Một vệ tinh Việt Nam chuyển hướng tránh vật thể lạ trên quỹ đạo

Vệ tinh quan sát Trái Đất VNREDSat-1 đầu tiên của Việt Nam hôm15/8 đã phải chuyển hướng quỹ đạo để tránh nguy cơ va phải một vật thể trên không gian, theo tiết lộ của phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Frank A. Rose tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về an ninh không gian, diễn ra ở Tokyo (Nhật) ngày 9/10.

Vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam. Ảnh: Airbus
Vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam. Ảnh: Airbus

Ông Frank A. Rose - Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về chính sách quốc phòng và không gian (Cục Kiểm soát, Xác minh và Tuân thủ vũ khí) - đang đại diện cho Mỹ tham dự hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về an ninh không gian, tại Tokyo (Nhật Bản).

Ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của an ninh không gian, nơi hiện nay có rất nhiều vệ tinh của 60 nước và lãnh thổ, và của các công ty hoặc tổ chức khác. Vì vậy nguy cơ vệ tinh va chạm hay bị vật thể lạ va phải là rất lớn.

Ông Rose tiết lộ vào hôm 15/8, Trung tâm phối hợp hoạt động không gian của Mỹ đã gửi cho Việt Nam thông báo về nguy cơ va chạm giữa vệ tinh quan sát mặt đất VNREDSat-1 với một vật thể trong không gian. Từ thông báo này, phía Việt Nam sau đó đã thay đổi quỹ đạo của vệ tinh VNREDSat-1 để tránh va chạm.

Theo ông Rose, sự hợp tác chặt chẽ và kịp thời này giữa Việt Nam và Mỹ đã ngăn chặn một vụ va chạm có thể, tránh được việc tạo ra các mảnh vỡ đe dọa môi trường không gian, và giúp tránh được sự mất mát của một vệ tinh đắt tiền.

VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam, do Công ty EADS Astrium (Pháp, thuộc Airbus Defence & Space) thiết kế, chế tạo. Đây là vệ tinh cỡ nhỏ, kích thước 600 mm x 570 mm x 500 mm, nặng khoảng 120 kg và tuổi thọ thiết kế là 5 năm.

Một vệ tinh Việt Nam chuyển hướng tránh vật thể lạ trên quỹ đạo ảnh 1
Thử nghiệm vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam tại nhà máy của EADS Astrium (Pháp)

Dự án VNREDSAT-1 có tổng mức đầu tư 55,8 triệu euro, từ nguồn vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Pháp và 64 tỉ 820 triệu đồng nguồn vốn đối ứng của Việt Nam.

VNREDSAT-1 được phóng vào không gian ngày 7.5.2013 tại sân bay vũ trụ Kourou ở Guiana thuộc Pháp, vào quỹ đạo cách trái đất 600 - 700 km.

Vệ tinh này có nhiệm vụ chụp ảnh bề mặt trái đất, cung cấp một lượng lớn ảnh quang học có độ phân giải cao cho các Bộ, ngành, các tỉnh thành, cơ quan nghiên cứu khoa học và các trường đại học có nhu cầu giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Một vệ tinh Việt Nam chuyển hướng tránh vật thể lạ trên quỹ đạo ảnh 2
Ảnh vệ tinh VNREDSat-1 chụp sông Hồng đoạn qua Hà Nội sau khi phóng ngày 7.5.2013, độ phân giải 2,5 m

Một vệ tinh Việt Nam chuyển hướng tránh vật thể lạ trên quỹ đạo ảnh 3
Ảnh vệ tinh VNREDSat-1 chụp thành phố Melbourne (Úc) sau khi phóng

Theo Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Frank A. Rose hiện theo dõi hàng chục ngàn mảnh vỡ không gian có kích thước từ 10 cm trở lên trong các quỹ đạo của trái đất. 

Do tốc độ cao trong không gian, chỉ cần một mảnh vỡ nhỏ nửa milimet cũng đủ gây hại cho con người hay các robot trong không gian và mối nguy này ngày càng gia tăng trong vũ trụ.

Theo tinnong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