Bà ngắm nghía cái hộp một lát đầy vẻ trìu mến, rồi thong thả mở nắp hộp. Rồi bà dụi mắt mấy cái, bỏ mấy tờ giấy trong hộp ra, úp ngược cái hộp xuống, vẻ hốt hoảng.
Tiền, tiền của bà đâu rồi? Rõ ràng hôm qua bà vừa bỏ ba trăm năm mươi nghìn “tiền già” tháng 6 con trai lĩnh ở phường về đưa bà như mọi tháng. Bà còn cẩn thận vuốt phẳng 10 tờ năm trăm nghìn có từ trước và nhớ là trong hộp có năm triệu ba trăm mươi nghìn cơ mà. Năm triệu ba trăm năm mươi nghìn của bà đâu rồi?
Đã gần sang tuổi 90, con cháu đều phương trưởng, chăm sóc chu đáo như bù lại thời gian tuổi trẻ gian nan vất vả cho bà. Nào cơm ngon canh ngọt, nào bánh trái hoa quả, rồi linh chi, đông trùng hạ thảo cái gì cũng có. Quần áo, khăn ngắn khăn dài đủ kiểu xếp trong tủ.
Việc hiếu, việc hỷ giờ không đi được thì con cháu làm phong bì ghi tên bà thay mặt bà đến chỗ cần đến. Bà chỉ sụt sịt một cái là con lớn con bé nhao về ngay. Giỗ tết các con đều lo chu đáo, đàng hoàng chả bù cho thời bao cấp có khi kiếm chút gạo nếp nấu đĩa xôi cũng khó. Từ khi ông mất, trí nhớ của bà giảm sút nhanh chóng, chân cẳng cũng yếu nên hầu như không ra khỏi nhà và lâu lắm chả tiêu gì bằng tiền.
Thì nhiều thứ nhớ nhớ quên quên nhưng tiền thì bà không quên. Đồng nào vẫn biết là đồng ấy. Bà thích tiền lắm. Xưa ông dạy học, bà làm may HTX và làm thêm bao nhiêu thứ nữa, tiền lương mỗi tháng dăm chục, phải chia ra mỗi ngày được tiêu bao nhiêu, chỗ nào để làm giỗ trong tháng… nhiều khi chưa đến tháng lương đã chả còn đồng nào. Vài chục đồng “có ô có thửa” cả, chi tiêu dè sẻn, làm gì có mà tiết kiệm, mà để dành.
Nghĩ thương ông xưa được đồng lương nào đưa cả cho bà, thi thoảng có chén rượu nhạt, vài viên lạc rang thì “không khí” hẳn lên, đến lúc cả nhà mát mặt thì lại bỏ bà, bỏ con bỏ cháu mà đi. Bây giờ ăn trắng, mặc trơn, lễ tết con cháu quây quần, mừng tuổi bà, lại còn khoản “tiền già” Nhà nước cho nữa nên lúc nào bà cũng có tiền, chả tiêu gì nhưng cảm giác cầm đồng tiền sột soạt trong tay thấy khỏe người như được uống thuốc bổ vậy.
Thằng con cả ở cùng bà, thấy bà thích cầm tiền lúc đầu cứ buồn cười, bảo đem gửi tiết kiệm, nó đâu hiểu cái sướng của người già được cầm “tiền tươi thóc thật” trong tay?! Chả biết thói quen có từ bao giờ, trưa nào ăn xong, bà cũng mở tủ, lôi cái hộp sơn mài ra, vuốt ve, có khi đếm đi đếm lại những đồng tiền “của bà” rồi trịnh trọng đặt vào chỗ đã định, khóa tủ lại cẩn thận rồi mới ngả lưng.
