Với họ, tình yêu dành cho “báo nhà” luôn tròn đầy và vẹn nguyên như những ngày đầu.
Mối lương duyên
Ngoài công việc quản lý, dạy học, thầy Nguyễn Thế Lượng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) là bạn đọc, cộng tác viên thân thiết của Báo GD&TĐ. 15 năm gắn bó, đồng hành, thầy Lượng nhận thấy, Báo GD&TĐ mang đến cho đội ngũ giáo viên những thông tin hữu ích.
“Báo nhà và báo ngành là 2 tên gọi thân mật, trìu mến mà chúng tôi dành cho Báo GD&TĐ”, thầy Lượng bày tỏ và khẳng định, tờ báo là cầu nối để các chủ trương, chính sách về giáo dục, đào tạo đến với thực tiễn trong các nhà trường.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa nhìn nhận, Báo GD&TĐ ngày càng đổi mới, phát triển cả về số và chất lượng; đặc biệt sự chuyên nghiệp của đội ngũ nhà báo đã đưa các ấn phẩm có chất lượng, đặc sắc đến với độc giả. Báo đã phát triển nhiều ấn phẩm có chất lượng, đáp ứng ngày càng cao công tác thông tin, tuyên truyền và nhu cầu của bạn đọc. Mỗi ấn phẩm có đặc thù riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú của tờ “báo ngành”.
Nhận xét về các ấn phẩm Báo GD&TĐ, thầy Lượng chia sẻ, với các số báo ngày trong tuần luôn ăm ắp thông tin thời sự. Số báo thứ Hai chuyên sâu về tư vấn, chia sẻ cho thầy - trò các kỹ năng cần thiết trong thực tiễn giáo dục phổ thông và phản ánh những vấn đề giáo dục đang được quan tâm.
Số Đặc biệt hằng tháng sâu sắc về nội dung, đa dạng về hình thức, là điểm nhấn về các nội dung tuyên truyền của tờ báo. Số báo Chủ nhật có sự phá cách về thể loại và mở rộng về nội dung, mang nhiều chức năng cảm nhận, giải trí và thẩm mỹ. Báo Điện tử có giao diện sáng, đẹp, cập nhật nhanh, nhạy và rộng rãi về thông tin.
“Các ấn phẩm là minh chứng nói lên sự phát triển không ngừng của Báo GD&TĐ trong những năm qua. Mỗi số báo là điểm nhấn quan trọng về công tác truyền thông giáo dục dưới nhiều hình thức, thể loại; là sợi dây kết nối độc giả với những thông tin chính trị, xã hội, giáo dục, văn hóa và đời sống trong và ngoài nước”, thầy Lượng cảm nhận và bộc bạch, mỗi bài viết của thầy được đăng lên Báo là kỷ niệm sâu sắc, niềm vui trong nghề dạy học. Thầy Lượng nhận thấy, nhà giáo và nhà báo Báo GD&TĐ dường như có mối lương duyên bền chặt.
Đồng hành và kết nối
Không thể nhớ đã viết và được đăng bao nhiêu bài trên các ấn phẩm của Báo GD&TĐ nhưng trong quá trình cộng tác, có những kỷ niệm mà Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa không thể nào quên.
“Vào năm 2012, Báo GD&TĐ ra số đặc biệt dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Tôi nhận được gợi ý viết loạt bài về chủ đề này. Tòa soạn “đặt hàng” cho tôi trong 2 ngày phải hoàn thiện 4 bài viết. Rất may, tôi là người Phú Thọ và có nhiều tư liệu về Đền Hùng, văn hóa thời đại Hùng Vương. Vì thế, khi nhận được gợi ý, tuy có áp lực về tiến độ, thời gian nhưng tôi đã hoàn thành công việc”, thầy Lượng chia sẻ.
Sau 2 ngày, thầy đã hoàn thành 4 bài viết, gồm: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong mạch nguồn văn hóa dân tộc; Huyền tích về Mẫu trong truyền thuyết Hùng Vương; Câu hát Xoan vang vọng mái đình làng; Dòng chảy thi ca về miền Đất Tổ.
“4 bài viết của tôi được duyệt đăng trên cùng một số báo đặc biệt về chủ đề Giỗ Tổ Hùng Vương. Đó là niềm vinh dự và kỷ niệm khó phai mờ trong 15 năm làm cộng tác viên của Báo GD&TĐ. Đến nay, tôi vẫn giữ số báo này để lưu giữ kỷ niệm đẹp và ý nghĩa”, thầy Lượng trải lòng.
