Những chuyến tác nghiệp đáng nhớ

GD&TĐ - Với phóng viên Báo GD&TĐ tại miền Trung, mỗi chuyến tác nghiệp vào mùa mưa lũ, thiên tai luôn là những hành trình với muôn vàn cảm xúc đáng nhớ…

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo GD&TĐ trao quà từ thiện cho học sinh ở xã Tam Chung và Mường Chanh.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo GD&TĐ trao quà từ thiện cho học sinh ở xã Tam Chung và Mường Chanh.

Lao vào tâm lũ

Đã hơn 6 năm trôi qua, nhưng nhớ về trận lũ lịch sử 2018 tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn khiến tôi “rùng mình”. Sáng 28/8/2018, nhận được thông tin xảy ra lũ ở huyện Quan Hóa, Mường Lát, anh em phóng viên thường trú tại Thanh Hóa tức tốc lên đường. Mưa từ thượng nguồn sầm sập, nước đổ dồn về sông Mã, sông Chu, sông Bưởi (Thanh Hóa) khiến nhiều vùng ngập trắng.

Vùng ven sông Mã từ xã Thanh Xuân, Phú Lệ, Phú Thanh... ngược Trung Sơn (nơi có Thủy điện Trung Sơn, huyện Quan Hóa) đều bị nước lũ chia cắt. Quốc lộ 15A, 15C cũng không thể thông tuyến. Chúng tôi phải ở lại thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) chờ nước rút. Thế nhưng, trời mưa ngày càng lớn, nước dâng cao, thị trấn Hồi Xuân cũng bị cô lập.

Sau 4 ngày mắc kẹt ở huyện Quan Hóa, chúng tôi mới tiếp cận được xã Trung Lý (Mường Lát). Tuy nhiên, Quốc lộ 15C từ trung tâm xã Trung Lý đi thị trấn Mường Lát bị chia cắt hoàn toàn. Mọi người phải gửi xe lại, rồi thuê thanh niên bản địa chở xe ôm về cầu Chiềng Nưa (xã Mường Lý) đến khu vực thuyền máy của lực lượng Công an và ngược sông Mã lên thị trấn Mường Lát.

Trận lũ làm 7 người thiệt mạng và mất tích ở huyện Mường Lát; hơn 200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, đổ sập hoàn toàn; hàng chục điểm trường học bị bùn đất, đá vùi lấp không thể sử dụng được... Thiệt hại ước tính ban đầu đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Ở thời điểm đó, số lượng phóng viên có mặt ở vùng lũ khá ít. Nhiều người rất muốn tiếp cận tâm lũ càng sớm càng tốt, nhưng vô cùng khó khăn. Khi sóng điện thoại, đường truyền Internet đã kết nối được với bên ngoài, những thông tin, hình ảnh vùng lũ đầu tiên mới được chuyển về tòa soạn. Tuy nhiên, vẫn còn xã Mường Chanh đang bị cô lập hoàn toàn.

nhung-chuyen-tac-nghiep-dang-nho-6.jpg
Phóng viên Thế Lượng phỏng vấn người dân xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) đi tránh lũ năm 2018.

Cung đường từ thị trấn Mường Lát đến Mường Chanh gần 40 km. Mưa lũ khiến con đường độc đạo từ xã Quang Chiểu đi Mường Chanh bị đứt gãy, mặt đường trở thành suối. Hệ thống viễn thông được nối lại sau 5 ngày. Điện lưới quốc gia cũng được khôi phục tạm, nhưng hơn 10 ngày đường vẫn chưa thông.

Để đến được vùng rốn lũ Mường Chanh, chúng tôi phải đi bộ gần nửa ngày. Con đường đến rốn lũ mỗi khi nhớ lại, những phóng viên cùng đoàn vẫn không khỏi rùng mình. Sau nhiều ngày mưa lớn, Đập Na Chừa - con đường duy nhất băng qua suối Xim vào Mường Chanh đã bị nước lũ cuốn phăng. Muốn qua được suối, chúng tôi phải liều mình bám vào chiếc mảng được kết bằng 4 cây luồng, rồi vượt dòng nước xiết.

Ở phía bờ bên kia, thầy Trần Văn Liêm, Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chanh, thầy Lê Văn Thành giáo viên nhà trường đã chờ sẵn để hỗ trợ. Ngoài ra, 2 thanh niên trong bản cũng tới giúp sức. Bốn cây luồng được ghép lại những thanh ngang, giằng nhau bằng dây cáp điện. Sợi cáp chính được căng ngang, buộc chặt vào gốc cây 2 bên bờ suối. Một thanh niên bản ngồi ở đầu mảng luồng, dùng sức nhích dần theo dây cáp căng ngang để vượt dòng lũ. Một thanh niên có nhiệm vụ ngồi ở đuôi mảng, để giữ thăng bằng, tránh bị lật.

