(GD&TĐ) - Tôi là một người không may mắn. Không hiểu vì lí do gì mà ngay từ khi sinh ra, mắt trái của tôi đã không thể nhìn được và nó lại còn bé hơn mắt phải khiến cho hai mắt của tôi không cân nhau. Một mắt không nhìn thấy gì nên tôi hay phải nghiêng mặt đi để nhìn mọi thứ. Khi còn học những lớp nhỏ, tôi nhớ là mình luôn bị bạn bè trêu chọc.
Ảnh minh họa/internet |
Tôi buồn lắm. Lớn hơn một chút, biết nhận thức hơn, không bị bạn trêu nữa nhưng tôi luôn phải sống trong mặc cảm tự ti vì đôi mắt của mình. Lúc nào tôi cũng thấy mình xấu xí và không bằng mọi người. Tôi luôn nghĩ với ngoại hình như thế này khi lớn lên, mình sẽ không thể xin được việc làm. Hàng ngày tôi sống trong nỗi buồn và sống một cách thu mình. Tôi tự tách mình ra khỏi tập thể lớp, lúc nào cũng lặng lẽ một mình. Tôi đủ lớn để nhận ra, sẽ không tồn tại bất cứ một phép màu cổ tích nào có thể giúp tôi có được hai con mắt cân nhau. Càng nghĩ về điều này, tôi lại càng thấy mình đau khổ.
Nhưng rồi, đã có một sự thay đổi diệu kì đến với tôi. Năm đó, do điểm thi vào cấp III khá cao nên tôi đã được tuyển vào lớp 10A1, một lớp chọn của trường THPT Ngô Quyền. Hồi đó, các trường THPT chưa phân ban như hiện nay nên tất cả những học sinh học giỏi môn Văn và Toán, khi thi đạt điểm cao đều được chọn vào học chung một lớp. Tôi học rất tốt môn Văn, nhưng môn Toán lại không tốt lắm. Bọn học giỏi toán của lớp rất vui sướng vì được một thầy giáo trẻ, nhiệt tình lại có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy lên lớp. Còn riêng tôi, tôi vẫn mong chờ giờ học môn Văn.
Hôm đó lớp tôi có giờ Văn, vì là giờ học đầu tiên nên tất cả lớp đều chú ý đến cô giáo. Và cô đã xuất hiện. Với chiếc quần lụa đen và chiếc áo phin trắng, trông cô thật giản dị. Trong lớp đã có tiếng xì xào "cô chẳng xinh gì cả”. Cô tự giới thiệu cô tên là Nguyễn Thị Mão - cái tên cũng giản dị như bộ quần áo cô đang mặc. Cô bắt đầu giảng bài. Tôi lắng nghe từng lời giảng của cô. Giọng cô ấm áp và dịu dàng, tôi như bị cuốn vào các nhân vật văn học thời kì những năm 1930 - 1945 mà quên đi sự mặc cảm của mình.
Tôi cao hơn các bạn, nên ngay từ đầu năm học, thầy chủ nhiệm đã xếp tôi ngồi ở bàn cuối cùng của lớp. Mắt kém, nên khi ngồi ở vị trí này, tôi đã rất khó khăn khi nhìn bảng. Giờ dạy thứ hai cô nhàng đến bên tôi và hỏi: "Em có nhìn rõ chữ trên bảng không?". Tôi cúi mặt không nói. Cô đã chuyển chỗ cho tôi lên ngồi ở bàn thứ hai và cô cũng nói với thầy chủ nhiệm của tôi điều đó. Ngồi ở chỗ mới, tôi nhìn bảng thuận lợi hơn. Trong lòng tôi vô cùng cảm động và biết ơn cô, tôi muốn nói lời cảm ơn cô mà không thể cất thành lời. Các bài giảng của cô, tôi đều hiểu. Các câu hỏi cô đặt ra, tôi đều có thể trả lời được nhưng do sự mặc cảm và nhút nhát sẵn có nên tôi không dám phát biểu.
Đến bài viết tập làm văn đầu tiên, chấm bài xong, cô đã phát hiện ra năng khiếu học văn của tôi. Từ đó cô luôn chú ý đến tôi và giúp đỡ tôi rất nhiều trong học tập. Có giờ ra chơi, cô không xuống văn phòng mà đến bên tôi, rồi hỏi tôi mọi chuyện. Cô cũng đã đoán được mọi suy nghĩ của tôi nên cô đã kể cho tôi nghe những tấm gương không có được sự may mắn về ngoại hình nhưng nhờ có nghị lực và tài năng mà họ vẫn vươn lên thành công trong cuộc sống.
Lúc đầu, tôi còn ngần ngại, không dám trao đổi với cô, nhưng bằng sự cởi mở, trìu mến và cảm thông, cô đã làm cho tôi mạnh dạn và tự tin hơn. Thế rồi, qua sự giới thiệu và giúp đỡ của cô, tôi đã được tham gia vào câu lạc bộ văn thơ của trường. Từ đó tôi được giao lưu, được kết bạn, được bày tỏ tình cảm của mình.
Dần dần, tôi đã vơi đi nỗi buồn về bản thân, bớt đi mặc cảm về mình. Tôi đã trở thành một con người tự tin. Thầy cô và các bạn trong lớp đã có cái nhìn khác về tôi. Tôi đã nhận thấy cuộc sống thật có ý nghĩa. Tôi luôn cố gắng hết mình trong mọi lĩnh vực. Dưới sự hướng dẫn của cô, lớp 12, tôi đã đạt giải ba học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Tôi vui lắm. Tôi nghĩ để có được thành tích này thì công lao của cô là rất lớn. Với tôi lúc này, cô như một người mẹ, như một bà tiên trong cổ tích. Hết năm học lớp 12, khi phải làm hồ sơ thi vào đại học, tôi đã xin ý kiến của cô. Cô đã cho tôi một lời khuyên thi vào trường phù hợp với khả năng của tôi.
Giờ đây, tôi đã có một công việc ổn định, một gia đình hạnh phúc nhưng không bao giờ tôi quên được hình ảnh của cô. Chính cô đã cho tôi sự thành công của ngày hôm nay. Cô đã biến tôi từ một con người luôn sống trong mặc cảm, tự ti để trở thành một con người luôn cố gắng và tự tin trong cuộc sống. Với tôi, cô chính là một bà tiên trong truyện cổ tích đã cho tôi một phép mầu. "Bà tiên" ấy không làm cho tôi xinh đẹp lên nhưng đã làm cho tôi có nghị lực và luôn biết vươn lên trong cuộc sống.
Mã số: 149