Quá trình cộng tác, ngay từ những ngày đầu, Báo luôn chú trọng kết nối với cộng tác viên trong định hướng tuyên truyền, chia sẻ và tư vấn kỹ năng viết tin, bài cũng như cập nhật thông tin dư luận. Dù không học nghề báo nhưng trải qua 15 năm làm cộng tác viên, thầy Lượng được học nhiều kỹ năng viết báo.
“Không trực tiếp nhưng thông qua các bài viết cộng tác, tôi được các cán bộ, phóng viên chia sẻ, giúp đỡ và uốn nắn nhiều về kỹ năng. Đây là yếu tố quan trọng để tôi phát triển khả năng viết báo của mình”, thầy Nguyễn Thế Lượng cảm kích.
Báo GD&TĐ ngày càng hướng về cơ sở, phản ánh thực tiễn giáo dục nói riêng và đời sống xã hội nói chung. Bởi vậy, sự kết nối kịp thời trong cập nhật thông tin giữa Báo và cộng tác viên ở cơ sở được thực hiện khá đều đặn và nhịp nhàng.
Thầy Lượng thường xuyên nhận được định hướng từ tòa soạn, có thể theo chuyên đề hoặc đột xuất về tuyên truyền thông tin... Đội ngũ cán bộ, phóng viên và các cộng tác viên của Báo đã tạo nên sợi dây gắn kết với cơ sở.
Những năm gần đây, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hạ Hòa nhận thấy, Báo chú trọng phản ánh, phân tích, phản biện những vấn đề giáo dục, xã hội, đời sống thông qua việc lấy ý kiến của bạn đọc.
Theo thầy Lượng, đây là hướng truyền thông mà Báo cần tiếp tục phát huy. Bởi lẽ, trước chủ trương, chính sách mới về giáo dục và những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, việc nắm bắt các luồng dư luận, đưa ra những kiến giải mang tính phản biện để định hướng dư luận là yếu tố quan trọng.
Ăm ắp kỷ niệm
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay và trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí, mỗi người đều có nhiều sự lựa chọn. Với thầy Nguyễn Minh Tư - Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, Báo GD&TĐ luôn là người bạn không thể thiếu bởi tính chuyên nghiệp.
Trước áp lực của cơ chế thị trường, nhưng Báo không chỉ giữ vững bản lĩnh một tờ báo mang đậm “chất của ngành Giáo dục”, không chạy theo thị hiếu tầm thường, mà còn kiên trì nâng cao trí tuệ khoa học, đưa bạn đọc tiếp cận những quan điểm của Đảng, thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến.
Báo cổ vũ, khích lệ các nhà trường, nhà giáo thực hiện và hoàn thành sứ mệnh của mình trước yêu cầu, nhiệm vụ mới. Từ trang văn hóa, xã hội, tin tức đến thời sự, quốc tế… tất cả không chỉ chính xác, trung thực, đúng bản chất, “không giật gân” “câu khách”… mà lôi cuốn độc giả bằng những thông tin phong phú mang đậm hơi thở của đời sống xã hội…
Đặc biệt, Báo còn dành chuyên mục Bạn đọc trong việc tư vấn, giải đáp thắc mắc đơn thư yêu cầu của độc giả... và dành phần lớn diện tích để đăng tải các bài viết của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Mặc dù những ý kiến, bài viết của cộng tác viên phải mất nhiều thời gian biên tập, thẩm định thông tin, song Ban biên tập luôn ủng hộ, khuyến khích các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và bạn đọc gửi tin, bài để các ấn phẩm của Báo GD&TĐ thêm phong phú, gần gũi hơn với bạn đọc...
Riêng tiêu chí này, Báo GD&TĐ xứng đáng là một trong những tờ báo hàng đầu của ngành Giáo dục. Thêm nữa, chất “giáo dục và thời đại” đã được giữ vững, bồi đắp qua việc thể hiện từng tin, bài trên các ấn phẩm.
Đó là bài viết đầy “dấn thân” cùng những cảm xúc, ý tưởng sinh động, sáng tạo của các nhà báo để cho ra tác phẩm báo chí thật sự khác biệt, giúp bạn đọc cảm nhận được “giọt mồ hôi và sự nhọc nhằn” trên từng con chữ, đem lại cho bạn đọc những thứ dù không nghe, nhìn thấy... nhưng lại cảm nhận được một cách đầy đủ, thuyết phục.
