Kỷ niệm 65 năm ngày Báo GD&TĐ xuất bản số báo đầu tiên

Một tình yêu bền chặt

GD&TĐ - Tôi bắt đầu biết đến và đọc Báo GD&TĐ từ năm 2003 - khi còn học ở Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn.

Thầy Ánh luôn nâng niu và gìn giữ các ấn phẩm của Báo GD&TĐ. Ảnh: NVCC
Thầy Ánh luôn nâng niu và gìn giữ các ấn phẩm của Báo GD&TĐ. Ảnh: NVCC

Tôi vẫn nhớ như in lần đầu bước vào thư viện để mượn sách, các bạn sinh viên phải xếp hàng chờ đợi. Cạnh quầy có bàn nhỏ chất đầy chồng báo cũ.

Trong lúc chờ, tôi lựa lấy một quyển báo nhỏ xinh để đọc. Đó là ấn phẩm “Tài hoa trẻ” của Báo GD&TĐ với nhiều chuyên mục hấp dẫn tôi ngay từ lần “gặp gỡ” đầu tiên ấy.

Sau này, mỗi lần lên thư viện đọc sách, bao giờ cũng thế, tôi luôn mượn kèm theo sách mấy quyển “Tài hoa trẻ” để đọc. Các chuyên mục như “Đời sống học đường”, “Bác sĩ I Meo”, “Nối thơ”… tôi đều rất thích, nhưng hấp dẫn tôi hơn cả vẫn là chuyên mục “Sáng tác”, đặc biệt là mục “Truyện ngắn tài hoa trẻ”.

Từ việc mê say đọc tờ báo, tôi mơ ước sẽ có ngày tên mình được xuất hiện trên tờ báo mình yêu thích. Thế là, tôi tập tành sáng tác, bắt đầu bằng những bài thơ viết về tuổi học trò, những tản mạn về đời sống sinh viên - những trải nghiệm gần gũi với chính tôi lúc đó.

Hồi ấy, không có máy tính, tất cả các bài viết đều được tôi viết tay và gửi đi bằng thư tay (chữ tôi rất xấu nên phải nắn nót viết mất nhiều thời gian để hi vọng các anh chị biên tập đọc được). Mỗi lần viết được một bài lại phải mượn xe đạp của bác chủ nhà phóng ra bưu điện Ngô Mây để gửi. Và rồi hồi hộp chờ đợi, theo dõi từng số báo để xem bài mình có được đăng hay không.

Niềm vui vỡ òa khi lần đầu tiên tôi nhận được tờ báo biếu đăng bài viết “Sinh viên kí túc xá” ở chuyên mục “Đời sống học đường”. Tôi hạnh phúc “khoe” với bạn bè trong lớp, và còn viết thư về “khoe” với gia đình. Rồi những bài thơ, những tản văn cũng lần lượt được xuất hiện trang trọng trên tờ báo mình yêu.

Nhưng vẫn còn một khao khát mà những năm tháng sinh viên tôi chưa thực hiện được, đó là có tác phẩm đăng trong mục “Truyện ngắn tài hoa trẻ” - nơi có anh Tầm Chân giới thiệu và mời bạn đọc bình truyện.

Sau này ra trường, tôi thất nghiệp gần hai năm nhưng sau cũng may mắn được về quê nhà giảng dạy. Và may mắn hơn nữa, thầy hiệu trưởng trường nơi tôi công tác cũng rất mê viết lách. Thư viện trường khi nào cũng ấm áp những ấn phẩm của Báo GD&TĐ. Tình yêu của tôi với tờ báo lại tiếp tục được “hâm nóng” trở lại.

Bấy giờ, không chỉ đọc mỗi Tài hoa trẻ, tôi còn yêu mến những ấn phẩm khác của Giáo dục và Thời đại như các số Đặc biệt tháng, số thứ Hai, số Chủ nhật… Các số báo vừa cung cấp cho tôi những kiến thức về chuyên môn, những thông tin về các chính sách đối với nhà giáo vừa cho tôi thỏa niềm đam mê sáng tác văn chương.

mot-tinh-yeu-ben-chat-2.jpg
Với thầy Ánh, Báo GD&TĐ là một tình yêu gũi gần, thân quen như công việc giảng dạy hàng ngày. Ảnh: NVCC

Còn nhớ, cũng vào dịp cuối Thu, khi tôi đang bị đau mắt đỏ thì nhận được tờ báo biếu “Tài hoa trẻ”, số 871 ra ngày 23/10/2013 có đăng truyện ngắn “Góc tối tình đầu” của chính mình. Truyện này, tôi đề tặng cho lớp Văn A K26 thời đại học, đọc lại mà thấy nhớ Quy Nhơn - nhớ thời sinh viên.

Vui nhất là truyện được đăng ở mục “Truyện ngắn tài hoa trẻ” - chuyên mục mà tôi từng mơ ước. Không biết bao nhiêu lần (từ thời còn học ở Quy Nhơn cho đến bây giờ) tôi đã đắm say đọc những lời bình truyện ngắn của anh Tầm Chân. Nhưng cảm giác lần này có gì thật khác lạ vì được nghe Tầm Chân bình chính truyện ngắn của mình và hỏi thêm bạn đọc.