Có hôm bà ôm chặt cái hộp đựng tiền khi ngủ, có lúc để xuống dưới gối để ngủ, đêm dậy sờ soạng mấy lần. Có lần chú út đón bà ra chơi nhà chú, cả đêm thấy bà cứ lục sục không ngủ, sáng dậy đòi về nhà bác trưởng vì “ta có việc về tí rồi lại ra nhà chú ngay”. Hỏi “việc gì quan trọng thế”, bà một mực “cứ cho ta về, việc của ta”.
Hôm sau cháu ngoại đến chơi, bà thổ lộ “cả đêm ta chả ngủ được, cứ mơ thấy mất tiền. May quá về mở tủ ra thấy ngay, ta gói vào khăn mùi xoa, cho vào túi, gài kim băng cẩn thận, yên tâm rồi”. Rồi bà kéo vạt áo ngoài lên cho cháu ngoại thấy cái túi phồng phồng của cái áo trong ngay chỗ bụng được cài bằng hai cái kim băng rất chặt, nét mặt hồ hởi, phấn chấn.
Vậy mà bây giờ cái hộp trống không. Năm triệu ba trăm năm mươi nghìn của ta đâu rồi. Nhà này xưa nay có mất gì bao giờ đâu? Con, cháu bà đều ngoan, bà biết. Mà chúng nó đều làm ăn được, thiếu gì tiền đâu. Từ hôm qua đến giờ có ai đến chơi đâu? Chỉ có bà, con trai, con dâu và chị giúp việc.
Chị giúp việc mới đến gần tuần, là người làng nhà bà sơ tán thời chống Mỹ. Người lao động từ bé nên nhanh nhẹn, chăm chỉ, sạch sẽ, bà bắt đầu thấy ưa, có điều trông nó buồn lắm, bà chưa tiện hỏi. Chả nhẽ là “nó”? Thì có một lần nó đẩy cửa mang nước vào cho bà, nhìn thấy bà đang đếm tiền đấy thôi?! Sáng nay nó lại đi chợ sớm mua bánh giò cho bà đấy thôi.
Từ sáng đến giờ trông nó cũng có vẻ gì khang khác?! Nhưng hỏi “nó” nhỡ không phải thì sao? Người làng giới thiệu nó “hiền lành, tử tế” lắm cơ mà. Thật khó nghĩ. Nhưng im đi thế nào được. Ôi, tiền của tôi. Bà cứ ra ra, vào vào, người cứ bừng bừng dù đã uống thuốc huyết áp đủ. Rồi bà quyết định gọi bác cả vào kể cho con trai nghe đầu đuôi.
Bác cả bảo “tuy không bắt tận tay, day tận trán” nhưng rõ ràng người đáng nghi nhất không thể là ai khác ngoài Lài, tên chị giúp việc. “Bà cứ để con xử lý vụ này, đừng nói với ai vội. Chắc phải mời công an giúp”, bác cả cẩn thận dặn mẹ. Suốt cả buổi chiều, lúc nào bà cũng bồn chồn, ăn trệu trạo tý cháo rồi đi nằm.
Nằm lúc rồi lại dậy lật hết cả chăn chiếu lên, ngó cả xuống gầm giường xem có rơi không. Đêm đó bà ngủ chập chà chập chờn, có lúc mơ thấy hộp tiền còn nguyên bà giấu dưới gậm tủ, có lúc mơ thấy con Lài cầm một nắm tiền nhưng bị công an bắt mang đi, nó khóc nhiều lắm…
Hôm sau, bà thấy hai người đến nhà xem xét kỹ cửa buồng, cửa tủ, xem kỹ cả cái hộp, hỏi bà vài câu rồi bảo Lài lấy đồ đi theo họ. Cái Lài vừa khóc vừa vái bà trước khi theo hai người mà bác cả nói với bà là hai cán bộ công an. Bà thấy mệt mỏi quá, đầu óc thì mụ mị, người cứ rũ ra, con gái đến chơi nói mãi bà mới nhận ra.
