi đó môi trường sống càng ngày càng phát triển, trẻ sớm tiếp xúc với Internet, mạng xã hội… nếu không có định hướng đúng đắn trẻ dễ bị tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi và thói quen.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cho trẻ tham gia các lớp dạy về sức khỏe tình dục, giới tính hay tham gia các trại hè để trẻ tăng khả năng giao tiếp, ứng xử với bạn bè.
- Nhu cầu, mong muốn của trẻ và cha mẹ đôi khi lệch nhau dẫn đến xung đột không đáng có. Cha mẹ phải làm gì để giải quyết tình huống này?
- Với những tình huống này, cha mẹ không nên áp con cái trong việc lựa chọn những môn thể thao. Nên để trẻ lựa chọn theo sở thích. Như vậy, các em sẽ thấy ý kiến, sở thích của mình được tôn trọng.
Cha mẹ chỉ tham gia đóng góp ý kiến, phân tích những mặt lợi, mặt hại của từng môn thể thao, từ đó đưa ra gợi ý môn thể thao mình mong muốn con học, quyền lựa chọn thuộc về trẻ.
Nếu cha mẹ chưa phân tích cho con hiểu mà áp đặt ngay phải học môn thể thao mình mong muốn, kỹ năng kia dẫn đến việc trẻ tham gia mang tính đối phó, thậm chí còn hành vi phản đối không đáng có.
Một trong những sang chấn dẫn đến stress ở con trẻ chính là mâu thuẫn với gia đình. Đặc biệt, giai đoạn trẻ đang phát triển rất dễ rơi vào trạng thái tiêu cực do đó bố mẹ nên tránh gia tăng mâu thuẫn, nên tạo mối quan hệ gần gũi.
Đồng thời, nếu thấy khó khăn trong việc giải quyết mối quan hệ với con hay trẻ có ý chống đối, quá ngang bướng nên tìm đến các chuyên gia tâm lý, sức khỏe vị thành niên để xin tư vấn. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích cho hai phía.
Mâu thuẫn giữa bố mẹ với con cái chủ yếu liên quan đến sự kỳ vọng vào con quá cao trong học tập, cuộc sống khiến con trẻ áp lực dẫn đến phản kháng, chống đối. Hay đơn giản các mâu thuẫn xuất phát từ việc ăn uống, thói quen sinh hoạt hàng ngày…
Ví dụ: Cha mẹ muốn con ăn uống đủ chất để cơ thể phát triển toàn diện, nhưng trẻ lại ăn theo chế độ ăn kiêng vì sợ béo cũng là nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn. Hay con đang tuổi dậy thì, tò mò về những vấn đề nam nữ, xem các clip nóng, hình ảnh gợi cảm khi cha mẹ phát hiện thì chửi mắng… Với trường hợp này, cha mẹ thật bình tĩnh, nhẹ nhàng tâm sự, trò chuyện để trẻ có cảm giác được thấu hiểu và sẵn sàng chia sẻ, mở lòng với cha mẹ.
- Đối với học sinh, phụ huynh ở nông thôn, vùng khó khăn không có điều kiện tìm đến các bệnh viện, chuyên gia tâm lý, khi cần tư vấn có thể đến đâu?
- Hiện nay, không phải nơi nào cũng có điều kiện đến gặp bác sĩ, chuyên gia khi con trẻ có vấn đề tâm lý. Do đó, một địa chỉ mà cha mẹ, học sinh có thể tìm đến khi cần là y tế học đường.
Chính các thầy cô y tế học đường sẽ tiếp nhận, tư vấn cho phụ huynh, học sinh trước khi đến cơ sở y tế chuyên sâu. Họ sẽ đưa ra những lời khuyên thích hợp cho hai phía; nếu phụ huynh cần chuyên gia tâm lý can thiệp, đội ngũ y tế học đường sẽ hỗ trợ kết nối.
Ngoài ra, các đường dây nóng ở Bệnh viện như Nhi Trung ương ở Hà Nội, Bệnh viện Nhi đồng (TP Hồ Chí Minh) được công khai trên các website, fanpage của bệnh viện, phụ huynh, học sinh có thể liên hệ đến để được tư vấn, hỗ trợ.
- Xin trân trọng cảm ơn!