Theo TS Tính, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một dạng hoạt động giáo dục. Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như hoạt động câu lạc bộ, tổ chức trò chơi, diễn đàn, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, các hội thi, các hoạt động giao lưu, hoạt động nhân đạo, hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng, sinh hoạt tập thể, lao động công ích, sân khấu hóa như: Kịch, thơ, hát, múa rối, tiểu phẩm, kịch tham gia…, thể dục thể thao, tổ chức các ngày hội…
Mỗi hình thức hoạt động trên đều tiềm tàng những khả năng giáo dục nhất định. Nhờ các hình thức tổ chức đa dạng, phong phú mà việc giáo dục học sinh được thực hiện một cách tự nhiên, sinh động, nhẹ nhàng, hấp dẫn, không gò bó và khô cứng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý cũng như nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.
Trong quá trình thiết kế, tổ chức thực hiện và đánh giá hoạt động tải nghiệm sáng tạo, cả giáo viên lẫn học sinh đều có cơ hội thể hiện sự sáng tạo, chủ động, linh hoạt của mình, làm tăng thêm tính hấp dẫn, độc đáo của các hình thức tổ chức hoạt động.
Dựa trên khảo sát thực tiễn của các hình thức tổ chức hoạt động trong các nhà trường, cùng với sự nghiên cứu chương trình của một số nước trên thế giới, có thể phân loại các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo thành các nhóm sau:
Hình thức có tính khám phá: Thực địa, thực tế; Tham quan; Cắm trại; Trò chơi.
Hình thức có tính tham gia lâu dài: Dự án và nghiên cứu khoa học; Các câu lạc bộ.
Hình thức có tính thể nghiệm/ tương tác: Diễn đàn; Giao lưu; Hội thảo/xemina; Sân khấu hóa.
Hình thức có tính cống hiến:Thực hành lao động việc nhà, việc trường; Các hoạt động xã hội/ tình nguyện.