Một năm nhiều màu sắc của điện ảnh Việt

GD&TĐ - Hơn hai mươi phim được phát hành thương mại, trong đó có phim lập kỉ lục doanh thu chưa từng có.

Liên hoan Phim Việt Nam và giải Cánh diều năm 2023 đánh giá cao những tác phẩm chú trọng yếu tố nghệ thuật. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN.
Liên hoan Phim Việt Nam và giải Cánh diều năm 2023 đánh giá cao những tác phẩm chú trọng yếu tố nghệ thuật. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN.

Phim truyện dài đầu tay của đạo diễn 9X giành giải Camera vàng tại Liên hoan Phim Cannes danh giá. Lần đầu tiên sản xuất được phim hoạt hình dài chiếu rạp... Đó là đôi nét hình dung về điện ảnh nước nhà năm 2023 - một năm với nhiều màu sắc mới, hé lộ sự hồi phục của thị trường.

Những “cuộc chơi”

Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23 được tổ chức ở Đà Lạt vào tháng 11/2023, ngoại trừ Bông sen bạc “Đào, phở và piano” là phim do Nhà nước đặt hàng thì Bông sen vàng (Tro tàn rực rỡ) và một Bông sen bạc khác (Mẹ ơi Bướm đây) đều thuộc dòng phim tác giả.

Nếu như “Tro tàn rực rỡ” (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) không còn lạ lẫm vì đã chiếu rạp thương mại và đoạt Cánh diều vàng 2022 thì “Mẹ ơi Bướm đây” (Đạo diễn Lưu Huỳnh) là một bất ngờ cho giới làm phim.

Tác phẩm đen trắng tối giản về màu sắc, khung hình và nhân vật, kể câu chuyện tình mẹ con của người phụ nữ bị bại não, cơ thể co quắp, khó khăn trong vận động, trong biểu đạt ngôn ngữ.

Ngoài Bông sen bạc thì “Mẹ ơi Bướm đây” còn đem về hai giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Đinh Y Nhung và diễn viên nhí Mai Cát Vi. Hy vọng với Bông sen bạc này sẽ tiếp đà cho phim có mặt ở phòng vé trong năm 2024.

Cá nhân đạo diễn Lưu Huỳnh - người đã nếm trải thành công và thất bại ở cả phim nghệ thuật và thương mại thì tác phẩm này có lẽ là một “cuộc chơi” của ông, “chơi” theo nghĩa được thực hiện một bộ phim từ những rung động đời sống, được tự do theo đuổi sáng tạo cá nhân mà không chịu bất cứ áp lực nào liên quan đến tiền bạc hay giải thưởng.

Cũng là một cuộc chơi, đó là “Thành phố ngủ gật” của đạo diễn Lương Đình Dũng. Bộ phim có đề tài tâm lý tội phạm gắn nhãn 18+ được giới thiệu có nhiều cảnh nóng và cảnh bạo lực trần trụi không dành cho người yếu bóng vía.

Doanh thu thấp, những suất chiếu ít ỏi, nhưng đó là điều đã lường trước được, bởi với kinh phí khoảng 700 triệu đồng, đạo diễn cũng chỉ muốn thỏa mãn đam mê tìm kiếm lối biểu đạt mới mang dấu ấn cá nhân. Và anh hài lòng với kết quả đạt được.

Dòng phim tác giả vốn ít ỏi. Nổi bật và đầy bất ngờ, mang tính đột phá, đó là “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn sinh năm 1989 Phạm Thiên Ân. Với tác phẩm này, anh đã đưa câu chuyện của người Việt, cảnh sắc Việt đến với toàn thế giới.

Hình ảnh Phạm Thiên Ân nói lời cảm ơn bằng tiếng mẹ đẻ trên sân khấu Liên hoan Phim Cannes thật xúc động. “Bên trong vỏ kén vàng” được quay tại Việt Nam, với đội ngũ kĩ thuật và diễn viên trẻ, không ngôi sao phòng vé, không “đại gia” chống lưng, phải đối diện với nhiều khó khăn về thời gian, kinh phí và cả kinh nghiệm. Song họ đã vượt qua.

“Tôi sẽ tiếp tục làm phim về Việt Nam” là điều mà Phạm Thiên Ân chia sẻ sau khi nhận giải Camera vàng giành cho phim truyện đầu tay tại Liên hoan Phim Cannes 2023. Con tằm đã nỗ lực chui ra khỏi vỏ kén để hóa thân thành con bướm đẹp đẽ với khát vọng sống một cuộc đời mới tự do nhiều màu sắc.

“Bên trong vỏ kén vàng” được Viện Phim Anh bình chọn là một trong 50 phim hay nhất năm 2023. Đưa những chiêm nghiệm cá nhân từ đời sống vào nghệ thuật, một đạo diễn trẻ mang quốc tịch Việt Nam đã xuất sắc ghi tên mình vào bản đồ điện ảnh thế giới.