Tôi cứ đọc đi đọc lại: “Tên truyện thì công khai ý tưởng đến thế, nhưng tại sao truyện lại phải bắt đầu bằng đoạn tả cảnh… Biển Quy Nhơn vào buổi sáng thật đẹp. Những đợt sóng nhẹ nhàng dắt nhau trêu đùa trên bờ cát. Sóng khoác lên mình chiếc áo dệt bằng những tia nắng ban mai óng ánh đầy màu sắc rực rỡ…”.

Giờ thì tôi còn viết bài cộng tác với một số tờ báo khác nhưng có thể nói Giáo dục và Thời đại vẫn luôn mãi là một tình yêu bền chặt, thủy chung trong trái tim tôi. Tờ báo đã cho tôi được bày tỏ nhiều băn khoăn, trăn trở với nghề.

Tờ báo cho tôi thêm nhiều khám phá thú vị với thiên nhiên, các món ăn, với nhiều vẻ đẹp của phong tục tập quán khắp các vùng miền. Tờ báo cũng giúp tôi có thêm nhiều giải pháp để đổi mới cách dạy, đổi mới chính mình. Và Giáo dục và Thời đại còn cho tôi được thủ thỉ tâm tình những câu chuyện mắt thấy tai nghe, của chính các trải nghiệm từ mình với giáo dục, với cuộc sống.

Trong những năm tháng cộng tác với báo, các năm đầu, gửi bài đi nhưng chưa bao giờ tôi biết mặt, biết tên bất cứ một anh chị biên tập nào. Nhưng thật ấm áp những bài viết của tôi thi thoảng cũng được các anh chị hồi âm. Có khi là một lời khen ngắn gọn “bài thơ này hay, sẽ đăng vào số sau em nhé”.

Cũng có khi là những lời góp ý chỗ này, chỗ khác. Dạo gần đây, tôi mới biết thêm có chị Ngọc Nam, anh Nhữ Phong, em Thúy Linh công tác ở báo. Các anh chị đều nhiệt tình giúp đỡ tôi trong việc gửi bài cộng tác. Anh Phong gọi điện tỉ mẩn hướng dẫn cho tôi gửi bài.

Em Linh tháng nào cũng chụp gửi danh sách các bài được đăng và gửi báo biếu kịp thời. Và thật quý, khi chị Nam gọi điện trực tiếp góp ý một số bài viết và gợi một số vấn đề về giáo dục để tôi có thể triển khai, nghiên cứu, hoàn thành bài.

Nhưng dường như với tôi, mảng sáng tác mới là tình yêu mãnh liệt nhất nên số lượng bài cộng tác với báo về các tác phẩm văn chương cũng chiếm phần nhiều hơn. Ở đây, tôi được làm việc với chị Hồng Thinh - một biên tập viên rất tỉ mẩn, nhiệt tình. Chính chị đã truyền cảm hứng thêm cho tôi viết nên nhiều tác phẩm gửi báo.

mot-tinh-yeu-ben-chat-3.jpg
Ấn phẩm của Báo GD&TĐ luôn có trên kệ sách của thầy Ánh. Ảnh: NVCC

Đó là lần mới đây chị em trao đổi về nhan đề của một truyện ngắn. Tôi đang bế tắc thì được chị khai mở với cái tên “Bước tới nắng tinh khôi” rất lãng mạn, đúng với giọng văn của truyện. Đó là lần chị khích lệ, động viên tôi thành lập một nhóm học trò đam mê sáng tác viết bài cộng tác cho chuyên mục viết thư, viết báo ủng hộ miền Bắc sau bão…

Cũng có những bài viết, giữa tôi và chị như có một sự đồng cảm lớn. Như bài viết “Vũ điệu trước lúc chia xa” cho chuyên mục “Café Chủ nhật”. Đây là một bài viết với góc nhìn mới về cách bày tỏ niềm tiếc thương đối với người đã khuất nên tôi vẫn còn nhiều băn khoăn, do dự.

Chị đọc bài và nhắn: “Mạnh dạn gieo một cách ứng xử hiện đại mà vẫn ăm ắp luyến thương khi chia biệt giữa văn hóa phương Đông, cũng hồi hộp đấy em”. Nhưng vẫn không quên động viên: “Có thể, góc nhìn của chị em mình phần nào còn cô đơn nhưng chị tin sẽ có người đồng cảm và cần thêm thời gian”.

Đó thực sự là sự khích lệ tôi tiếp tục có nhiều suy ngẫm táo bạo hơn trong sáng tác. Những tình cảm của các anh chị biên tập viên thật ấm áp và đáng trân quý nhường nào.

Mỗi người đều có một tình yêu nào đó để hướng về, để có động lực, niềm tin thêm yêu nghề, thêm yêu cuộc sống. Với tôi, Báo GD&TĐ chính là một tình yêu gũi gần, thân quen như công việc giảng dạy hàng ngày của mình vậy. Tôi mơ ước mình có được sức khỏe để tiếp tục đồng hành với tờ báo trong chặng đường mới tiếp theo, chặng đường báo bước qua tuổi 65 với sự phát triển mới…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