Sau khi thống nhất phương án vượt suối, chúng tôi gói ghém tư trang, máy móc, quần áo vào balo, dùng áo mưa bọc bên ngoài. Từng gói hành lý được chàng trai bản đưa qua suối trước, sau đó trở lại đón người.

nhung-chuyen-tac-nghiep-dang-nho-4.jpg
Phóng viên Hoàng Vinh (đeo ba lô - thứ 3 từ phải sang) cùng đồng nghiệp trên đường vào điểm sạt lở tại thôn 1, xã Trà Leng.

Dù đã được chàng trai bản ngồi ở đuôi mảng giữ thăng bằng, nhưng khi ra giữa dòng suối, nước chảy xiết, áp lực nước đập vào, khiến tôi đau tức ngực, rất khó thở. Loay hoay mãi, vẫn không thoát qua được dòng nước xoáy.

Phía bờ bên kia, thầy giáo Thành và một thanh niên bản phải lao mình xuống mép suối, đu lên sợi dây cáp cho căng ra để có lực kéo mảng... Quãng đường không xa nhưng thời gian như trôi chậm lại. Khi chân chạm bờ suối, lúc đó tôi mới thở phào cảm tưởng như vượt qua “cửa tử”.

Qua được suối Xim, chúng tôi tiếp tục đi bộ vào Mường Chanh. Dọc đường, đâu đâu cũng thấy sự hoang tàn. Con suối Xim bị nắn dòng, đồng lúa trôi tuột xuống thành suối. Nhiều căn nhà của người dân trơ vài chiếc cột, có ngôi nhà chỉ còn sót lại nền…

Chủ tịch UBND xã Mường Chanh lúc bấy giờ là ông Lê Thế Thọ. Khi gặp nhau, ông Thọ ôm chầm lấy tôi cười, nhưng nước mắt cứ chảy ra. “Nhìn thấy phóng viên lên được đến đây, tôi vừa mừng, vừa lo. Ngộ nhỡ, phóng viên có mệnh hệ gì lúc vượt suối Xim, thì... Nhưng thôi, phóng viên vẫn giữ được tính mạng như vậy là may quá rồi, chúng tôi rất cảm động cảm phục!”.

Gần 10 ngày lăn lộn trong vùng lũ trở về nhà, vợ tôi không giận hờn, hay trách móc, mà cứ thế... khóc vì “chồng còn sống trở về”.

Sau khi những hình ảnh bài viết trận lũ kinh hoàng tại Mường Lát đăng tải trên Báo GD&TĐ đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều tấm lòng đã chung tay quyên góp hỗ trợ giúp người dân vùng lũ gượng dậy sau thiên tai. Đặc biệt, tháng 11 năm ấy, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ - Nhà báo Triệu Ngọc Lâm đã dẫn đoàn lên Mường Lát trao hàng trăm suất quà trị giá hàng trăm triệu đồng đến tay học sinh ở xã Tam Chung và Mường Chanh.

nhung-chuyen-tac-nghiep-dang-nho-2.jpg
Phóng viên Hoàng Vinh đi bộ 15km để vào điểm sạt lở tại Trà Leng.

Đi về phía nước mắt

Là phóng viên miền Trung đã quen với tác nghiệp với thiên tai, mưa lũ, nhưng có lẽ địa danh Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) vẫn là nỗi ám ảnh trong tôi.

Cuối tháng 10/2020, Đà Nẵng và Quảng Nam xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Sau cơn thịnh nộ của gió bão là mưa lớn xối xả kéo dài trong nhiều ngày. Đêm 28/10, Trà Leng bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá vùi lấp cả một ngôi làng Nóc Ông Đề ở thôn 1, làm hàng chục người mất tích.

Đây được xem năm là thảm họa sạt lở của miền Trung, bởi trước đó các trận sạt lở đất liên tiếp xảy ra làm nhiều người chết, mất tích tại Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế) và Hướng Hóa (Quảng Trị).

21 giờ đêm 28/10, sau khi vừa gửi tin cuối cùng về cơn bão, tôi nhận được điện thoại của Trưởng Văn phòng thường trú, lúc bấy giờ là anh Phan Bùi Bảo Thi. Anh Thi bảo tôi chuẩn bị đồ đạc lên đường lên Trà Leng đưa tin về sạt lở. Sau cuộc điện thoại, tôi vội chuẩn bị vài bộ áo quần rồi lên đường ngay trong. Từ Đà Nẵng lên huyện Nam Trà My khoảng 200km.

nhung-chuyen-tac-nghiep-dang-nho-7.jpg
Phóng viên Thế Lượng vượt dòng lũ để vào xã Mường Chanh (Mường Lát, Thanh Hóa) năm 2018.

6 giờ sáng 29/10, tôi đến TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Tại đây, đường sá sạt lở khắp nơi, tôi cùng một phóng viên báo bạn thuê xe máy để bắt đầu hành trình lên điểm sạt lở Trà Leng. Sau hàng giờ “đánh vật” với con đường quanh co, chúng tôi buộc phải dừng lại giữa QL 40B thuộc địa phận giáp ranh giữa huyện Bắc Trà My và Nam Trà My do đường sạt lở.