Buổi chiều, bác cả được công an mời lên phường. Đi một lúc thì bác cả về, đẩy cửa phòng mẹ phô “đã tìm thấy tiền của mẹ rồi”. Bà lập cập ngồi dậy đón tập tiền con trai đưa, đếm đủ 10 tờ năm trăm nghìn, ba tờ một trăm và một tờ năm mươi nghìn.
Nắm chắc tập tiền trong tay, bà vội hỏi “thế người ta có bắt con Lài đi tù không?”. Bác cả bảo “công an họ giỏi thật, họ đấu tranh một lúc thì Lài nhận. Theo luật thì đó là tội trộm rồi nhưng vì Lài nhận, lại hoàn đủ tiền nên họ hỏi ý kiến gia đình thế nào. Con bảo tìm thấy tiền là tốt rồi, gia đình chả muốn vì mình mà Lài lại phải tù tội nên đã làm đơn xin cho Lài”.
Bà bảo “thế cũng phải”. Rồi bà lại bảo “thế con có cho nó mấy đồng tàu xe về quê không”. Bác cả bảo “mẹ yên tâm. Con cho Lài mấy trăm và cũng có chút quà cám ơn các anh công an rồi”.
Bà thấy yên tâm, may quá, thế là tai qua nạn khỏi. Bà nhìn ra cửa sổ thấy cây cau đang trổ hoa, hương hoa cau sao mà dễ chịu thế. Bà têm một miếng trầu, ăn thong thả, lâu lắm bà mới lại thấy miếng trầu ngon thế này.
***
Có tiếng chuông cửa, bác cả ra và ngạc nhiên thấy Lài đang khép nép đứng ngoài cổng, tay xách túi dưa bở, món mà mẹ mình rất thích. Lài “xin phép vào gặp bà, gặp bác một lát rồi cháu đi luôn”. Trông Lài có vẻ bối rối nhưng khỏe khoắn hơn trước.
Vừa vào phòng, Lài quỳ sụp xuống vừa khóc vừa vái bà liền mấy cái. Bác cả bảo “đứng lên đi”. Vẫn nước mắt giàn giụa, Lài nói gấp gáp như sợ không được nói. Qua những câu nói lộn xộn của Lài có thể hiểu như sau:
“Khi Lài lên giúp việc cho gia đình thì cũng là lúc con trai Lài ốm nặng phải đi viện. Lúc đầu Lài định nói xin vay tiền bác cả, nhưng rồi không dám. Một hôm, Lài mang nước vào cho bà thì thấy bà đang đếm tiền. Rồi khi dọn dẹp tủ đầu giường của bà thấy cái chìa khóa.
Hôm ấy, bà khó ngủ, bác cả phải cho bà uống viên thuốc ngủ. Buổi chiều ở quê báo lên con trai Lài có dấu hiệu chuyển bệnh nặng cần tiền mua ngay mấy loại thuốc mà bệnh viện không có. Khi Lài vào đổ bô cho bà trước khi đi ngủ như thường lệ thì thấy bà đã ngủ say. Ngẫm nghĩ lát, Lài lấy chìa khóa tủ, lấy cái hộp sơn mài ra.
Nhìn sang thấy bà vẫn ngủ say, Lài run run định mở nắp hộp, thế nào cái hộp rơi bộp xuống đất. Lài luống cuống nhặt lên dúi lại vào dưới đống quần áo đóng cửa tủ lại bước nhanh ra cửa.
Vừa cầm tay nắm cửa thì bỗng hình ảnh đứa con môi khô nẻ, tay nắm chặt tay mẹ hôm Lài “lên đây” hiện ra. Lài quay ngoắt lại, đi nhanh đến tủ quần áo, lôi nhanh cái hộp ra, moi lấy tiền giắt vào cạp quần, xếp lại quần áo, khóa tủ cẩn thận rồi đi ra.