Đặt niềm tin doanh thu phòng vé

Nếu như năm 2022, điện ảnh Việt có gần 40 phim ra rạp nhưng doanh thu từ bán vé chỉ khoảng 700 tỉ đồng, nhiều phim thua lỗ nặng, nhiều phim được ví như thảm họa thì chỉ 3 tháng đầu năm 2023, doanh thu phòng vé đã tương đương với cả năm trước.

Hơn 20 phim chiếu rạp, mức độ đầu tư khác nhau, lợi nhuận hay thua lỗ cũng khác nhau, song nhìn chung không có tác phẩm/ sản phẩm nào bị gọi tên “thảm họa”.

Tổng doanh thu 10 phim Việt ăn khách nhất của năm khoảng gần 1.400 tỉ đồng, vượt qua doanh thu của năm 2019 – thời điểm trước đại dịch Covid-19. Trong đó nổi bật là “Nhà bà Nữ” với 475 tỉ đồng. Tiếp đó đến “Lật mặt 6” (khoảng 272 tỉ đồng), “Đất rừng phương Nam” (140 tỉ đồng), “Siêu lừa gặp siêu lầy” (122 tỉ đổng), “Chị chị em em 2” (121 tỉ đồng).

Bản thân các con số về doanh thu cũng là một bất ngờ. Ví như với “Nhà bà Nữ”, có lẽ chính Trấn Thành (đồng sản xuất và đạo diễn) cũng ngạc nhiên khi phim này vượt kỉ lục mà phim “Bố già” (cũng do anh giữ vai trò sản xuất và đồng đạo diễn) đã thiết lập năm 2021.

Hoặc với “Người vợ cuối cùng” - một bộ phim tình cảm cổ trang không mấy hấp dẫn - đạo diễn Victor Vũ cũng hoan hỉ thông báo trên trang cá nhân rằng phim đã vượt mức 100 tỉ đồng.

Có những phim đầu tư kinh phí thấp, không khác một sản phẩm web-drama là bao nhưng vẫn thu lời lớn như “Con Nhót mót chồng” (hơn 75 tỉ đồng). Hay nhạt nhẽo và dễ dãi như “Siêu lừa gặp siêu lầy” lại vượt mốc hơn 122 tỉ đồng.

Trong số 10 phim ăn khách phòng vé 2023 có 6 phim Việt. Chi tiết này cho thấy khán giả vẫn ưu ái phim nội. Đây là một thuận lợi rất lớn cho người làm điện ảnh. Ở một nước đang phát triển, những người trẻ - đối tượng lớn của kinh tế tiêu dùng tập trung nhiều ở đô thị, các thành phố lớn.

Phim ảnh lại là loại hình nghệ thuật mang tính đại chúng cao. Song giới làm phim chưa thực sự có những nghiên cứu sâu về thị hiếu khán giả, phân loại tệp khán giả để có hướng tiếp cận thị trường phù hợp.

Thời điểm phim ra rạp cũng là yếu tố vô cùng quan trọng tác động tới sự thành bại về doanh thu. Bản thân nhà sản xuất nhiều khi không lường được yếu tố này. Vì thế, may rủi về doanh thu cũng là điều có thực.

Một cảnh của 'Bên trong vỏ kén vàng' – bộ phim của đạo diễn Phạm Thiên Ân xuất sắc nhận giải Camera vàng giành cho phim truyện đầu tay tại Liên hoan Phim Cannes 2023.

Một cảnh của 'Bên trong vỏ kén vàng' – bộ phim của đạo diễn Phạm Thiên Ân xuất sắc nhận giải Camera vàng giành cho phim truyện đầu tay tại Liên hoan Phim Cannes 2023.

Và câu chuyện về công nghiệp điện ảnh

Năm 2023, nhiều hội thảo về điện ảnh có quy mô rộng được tổ chức, với sự chủ trì về chuyên môn của các đơn vị như Cục Điện ảnh, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh…

Tựu chung lại vẫn là nêu thực trạng và giải pháp để điện ảnh nước nhà cất cánh, làm sao để phát triển gắn với thương mại - du lịch - dịch vụ, làm sao để xây dựng công nghiệp điện ảnh. Song giải pháp sẽ vẫn nằm trên giấy nếu không có một chiến lược rõ ràng, với một ban điều hành về chính sách, nhân sự, tài chính, các kế hoạch thực hiện…

Nền điện ảnh bao cấp giờ đây chỉ hiện hữu ở số tiền vài chục tỉ cấp cho các phim sản xuất theo “đơn đặt hàng” của Nhà nước, còn lại phụ thuộc vào tư nhân. Mà tư nhân thì cũng chưa thấy xuất hiện một đơn vị hay một tập đoàn đủ mạnh để “chống lưng”, giữ vai trò nhà sản xuất “lời ăn lỗ chịu”.

