Từ khi cây sơn tra trổ hoa, ra quả cho đến khi chín vàng là cả một hành trình mưu sinh đầy gian khó của đồng bào Mông vùng cao ở xứ sở sương mờ. Trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng vừa qua trên địa bàn cũng không làm người dân quên một mùa vàng sơn tra lại đang về.
Cây thoát nghèo của đồng bào Mông
Quả sơn tra được người vùng cao Mù Cang Chải gọi với cái tên giản dị mà chân thật là quả táo Mèo, vì đây là cây trồng của người Mông. Ở Mù Cang Chải, khí hậu mát lạnh quanh năm, cây sơn tra ưa đất núi cao nên đã bén rễ từ bao đời.
Quả vàng ươm bén duyên người Mông Mù Cang Chải từ lâu lắm rồi. Người ta thấy quả chín vàng ươm mỗi khi thu về trong những cánh rừng già, hái xuống ăn thấy vừa ngọt, vừa chua nhẹ, thỏa cơn khát mỗi khi leo rừng.
Vì thế, sơn tra đã theo người Mông Mù Cang Chải “hạ sơn”, thành một thứ quả không thể thiếu trong cuộc sống ở chốn bình yên mờ sương này.
Trước đây, cây sơn tra mọc tự nhiên và trở thành những cây cổ thụ trong những khu rừng già mà chẳng cần chăm bón hay tỉa tót gì cả. Những năm gần đây, nhận thức được lợi thế của cây sơn tra trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đồng bào Mông ở các xã, thôn, bản Mù Cang Chải đã tích cực tận dụng những dải đất núi bỏ hoang lâu ngày để nhân giống, trồng cây sơn tra với diện tích lớn.
Nếu cách đây hơn chục năm, giá bán sơn tra chỉ vài ngàn đồng/kg thì nay, quả sơn tra được đông đảo người dân gần xa biết đến, thị trường miền xuôi cũng ưa chuộng và có nhu cầu lớn nên giá bán quả sơn tra tăng khá nhanh theo năm.
Năm 2016, quả to, đẹp bán được 20.000 đồng/kg, quả nhỏ hơn bán với giá 15.000 - 17.000 đồng/kg. Đầu mùa năm nay, giá sơn tra đã tăng lên 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy vào từng loại quả. Nhờ thế, mặc dù mới chớm thu, quả sơn tra mới hung hung chín nhưng người dân nơi đây đã hái và bán dần để được giá.
Các xã của huyện Mù Cang Chải như Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Chế Tạo… là những nơi có tiết trời quanh năm mát mẻ, có nhiều đồi núi, có diện tích cây sơn tra lớn hơn cả với trên 2000 ha.
Trong những năm tới, đồng bào Mông ở đây tiếp tục khai phá đất hoang để mở rộng diện tích cây sơn tra. Tại xã La Pán Tẩn, gia đình anh Sùng A Vừ trồng trên 2ha cây sơn tra và đã cho thu hoạch, hằng năm, với diện tích như vậy và được mùa quả, gia đình anh thu được 65 - 70 triệu đồng từ bán quả sơn tra. Số tiền ấy đối với gia đình anh Vừ và người Mông nơi đây, là một khoản thu nhập chính đáng, mở ra cơ hội thoát nghèo.
Từ bao đời nay, sơn tra giúp cho người Mông nơi đây có thêm tiền để trang trải cuộc sống. Những năm gần đây, quả sơn tra còn được gắn với phát triển du lịch Tây Bắc tạo ra một tiềm năng lớn cho loài cây này.
Gian nan cùng mùa sơn tra
Cây sơn tra tuy không tốn công chăm sóc, bón phân như nhiều loại cây khác nhưng để có những mùa vàng bội thu, người Mông ở Mù Cang Chải phải sớm tối vất vả, một nắng hai sương để chăm sóc, bảo vệ rừng sơn tra.
Theo người dân bản địa, thời gian vất vả nhất là giai đoạn trồng sơn tra. Công việc đầu tiên là phải lựa chọn những khoảnh rừng cao, thoáng và mát lành. Bởi cây sơn tra vốn ưa khí hậu mát, ở địa thế cao. Sau đó là công đoạn phát rừng, đốt cho hết cỏ bụi rồi mới cuốc hố.
Những ngày đầu khi đặt bầu cây non, việc chăm sóc và bảo vệ cho cây bén rễ, khỏi bị gãy, bị động vật như trâu bò, ngựa hay thú rừng phá hoại khá tốn công sức. Có gia đình phải trồng cây sơn tra ngay cạnh lán trại để tiện chăm sóc và bảo vệ.
Vào thời điểm sơn tra ra hoa trắng cả một khoảnh rừng rồi kết thành quả non, đây là giai đoạn những gia đình người Mông trồng sơn tra thấp thỏm và dồn sức chăm sóc cây.
Vì nếu sơn tra gặp mưa bão, hoa rụng hết hay khi kết trái rồi mà gặp những trận mưa đá kéo dài thì coi như cả một mùa sơn tra trôi theo mưa gió và năm đó sẽ bị mất mùa, không có thu nhập.
Vào những ngày sơn tra bắt đầu chín vàng là lúc cần nhất sự bảo vệ của người trồng. Thời điểm này, thú rừng, chim chóc thường hay kéo về hàng đàn để ăn quả chín nên cả ngày lẫn đêm, những chủ trang trại sơn tra phải dựng lều để canh giữ thành quả sau những tháng ngày chăm sóc, chờ đợi. “Hái quả sơn tra vất vả lắm, phải trèo lên cao rồi đập cho quả rụng xuống rồi mới nhặt”, bà Vàng Thị Su ở xã Chế Cu Nha chia sẻ.
Mùa thu hoạch sơn tra là thời điểm khá vất vả đối với người Mông Mù Cang Chải. Tuy các gia đình người Mông đông vui, tấp nập lên núi hái sơn tra nhưng công việc trèo hái và lựa hái những quả chín rất nhọc nhằn.
Những cây sơn tra lâu năm, cao vút, phải trèo lên tận ngọn mới hái hết được. Công việc hái sơn tra tưởng như chỉ việc dùng cây đập cho quả rụng xuống rồi nhặt nhưng không phải vậy, việc đưa quả xuống đất phải nhẹ nhàng để tránh quả khi rơi mạnh xuống gốc cây sẽ bị dập nát, thâm lại rất khó bán.
Sau khi hái xong, sơn tra được đóng vào tải, rồi người Mông dùng ngựa thồ hoặc vác bộ xuống núi. Chặng đường từ trên đỉnh núi cao xuống chỗ tập kết sơn tra rất khó đi.
Chỉ có con đường mòn duy nhất, những ngày mưa nhiều, đường trở nên trơn trượt, lầy lội, phải bấm từng bước chân mới vận chuyển được khối lượng lớn sơn tra xuống núi. Ngoài việc bán buôn, người Mông Mù Cang Chải còn mang sơn tra bán tại các phiên chợ để tiêu thụ cho nhanh.