Sáng sớm, Lài đi chợ mua bánh giò cho bà rồi tạt qua người quen gửi ngay tiền về quê. Cả buổi sáng Lài cứ loanh quanh dưới bếp, chả dám nhìn bà. Chiều thấy bà cứ ra ra vào vào, lúc lại đóng chặt cửa buồng, Lài sợ lắm. Nhiều lúc định thú nhận với bà, với bác nhưng lại sợ tiền bị đòi lại thì con nằm viện lấy đâu ra thuốc? Khi bác cả hỏi, Lài chối bay chối biến đi nhưng rất khổ tâm.
Khi công an đến, Lài vừa sợ vừa thấy như trút bớt đi gánh nặng. Mấy anh công an hỏi nhiều, Lài một mực không biết. Không có bằng chứng nên họ mời bác cả lên ký biên bản để họ chuyển lên quận, nơi có nghiệp vụ cao hơn may ra xác định được rõ.
Bác cả đến không ký biên bản đó mà lại nói tìm được tiền rồi, xin cho nó về, lại còn cho nó mấy trăm đi tàu xe nữa. Nó ngạc nhiên quá, lại định khai thật thì bác cả bảo ra bến xe luôn đi kẻo tối. Gần một năm nay, Lài luôn dằn vặt và tự hứa nhất định có lúc “về đây”.
May là con Lài khỏe lại, Lài kiếm được việc làm tốt, hôm nay lên xin lỗi bà, xin lỗi bác và xin được gửi lại bà đủ năm triệu, ba trăm năm mươi nghìn. Nếu bà và bác cho phép thì xin gửi lãi như lãi ngân hàng. Ơn này sống để bụng, chết mang theo”.
Thấy bác cả có vẻ lúng túng, bà nhìn sang như có ý hỏi “thế này là thế nào?”. Bác cả thưa với mẹ như sau:
“Khi thấy mẹ cho biết mất tiền, bằng suy luận logic, bác cả đoán ngay ra là Lài lấy. Hỏi Lài không nhận, bác cả bực lắm. Vợ và con bác cả đều bảo “cứ đưa ra công an cho ra ngô, ra khoai”.
Bác cả liền gọi cho công an phường. Công an phường đến, đưa Lài đi như nói ở trên rồi thì bác cả lại thấy băn khoăn. Công an tìm ra thủ phạm rồi, tiền lấy lại được rồi nhưng chỉ vì vài triệu mà đẩy Lài vào tù tội thì sao đành lòng. Vài triệu với nó thì to chứ với nhà mình có là gì đâu.
Bác cả nhớ xưa sơ tán ở quê Lài, người dân tốt lắm. Lúc đó chưa có cái Lài nhưng bác cả và bố cái Lài chả cùng học, cùng cởi truồng tắm mưa, cùng đi mót khoai, mót lúa… quên làm sao được. Mà trông nó ra dáng người tử tế, lại rất buồn, chắc có gì uẩn khúc ở đây chăng.
Chiều công an gọi lên, rất may là công an phường chưa chốt được hành vi trộm của Lài, bác cả nghĩ ngay ra lối thoát như Lài đã kể. Giải quyết với công an, với Lài như thế là xong.
Vậy còn mẹ mình với lòng “yêu tiền của ta” như vậy thì giải quyết sao đây. Bác cả ra ngân hàng rút ngay tiết kiệm đủ số tiền mẹ mất mang về cho mẹ. Thấy mẹ vui, bác cả thấy nhẹ nhõm và chả nghĩ gì nữa. Bác rất bất ngờ có buổi hôm nay”.
Bà đã quên quên, nhớ nhớ nhiều nhưng hôm nay dường như nghe hiểu cả, mắt bà như vui hơn. Bà bảo Lài xuống bếp lấy con dao lên bổ quả dưa bở Lài vừa biếu bà, còn gọi với theo “xúc ít đường cho vào cái bát mang lên chấm dưa bở cả nhà ăn cho mát”.
TP Giao Lưu, Tháng 6/2022