Sau 20 phút loay hoay, lúc này có một vài người dân khác chạy tới dọn dẹp đường sá. Tình thế cấp bách buộc tôi vội năn nỉ mọi người xỏ cây qua bánh xe để khiêng qua đoạn sạt lở, tiếp tục hành trình.

Tưởng chừng mọi việc suôn sẻ, nhưng con đường dẫn vào thôn 1 Trà Leng ngập ngụa bùn lầy, liên tiếp các điểm sạt lở. Những “quả bom đất” treo lơ lửng dọc con đường chực chờ đổ sập bất cứ lúc nào, dưới chân chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể ngã xuống vách núi hay dòng lũ đang cuồn cuộn chảy. Chúng tôi đành để xe máy vào nhà dân gần đó để đi bộ vào Trà Leng.

Tại một quán tạp hóa nhỏ sát bên đầu cầu Trà Leng, một thi thể trong vụ sạt lở được dân làng khiêng ra, khói hương nghi ngút. Bên cạnh đó, ba chiếc võng trong đó có một phụ nữ và hai đứa trẻ bị thương là những người sống sót sau vụ lở đất kinh hoàng. Vội phỏng vấn thông tin người nhà nạn nhân, chúng tôi mua tạm một gói mì tôm và chai nước suối phòng lúc đói rồi đi bộ thêm 15km.

Suốt dọc đường đi, chúng tôi luôn cố gắng tận dụng mọi thiết bị để tác nghiệp trong điều kiện thiếu Internet, sóng điện thoại chập chờn. Anh chị em cũng chia sẻ, hỗ trợ nhau kịp gửi tin bài về tòa soạn để không bỏ lỡ bất cứ thông tin nào.

Sau khi vượt con đường đất đỏ, cây cối ngã đổ, tôi đã tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Đứng trên đầu con dốc nhìn xuống chẳng còn thấy những mái nhà của dân đâu, mà chỉ thấy đất và đá.

Ngọn núi nằm phía Đông ngôi làng đã bị cắt đứt một nửa, đất đá tràn xuống vùi lấp nhà dân. Chính giữa một khe lớn vừa được hình thành do vụ sạt lở gây ra, nước suối đục ngầu chảy ào ào xuống sông Leng. Vô số tảng đá to tướng nằm ngổn ngang.

Hàng trăm người dùng tay đào bới lớp đất đá, kiếm tìm những người nằm dưới với hy vọng mong manh. Ngổn ngang, đổ nát và tang thương là những gì tôi nhớ về Trà Leng lúc đó. Nước mắt tôi chảy dài, bởi đây là lần đầu tiên tôi tác nghiệp trong khung cảnh bi thương đến vậy.

Lấy lại bình tĩnh, tôi cùng đồng nghiệp vội chia nhau ra để phỏng vấn lấy thông tin. Tin bài đã xong nhưng không có sóng điện thoại, Internet khiến tôi vô cùng sốt ruột. Sau khi dò khắp các hướng nhưng bất lực, tôi vừa chạy vừa đi bộ 15km quay trở lại lấy xe máy về Sở Shỉ huy tiền phương đặt tại trung tâm thị trấn Bắc Trà My (Quảng Nam) để kịp gửi tin bài về tòa soạn.

Đêm 29/10/2020, sau khi về tới Sở Chỉ huy tiền phương, tôi liền gõ một mạch 3 bài về sạt lở Trà Leng gửi về tòa soạn, lúc này đồng hồ đã điểm 23 giờ. Tôi ngước nhìn ba lô mới thấy rằng gói mì tôm được mua lúc ở đầu cầu Trà Leng vẫn còn nguyên.

Sau 3 ngày ăn dầm nằm dề tại nơi sạt lở, tôi đã đưa hàng chục tin bài về tòa soạn, được Ban Biên tập và lãnh đạo đánh giá cao. Với tôi, khi vác ba lô lên vùng sạt lở, điều đầu tiên nghĩ trong đầu là làm sao phải gửi tin bài về nhanh nhất, sớm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chuyến tác nghiệp này tôi xem nó là “hành trình đi về phía nước mắt”, lưu lại những cảm xúc không bao giờ quên.

Với tôi, 5 năm làm tại Báo GD&TĐ là khoảng thời gian đáng nhớ trong hành trình làm báo của mình. Khi tôi chọn dấn thân vào nghề, tôi tự nhủ rằng phải chấp nhận lăn xả để cho ra đời những “đứa con tinh thần” hoàn hảo nhất.

Mỗi chuyến đi dù xa xôi, vất vả, khó khăn… nhưng qua mỗi chuyến đi tôi góp nhặt thêm những trải nghiệm để trưởng thành hơn trong nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