Mù Cang Chải rực rỡ sắc hoa Tớ dày

GD&TĐ - Đến Mù Cang Chải (Yên Bái), ngoài vẻ đẹp của ruộng bậc thang kỳ vĩ người dân và du khách còn được hòa mình vào vẻ đẹp hoang sơ của sắc hoa Tớ dày...

Loài hoa phân bổ tự nhiên tạo nên vẻ đẹp hoang sơ.
Loài hoa phân bổ tự nhiên tạo nên vẻ đẹp hoang sơ.

Choáng ngợp sắc hoa

Hoa Tớ dày (theo tiếng địa phương) là đào rừng, chỉ nở vào giữa trời đông giá rét và bắt đầu rộ từ giữa tháng 12 đến hết tháng 1 dương lịch hàng năm. Tùy vào độ cao khác nhau mà hoa nở trước, sau.

Loài hoa này nằm rải rác trên khắp các cánh rừng, hiên nhà hay vườn của bà con nơi đây khiến du khách không khỏi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của hoa đào rừng tầng tầng, lớp lớp lên cao.

Những ngày này, khắp các cánh rừng của Mù Cang Chải, đâu đâu cũng ngút ngàn vẻ đẹp hoa Tớ dày. Sắc hoa đã tô điểm thêm một màu “áo mới” và xua đi cái lạnh giá của mùa Đông nơi rẻo cao.

Có thể nói, Tớ dày là thứ đặc sản riêng của núi rừng Tây Bắc, đặc biệt là Mù Cang Chải. Điều này đã thu hút du khách và làm say đắm lòng người mỗi dịp tết đến, xuân về.

Với nét đặc trưng riêng, Tớ dày nở hoa vào dịp đất trời chuyển giao, sau một năm lao động vất vả, khi mùa vàng đã thu hoạch xong, thóc đã đầy bồ. Niềm vui của người dân nơi đây lại nhân đôi khi trên đỉnh núi xuất hiện những cây Tớ dày đỏ thắm núi rừng. Vẻ đẹp của loài hoa đã thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng.

“Đây là loài hoa đẹp tự nhiên nên tôi đến ghi lại vẻ đẹp của nó để truyền tải lên các trang mạng xã hội cho du khách gần xa biết tới. Cũng qua đó muốn gửi gắm để ngày càng nhiều người biết đến nét đẹp của thiên nhiên, mảnh đất và con người nơi đây”, anh Đỗ Văn Nam – Chủ một Homestay ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chia sẻ.

Mỗi độ hoa nở, trong các cánh rừng hay trước hiên nhà, ngay bên nương đồi, đâu đâu cũng thấy một màu hồng của Tớ dày đua nhau khoe sắc. Hoa ôm lấy nương đồi, nhà cửa, tạo nên một bức tranh mùa Xuân rực rỡ.

Người dân địa phương vẫn quan niệm rằng: Sức sống của loài hoa này mãnh liệt như chính những người dân nơi đây. Cây Tớ dày chỉ mọc và nở hoa ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Khi Mặt trời lên cao ánh nắng soi rọi khắp không gian, khiến những bông hoa có màu đậm và thắm sắc hơn.

Nét độc đáo của loài hoa này đã thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh cũng như du khách thập phương đến với Mù Cang Chải để được chiêm ngưỡng và lưu lại cho mình những kỷ niệm đẹp.

Những chùm hoa sắc đỏ hồng ở lưng chừng đồi tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Những chùm hoa sắc đỏ hồng ở lưng chừng đồi tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Mùa nhớ...

“Cứ vào dịp cuối năm mùa hoa nở bản thân tôi lại đi xuyên các cánh rừng ở Mù Cang Chải để chụp lại vẻ đẹp của loài hoa này. Tôi gọi đây là mùa nhớ của năm, bởi vẻ đẹp thuần khiết của loài này. Ở mỗi mùa sẽ tạo cho bản thân tôi một ấn tượng khác nhau”, anh Lê Trung Kiên - giáo viên kiêm nhiếp ảnh tâm sự.

