Nhìn chung đây là tác phẩm thống nhất về nội dung và nghệ thuật, đồng thời cũng là truyện cổ tích khơi gợi nhiều cảm hứng cho các tác phẩm thi ca, đã có hàng chục bài thơ được gợi cảm hứng từ câu chuyện đậm đà ý vị triết lí này.
Có thể nói Tấm Cám là truyện tương đối thống nhất từ tên gọi (chỉ có tên duy nhất là Tấm Cám) cho đến xung đột chủ yếu của truyện, đó là xung đột giữa Tấm và Cám (nhân vật dì ghẻ chỉ đứng sau Cám, bày mưu cho Cám), mặc dù truyện có xung đột dì ghẻ - con chồng nhưng xung đột giữa Tấm và Cám mới là chủ yếu. Xuất phát từ nội dung này, nhiều bài thơ đã thể hiện lại xung đột truyện với những cách nhìn nhận khác nhau. Tác giả Ánh Tuyết trong bài thơ Lời của Tấm đã nhìn nhận xung đột của hai chị em bởi ngay ở tính cách, bản chất của Cám là tham lam, gian xảo nên tìm mọi cách để chiếm đoạt những gì thuộc về Tấm:
Người ngoan ở với người gian
Dẫu hiền như bụt cũng tan nát lòng
Tin em em cướp mất chồng
Đành làm quả thị thơm cùng nước non.
Viết về truyện Tấm Cám, tác giả Trường Phi Bảo đã có những cảm nhận từ những chi tiết tiêu biểu của truyện để thể hiện những xung đột dai dẳng này, đồng thời cũng đưa ra một cái kết khác cho tác phẩm.
Không duyên thì hẹn kiếp sau
Chị cười thân nhập Xoan Đào làm vui
Đâu hay em những bùi ngùi
Kẽo kẹt khung cửi sụt sùi tang thương
Quay tơ dệt tấm đoạn trường
Ngờ đâu rền rĩ tiếng hờn chị than
Trót dại mang tiếng đèo bòng
Thôi em xin trả lại chồng chị đây!
Tấm Cám - Trường Phi Bảo
Nhà thơ Dương Kỳ Anh xem một tích chèo được chuyển thể từ truyện Tấm Cám không khỏi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận của Tấm. Từ đó nhà thơ nêu nên những bài học triết lí sâu sắc thông qua câu chuyện này. Từ chuyện cô Tấm mà rút ra bao bài học trắng đen, thiện ác, nhân dân luôn gửi gắm niềm tin tất yếu vào sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện trước cái ác, cái xấu:
Sự đời bạc ác tinh ma
Để cho cái bống còn là nắm xương
Nghìn năm treo quả thị vàng
Để cho cô Tấm thi gan với trời
Ai nuôi cái ác trong người
Dẫu sống trọn đời, chẳng có ngày vui
. . .
Xoan đào võng tía ai đưa
Áo em rách đến bây giờ áo em.
Xem một tích chèo - Dương Kỳ Anh
Vẫn từ chi tiết đôi hài nhà thơ Nguyễn Hưng Hải có cách nhìn riêng của mình với bao bàn chân đua nhau thử ướm như “chuyện ngàn đời bóng gió vẫn đang đi”. Có thể nói trở thành hoàng hậu là ao ước của bao cô gái, niềm hạnh phúc tột đỉnh chỉ dành cho ai có phẩm chất tốt đẹp.
Em giật phần em
Chị vun phần chị
Ướm chân vào cả mẹ và con
Tấm biết hài mình ở chỗ vàng son
Còn đến thử
Trách nào ai chẳng muốn...
Những đôi hài cổ tích – Nguyễn Hưng Hải
Khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi truyện Tấm Cám được đưa vào sách Ngữ văn 10, đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn về cách kết thúc của truyện, nhiều người cho rằng kết thúc như vậy hình ảnh Tấm sẽ không còn trọn vẹn, ảnh hưởng tới chức năng giáo dục của một tác phẩm văn học.
Tác giả Hoàng Xuân Niên trong một bài viết công phu về cách đọc truyện Tấm Cám dưới tư tưởng Phật giáo cho rằng, sự hóa thân của Tấm sau mỗi lần bị mẹ con Cám hãm hại là kết quả của sự chuyển nghiệp theo luân hồi, chúng tôi cho rằng, đấy là một trong rất nhiều cách tiếp nhận của lý thuyết hiện đại, dường như với những tác phẩm lớn mỗi cách đọc lại cho một mã nghĩa khác nhau. Tác giả Linh Phương cũng băn khoăn với kết thúc truyện Tấm Cám và đưa ra một cách kết mới của mình:
Dao sắc đâu diệt được lòng nhân
Nàng Cám quỳ xin tha thứ tội
Bao dung. Tấm đuổi về làng cũ
Nuôi mẹ già heo hút chân mây
Chuyện cổ tích viết lại từ đây
Trẻ con sẽ không còn tự hỏi:
“Sao cô Tấm nỡ đành nói dối giết em mình bằng vạc nước sôi?”
Viết lại chuyện cô Tấm – Linh Phương
Có thể nói truyện Tấm Cám là mẫu truyện rất phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới và đã đi sâu vào đời sống nhân dân qua bao thế hệ. Mặc dù, mỗi người có cách nhìn nhận riêng, cách đọc riêng nhưng theo chúng tôi mỗi tác phẩm ra đời gắn với một thời kỳ lịch sử, văn hóa cụ thể của nó, chúng ta nên đặt tác phẩm vào môi trường văn hóa nó ra đời, tránh hiện đại hóa tác phẩm.
Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên cho rằng: “Truyện Tấm Cám là một truyện cổ tích. Tính chất cổ xưa của truyện Tấm Cám không chỉ do đề tài, cốt truyện và các mô típ của nó có nguồn gốc từ những thực tại và quan niệm về thực tại của con người từ “ngày xửa ngày xưa”. Ông cũng chỉ ra rằng: “Khi truyện cổ tích mở đầu rằng Ngày xửa, ngày xưa thì chính là đã chuẩn bị cho người nghe một tâm thế phù hợp để bước vào cái thế giới của những điều vô lý đầy sức hấp dẫn ấy”.