Tình người nơi cơn lũ đi qua

GD&TĐ - Chúng tôi có mặt tại thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái), nơi có thiệt hại lớn nhất khi cơn lũ ống đi qua, khi mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Ở đây, giờ là sự tan hoang, đổ nát, đất, đá và bùn ngập sâu tới nửa mét, có chỗ lên tới cả mét. Nhiều người dân và bộ đội, công an, dân quân và giáo viên đang cùng nhau dọn dẹp sau lũ. Trong mắt họ vẫn còn đầy ám ảnh về trận lũ ống kinh hoàng.  

Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải thiệt hại nặng nề sau lũ
Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải thiệt hại nặng nề sau lũ

Thiệt hại nặng nề

Men theo con đường mòn toàn đất đá, đi khoảng 5km đường dốc thẳng đứng, chúng tôi đến trung tâm xã Kim Nọi, nơi bị thiệt hại khá nặng nề sau cơn lũ đi qua: 4 nhà bị nước cuốn trôi hoàn toàn; 3 người mất tích, 2 người chết, 1 người bị thương, đặc biệt toàn trẻ em bị mất tích. Từ trung tâm thị trấn đi tới các bản, nhiều đoạn đường bị sạt lở nghiêm trọng, phương tiện duy nhất để vào bản là cuốc bộ.

Đi chừng gần 2 km theo đường mòn trơn trượt, chúng tôi đến với gia đình chị Sùng Thị Cở ở bản Kháo Giống, có con trai sinh năm 2002 mất tích. Ngồi trước hiên nhà cùng nhiều bà con trong bản đến để an ủi gia đình, chị vẫn khóc nấc gọi tên con. Cháu Giàng A Phử năm nay vào lớp 10. Vừa gọi tên con, chị cầm tấm ảnh thẻ của cháu đưa cho chúng tôi xem, người mẹ khóc nấc nghẹn ngào nói: “Giàng A Phử là một đứa con ngoan và hiếu học, tranh thủ nghỉ hè đi chăn trâu giúp mẹ.

Trước hôm đó, Phử có nói với tôi còn ít hôm nữa con cố giúp mẹ chứ sang tuần con đi học rồi, không đi chăn trâu được. Ai ngờ đâu lũ về các cháu ngủ ở lán trên rừng bị lũ cuốn đi”. Từng tiếng nấc như xé lòng của người mẹ ngóng con giữa đại ngàn, trong lúc đó hàng trăm người từ người dân, bộ đội, dân phòng đang tỏa đi khắp nơi để tìm kiếm, từ bản ra tới lán đi bộ mất tới 4 - 5 tiếng đồng hồ. Giờ sạt lở đi đến đó rất nguy hiểm.

Anh Sùng A Hờ ở bản Kháo Giống cho biết, đây là trận lũ ống lịch sử, kinh hoàng chưa từng thấy, nước đổ về quá nhanh, chỉ trong thời gian ngắn đã cuốn đi nhiều nhà và tài sản của người dân. Nhiều hộ may mắn chạy thoát nhưng mất hết, đến nền nhà cũng không còn, ở đó giờ chỉ là đất đá.

Đi tiếp men theo triền núi, đi sâu vào trong khoảng hơn 3km, vượt qua 3 quả đồi, đường rừng trơn trượt, nhiều chỗ sạt lở, không còn là đường mòn nữa, chúng tôi đến với hộ gia đình anh Giàng A Mùa và chị Mùa Thị Sua. Anh chị có 1 người con mất tích, và một bé 10 tuổi vừa tìm được xác lúc chiều muộn ngày 4/8; cháu bị lũ cuốn tử vong, thi thể được phát hiện tại con suối nhỏ ở huyện Than Uyên (Lai Châu) cách nhà khoảng 60 - 70km. Nhà của anh Giàng A Mùa nằm tách biệt trong bản, sau cơn lũ đã tạo thành một dòng chảy xiết qua nhà.

Vào trong nhà, dư âm của lũ vẫn còn là một lớp bùn trên nền nhà. Sáng hôm xảy ra lũ nước và bùn tràn vào nhà đến ống đồng, bùn đất vẫn còn ngổn ngang trong nhà. Căn nhà giờ trống huơ, trống hoắc, vài bao thóc, ngô kê lên cao may không bị làm sao.

Chị Mùa Thị Sua ngồi trên giường ôm đứa con gái 23 tháng tuổi, thất thần nhìn ra phía núi xa xăm nơi các con chị và các cháu gặp nạn. Chị bảo chị chỉ mong có một phép màu mang chúng trở về. Giữa đại ngàn Tây Bắc, giọng người mẹ gọi con bằng tiếng Mông như nghẹn lại đến thắt lòng.

