Một số xã hội loài người đã từng sống dưới lòng đất?

GD&TĐ - Từ những hầm mộ cổ đại đến các ga tàu điện ngầm hiện đại, con người luôn đi dưới lòng đất trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng đã bao giờ toàn bộ xã hội của loài người sống dưới lòng đất?

Một số xã hội loài người đã từng sống dưới lòng đất?

Câu trả lời là có, nhưng về mặt lịch sử điều này chỉ xảy ra trong những trường hợp khẩn cấp và khi họ không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, điều đó đã bắt đầu thay đổi.

Will Hunt, tác giả cuốn sách “Dưới mặt đất: Lịch sử loài người của những thế giới bên dưới bàn chân của chúng ta” - cho biết: “Về mặt sinh học, sinh lý học, cơ thể chúng ta không được thiết kế cho sự sống dưới lòng đất. Thế nhưng, có những khoảnh khắc nhân loại đã rút xuống lòng đất để sinh sống”.

Theo Hunt nói với Live Science, trong trường hợp không có vật liệu để xây nhà, con người đã đào những ngôi nhà dưới lòng đất. Ở những nơi có khí hậu khắc nghiệt, họ đi xuống dưới lòng đất vào mùa hè để giữ mát và vào mùa đông để giữ ấm. Lòng đất cũng là một nơi an toàn để ẩn náu khỏi kẻ thù.

Những người cổ đại đã xây dựng các thành phố nổi tiếng dưới lòng đất Cappadocia, nơi ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, để bảo vệ bản thân khỏi thời tiết và chiến tranh. Cư dân của thành phố rút lui xuống lòng đất trong những trường hợp khẩn cấp, nhưng họ không ở đó lâu, có lẽ khoảng vài tuần mỗi lần.

Một trong những thành phố ngầm lớn nhất ở Cappadocia là Derinkuyu, có niên đại khoảng thế kỷ thứ bảy hoặc thứ tám và có thể là nơi ở của khoảng 20.000 người, theo Atlas Obscura.

Theo National Geographic, các nhà địa - vật lý gần đây đã phát hiện một thành phố trong khu vực có diện tích khoảng 460.000m2 và có thể sâu tới 113m. Nếu phát hiện đó là chính xác, thì thành phố đó lớn hơn khoảng 1/3 so với Derinkuyu.

Các thành phố ngầm của Cappadocia là một “kỳ quan kiến trúc”. Will Hunt cho hay, các thành phố ngầm của Cappadocia là một kỳ quan kiến trúc với giếng cắm sâu xuống mạch nước ngầm, có các lỗ dẫn lên bề mặt hoạt động như trục thông gió và còn có các lớp bảo vệ ngăn không cho những người bên ngoài xâm nhập. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngôi nhà dưới lòng đất đều phức tạp như ở Cappadocia.

Theo Tạp chí Smithsonian, ngay cả ở nước Australia ngày nay, tại một thị trấn có tên là Coober Pedy, khoảng một nửa dân số sống trong các “hầm đào” hoặc những lỗ khoét sâu vào các sườn đồi.

Nhiều người có cuộc sống kém may mắn tìm thấy nơi trú ẩn dưới bề mặt các cơ sở hạ tầng bị bỏ hoang của các thành phố hiện đại. Hunt cho biết thêm rằng, số lượng “người chuột chũi” này ở New York ít hơn so với những năm 1980, nhưng có lẽ hơn 1.000 người vô gia cư sống trong các đường hầm bên dưới các con đường của thành phố.

Nhiều người vô gia cư cũng sống trong các đường hầm bên dưới Las Vegas. Và những cộng đồng trẻ mồ côi lớn sống dưới các đường phố ở Bucharest, Romania.

Trên thực tế, việc ở dưới lòng đất vẫn chưa được chứng minh là gây ra các tác động tâm lý tiêu cực nào, miễn là ánh sáng, kích thước phòng, chiều cao trần và các thuộc tính vật lý khác của bối cảnh phù hợp với bên trên.

Ví dụ, công nghệ như giếng khơi, cho phép ánh sáng Mặt trời tự nhiên làm sáng các không gian dưới lòng đất bằng cách sử dụng các vật liệu như sơn phản quang, có thể chống lại sự trầm cảm phát sinh do thiếu ánh sáng Mặt trời.

Nhìn bề ngoài, mọi người có thể cảm thấy bị cô lập với đồng nghiệp và họ có thể cảm thấy thiếu quyền kiểm soát, nhưng những cảm giác này có thể xử lý được. Tuy nhiên, mọi người vẫn không thích ý tưởng sống dưới lòng đất.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.