Là bạn đọc rồi trở thành cộng tác viên nên thầy Minh Tư có nhiều kỷ niệm với Báo GD&TĐ. Song, có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là bài viết phản ánh về thực trạng công tác bảo vệ của một số trường học. Đó là câu chuyện thầy từng được chứng kiến về cách cư xử của nhân viên một số trường học với phụ huynh và học sinh.
Bài viết được phản ánh một cách trung thực gửi về Báo GD&TĐ như sự chia sẻ, cung cấp thông tin. “Thật bất ngờ, tôi nhận được điện thoại từ tòa soạn để xác nhận và hỏi thêm về địa chỉ một số thông tin trong bài viết. Ngay hôm sau, bài viết của tôi được Báo đăng trong chuyên mục “Ý kiến bạn đọc””, thầy Minh Tư nhớ lại.
Sau khi bài báo được đăng, phòng GD&ĐT (nơi có một số trường học được đề cập trong bài viết) đã triệu tập các hiệu trưởng để chấn chỉnh việc bài báo nêu. “Sau đó, tôi được lãnh đạo phòng GD&ĐT ngợi khen. Câu chuyện diễn ra lâu lắm rồi, nhưng với tôi nó vẫn là kỷ niệm khó quên về sự ảnh hưởng của bài báo được đăng trên Báo GD&TĐ”, thầy Minh Tư chia sẻ.
Là người làm trong ngành Giáo dục, công việc đòi hỏi phải cập nhật thông tin, nên thầy Minh Tư thường xuyên đọc báo, coi báo như “người bạn đồng hành tin cậy” cho công việc của mình.
Những năm gần đây, nhằm góp phần cùng toàn ngành thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo quan điểm của Đảng, Báo GD&TĐ không những thể hiện rõ tính lý luận khoa học giáo dục, kinh nghiệm thực tiễn, mà còn hình thành phát triển, định hướng nhân cách cho thế hệ trẻ.
“Báo cũng mở thêm những chuyên mục mới, thiết thực cho những người làm công tác giáo dục như: Giải đáp về chế độ chính sách… Điều đó càng khiến tôi thêm cảm phục sức lao động, cống hiến âm thầm của những người làm Báo GD&TĐ. Họ không chỉ dấn thân, khắt khe, nghiêm khắc, mà còn luôn đặt đạo đức nghề báo lên trên. Đó là niềm hãnh diện, niềm tự hào về tờ Báo ngành”, thầy Minh Tư bày tỏ.
Là bạn đọc trung thành, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa thấy vui và vinh dự khi được cộng tác với Báo GD&TĐ. Ông hạnh phúc khi được Báo trân trọng các ý kiến của mình.
“Có thời điểm, “cả làng báo” cùng quan tâm đến giáo dục nên rất nhiều phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương điện thoại, gửi câu hỏi, đặt vấn đề phỏng vấn tôi. Tuy nhiên, với tôi, Báo GD&TĐ là lựa chọn ưu tiên số 1 để đăng đàn trả lời phỏng vấn. Bởi lẽ, uy tín và độ tin cậy, cách làm báo có tâm chính là bảo chứng để tôi gửi gắm những tâm tư, trắc ẩn về sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà”, ông Lê Tuấn Tứ chia sẻ.
Cùng một vấn đề “nóng” về giáo dục nhưng các thông tin, phản ánh của Báo GD&TĐ luôn có góc nhìn đa chiều, sâu sắc khiến bạn đọc yên tâm, tin tưởng khi tiếp cận thông tin. Đó cũng là lý do khiến ông Lê Tuấn Tứ luôn sẵn sàng cộng tác và trả lời phỏng vấn trên Báo GD&TĐ. “Tôi mong Báo GD&TĐ tiếp tục tạo ra những “sân chơi” rộng hơn nữa tới các cộng tác viên, bạn đọc, góp phần nâng cao chất lượng của các ấn phẩm”, ông Lê Tuấn Tứ gợi mở.
“Trải qua các giai đoạn phát triển không ngừng, Báo GD&TĐ đã và đang là người bạn đồng hành với đội ngũ nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước, hòa mình hơn với thực tiễn giáo dục và đời sống xã hội. Với chất lượng thông tin, truyền thông như hiện nay, Báo sẽ phát triển và tiến xa hơn nữa”. Thầy Nguyễn Thế Lượng