Sát cánh để vượt qua nỗi đau mất mát

Từ trên xã vùng cao Kim Nọi chúng tôi trở ngược ra thị trấn Mù Cang Chải. Lúc này mưa mỗi lúc một nặng hạt. Ở khu vực tổ 8 thị trấn, hàng nghìn người đang tham gia khắc phục hậu quả sau lũ. Trung tá Giàng A Páo, Công an phụ trách xã huyện Mù Cang Chải cho biết, gia đình anh bị trôi mất 3 phòng trọ và nhiều tài sản khác. Chỉ tay về dòng lũ đang chảy xiết trước cửa, anh Giàng A Páo bảo nhà anh vẫn còn may mắn hơn một số hộ ở đây, khi vẫn còn nhà chính.

Dọc theo con nước đang chảy siết là rất nhiều nhà đã bị lũ cuốn trôi, như gia đình trung tá Sùng A Của (đội An ninh, Công an huyện Mù Cang Chải) bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa; đến giờ nền nhà cũng không còn. Thay vào đó là hàng tấn đất đá, ngổn ngang bên dòng nước. Anh Sùng A Của nói: “Cả một mảng núi đất đá sạt xuống cuốn theo dòng nước, những tảng đá lớn 60 - 70 tấn bay vèo vèo, thật khủng khiếp, chúng tôi chỉ xem qua phim ảnh chứ chưa bao giờ tận mắt chứng kiến nước, đất và đá đổ về mạnh và dữ dội như vừa qua”.

Hơn một ngày sau lũ, ở Mù Cang Chải trời vẫn tiếp tục mưa to, ảnh hưởng rất lớn tới công tác cứu hộ, cứu nạn. Con đường độc đạo nối thị trấn Mù Cang Chải và xã Kim Nọi, Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải) chưa thể lưu thông. Những tảng đá với tổng khối lượng hàng chục nghìn tấn nằm án ngữ giữa đường. Hơn 10 chiến sĩ bộ đội khoan, đục không nghỉ để di chuyển đá vì “nghi có nạn nhân bị vùi lấp”.

Ông Vũ Trọng Khang, Phó Trưởng Ban tìm kiếm cứu nạn huyện Mù Cang Chải cho biết, đã huy động 400 cán bộ chiến sĩ, hai xuồng chuyên dụng rà soát ở khu vực lòng hồ. Ngoài ra, 2.000 người địa phương cũng được huy động dọn dẹp vệ sinh sau lũ, tạo điều kiện cho việc tìm kiếm người mất tích.

Đại tá Phạm Hồng Chương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái chia sẻ, sau khi nhận được tin báo lũ ống xảy ra, chỉ hơn 2 tiếng sau lực lượng quân đội đã được triển khai tới địa bàn để tìm kiếm cứu nạn.

Đến nay đã huy động các lực lượng của địa phương phối hợp với lực lượng tăng cường của quân sự tỉnh, lực lượng Quân khu 2 với tổng số 2.100 người (Bộ đội 350, dân quân 500, Công an 100, các ban ngành địa phương 150 và nhân dân 1.000 người); huy động 10 xe công trình, 90 xe ô tô các loại, 2 xuồng cứu hộ, 3 máy bơm công suất lớn tập trung tìm kiếm khu vực lũ ống, lũ quét và dọc theo suối Nậm Kim.

Bộ đội hiện đang phải khoan nở đá để tìm kiếm xem có người mắc kẹt bên dưới không. Hiện tất cả lực lượng đang tập trung tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, tập trung khắc phục hậu quả sau lũ quét, với khối lượng đất, đá khổng lồ như vậy, chắc chắn mất một khoảng thời gian dài để xử lý.

Trong những người túc trực cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ người dân sau lũ tại khu vực tổ 8, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đi lại như con thoi, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Mù Cang Chải trong đó tập trung vào các địa bàn trọng yếu như: Khu vực tổ 8 thị trấn Mù Cang Chải, xã Kim Nọi, xã Lao Chải…

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, đến nay các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tiếp tục tăng cường lực lượng, tập trung tìm kiếm người mất tích, ổn định đời sống cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; Phối hợp với huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu để tìm kiếm và giải quyết thủ tục khi tìm kiếm người mất tích; Bố trí phương tiện, vật dụng để vận chuyển và lo thủ tục mai táng cho những người mất tích bị chết và tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời; Hỗ trợ tiền, lương thực, thuốc men, vật dụng cần thiết cho các gia đình bị thiệt hại một cách kịp thời để sớm ổn định đời sống của nhân dân; tăng cường nắm bắt tình hình cơ sở đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.

Theo ông Đỗ Đức Duy, thống kê cho thấy cơn lũ đã khiến Mù Cang Chải có 4 người chết, 10 người mất tích và 9 người bị thương; có 56 nhà bị thiệt hại, trong đó nhà bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn là 51 nhà. Tại thị trấn Mù Cang Chải 6 công trình bị hư hỏng nặng: Trường Mầm non Hoa Lan, Trường Tiểu học và THCS Thị trấn, Trung tâm Chính trị huyện, Khu tập thể trường THPT, sân vận động huyện Mù Cang Chải, Phòng Văn hóa thông tin. Xã Lao Chải bị thiệt hại 1 điểm trường của bản Tà Ghênh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.