Có lẽ, đối với những người dân ở nơi rẻo cao Mù Cang Chải không ai lại không biết đến hoa đào rừng, loài hoa mà luôn gắn liền với đời sống của bao thế hệ người Mông. Bởi Tớ dày nở báo hiệu một mùa Xuân mới và tạo cho người dân cảm giác ấm áp hơn.

Những năm gần đây, nhận thấy giá trị mà loài hoa này mang lại, chính quyền các cấp, tuyên truyền vận động nhân dân không chặt phá. Người dân cũng tích cực tham gia bảo vệ, nhân giống phát triển diện tích loại cây này.

Nhờ đó, mật độ cây ngày càng nhiều hơn, giúp cho vùng đất này mang trong mình vẻ đẹp riêng. Nhiều hộ gia đình đã tận dụng lợi thế ngay bên hiên nhà, trong vườn để tạo cảnh quan, xây dựng thêm cơ sở vật chất, điểm chụp ảnh để du khách đến thăm quan.

Nét đẹp riêng có của những cánh hoa Tớ dày đang độ khoe sắc.

Nét đẹp riêng có của những cánh hoa Tớ dày đang độ khoe sắc.

“Gia đình mình nằm ngay trong khu vực nhiều đào rừng của bản Trống Páo Sang. Các năm trước, du khách đến rất nhiều nhưng không có chỗ cho khách nghỉ ngơi, thăm quan chụp ảnh. Vì thế, năm nay gia đình mình đã tu sửa lại nhà cửa, chỉnh trang lại khuôn viên xung quanh, tạo một số điểm nhấn cho du khách”, chị Giàng Thị Cở - bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn chia sẻ.

Hoa Tớ dày phân bố tự nhiên và mọc ở rải rác các điểm như Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình, hay tận Lao Chải, dọc theo suối Nậm Kim của huyện Mù Cang Chải. Song mật độ hoa tự nhiên mọc ở xã La Pán Tẩn nhiều hơn cả.

Tớ dày cũng trở thành một trong những biểu tượng đặc biệt của vùng đất vốn khắc nghiệt mỗi khi đông tới. Nhiệt độ ở đây có những lúc xuống dưới 0 độ C, xuất hiện băng giá phủ trắng trên sườn đồi.

Hoa nở vào đúng dịp Tết của người Mông báo hiệu thời điểm đồng bào được mặc đồ mới, nam nữ cùng tập khèn, chơi Pao... chuẩn bị đón Tết.

Hoa nở vào đúng dịp Tết của người Mông báo hiệu thời điểm đồng bào được mặc đồ mới, nam nữ cùng tập khèn, chơi Pao... chuẩn bị đón Tết.

Nhưng chỉ sau một ngày nắng, sức sống của cây Tớ dầy trở nên lạ thường, rực rỡ khoe sắc, lung linh đến diệu kỳ giữa không gian rộng lớn. Những chùm hoa sắc đỏ hồng ở lưng chừng đồi tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Loài hoa này tồn tại như một biểu tượng báo hiệu mùa Xuân, báo hiệu cho một vụ mới.

Những ai đã một lần đặt chân đến Mù Cang Chải, được thưởng ngoạn những bông hoa Tớ dày nở trong một không gian rộng lớn giữa trời đông chắc hẳn sẽ có khoảnh khắc tuyệt diệu khó quên với loài hoa này.

Đồng bào Mông nơi đây cho rằng, hoa nở rộ đã xua tan đi cái mệt nhọc của một năm lao động vất vả, bởi những cánh hoa lung linh sắc thắm đã báo hiệu những điều tốt đẹp lan tỏa đến từng nhà, từng người.

Nét đẹp riêng có của những cánh hoa Tớ dày đang độ khoe sắc.

Nét đẹp riêng có của những cánh hoa Tớ dày đang độ khoe sắc.

“Để đào rừng thực sự là điểm đến thu hút du khách đến thăm quan, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và mở rộng diện tích. Bên cạnh đó là việc xây dựng cơ sở vật chất, nhất là đường đi đến các điểm có nhiều hoa, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến thăm quan. Từ đó, tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương”, ông Giàng A Sầu - Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.