Phần lớn các nhà làm phim vẫn phải kêu gọi vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Vì thế không tránh khỏi bị động. Có những dự án phim phải dời kế hoạch sản xuất vì chưa tìm được nhà đầu tư. Áp lực thu hồi vốn khiến cho ranh giới giữa sản phẩm và tác phẩm bị xóa nhòa.

Phim giải trí, câu khách ở quy mô nhỏ thường hiện diện. Nhìn vào đó sẽ thấy gương mặt điện ảnh Việt nhạt nhòa, không bản sắc, thiếu chiều sâu. Sản xuất phim manh mún, tự do, thừa phim dở và ít phim hay.

Trên mặt bằng chung, Liên hoan Phim Việt Nam và giải Cánh diều 2023 vẫn chọn lựa được những tác phẩm phù hợp để trao giải, đánh giá cao những tác phẩm chú trọng yếu tố nghệ thuật.

Điều này là cần thiết, bởi bất cứ ngành nghề nào muốn phát triển thì phải đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu. Và như vậy, vai trò của những người cầm trịch như Ban giám khảo rất quan trọng.

Một bộ phim được làm từ những trăn trở, những nỗi đau, những khao khát, những bất an… sẽ chạm đến nhiều tầng cảm xúc. “Đêm tối rực rỡ” – Cánh diều vàng 2021 là một ví dụ của điện ảnh Việt đương đại khi thành công cả về nghệ thuật và thương mại, đánh dấu mình ở một số liên hoan phim vừa và nhỏ.

Muốn phát triển công nghiệp điện ảnh thì phải tăng cường giao lưu, quảng bá, hội nhập. Có lẽ vậy nên ngoài Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, năm nay có thêm Liên hoan Phim quốc tế Đà Nẵng, Liên hoan Phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Mừng vui vì có những hoạt động điện ảnh quy mô lớn, song cũng có không ít ý kiến băn khoăn rằng liệu có cần nhiều liên hoan phim quốc tế thế không, khi Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội còn đang trong quá trình định vị thương hiệu, mỗi lần tổ chức thì bài toán kinh tế lại làm đau đầu người quản lý.

Tập trung định vị thương hiệu quốc tế cho một liên hoan phim, dốc sức để đào tạo người tài, đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển hạ tầng… Đó có lẽ là điều mà giới làm phim quan tâm, trăn trở.

Với một thị trường đông dân số như nước ta, số lượng phim sản xuất trong nước còn ít, song đề tài và thể loại đã đa dạng hơn. Với “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí”, lần đầu tiên chúng ta có phim hoạt hình dài phát hành thương mại.

Dù không tránh được những hạn chế như sự đơn giản trong nội dung và ngôn ngữ kể chuyện, song đây là điều rất đáng cổ vũ, đặc biệt với các nhà làm phim hoạt hình tư nhân.

Bên cạnh những đề tài có tính truyền thống, phim chiếu rạp đã bước đầu khai thác những đề tài mới như ma cà rồng (“Người mặt trời” - đạo diễn Tomithy Linh Bùi), quyền lực mạng xã hội (những phim như “Fanti” - đạo diễn Andy Nguyễn, “Live - Phát trực tiếp” của đạo diễn Khương Ngọc).

Thể loại cổ trang, hành động, kinh dị có những bước tiến mới trong hóa trang, tạo dựng bối cảnh, sử dụng kỹ xảo, âm thanh, âm nhạc… Điều đó cho thấy kỹ thuật làm phim đã từng bước được nâng cao.

Bước phát triển này là tất yếu, bởi hiện nay nhiều studio tư nhân ở nước ta đã tiếp cận được gần với công nghệ nước ngoài, tham gia vào quá trình làm hậu kỳ cho phim của Thái, Hàn, Nhật, Mỹ… Nhiều nhà làm phim trẻ đi du học hoặc tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài, có khát vọng góp phần xây dựng nền điện ảnh chuyên nghiệp, hiện đại.

Song có lẽ kịch bản phim và diễn xuất của diễn viên – hai thành phần quan trọng làm nên hồn vía của tác phẩm lại luôn là điểm trừ lớn. Thế hệ những đạo diễn, nhà biên kịch và diễn viên tài hoa của điện ảnh nước nhà những năm 60 - 70 - 80 thế kỷ trước đã thuộc về thời xa vắng.

“Công nghiệp điện ảnh” là cụm từ có 4 chữ. Nhưng để 4 chữ ấy hợp lại thành nghĩa và thăng hoa, hẳn đó là một chặng đường dài mà tất cả cần phải được sắp xếp lại, và bắt tay vào thực tế ngay từ hôm nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...