Vất vả như nhà sản xuất
Ở nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển, yếu tố quan trọng đầu tiên chính là uy tín của nhà sản xuất. Tuy nhiên tại Việt Nam, những người theo công việc này rất ít và đặc biệt hiếm các nhà sản xuất có cơ hội trải nghiệm với những bộ phim lớn, tiếp xúc với ê-kíp nước ngoài cùng quy trình tạo nên tác phẩm điện ảnh giá trị.
Trong một bộ phim, nếu như đạo diễn đóng vai trò chỉ đạo, hướng dẫn diễn viên thể hiện theo đúng kịch bản, quản lý các khía cạnh sáng tạo, diễn xuất và sân khấu, đảm bảo việc khai thác và bộc lộ trọn vẹn ý nghĩa nội dung kịch bản, thì nhà sản xuất là người ra quyết định tạo ra bộ phim.
Họ điều phối và kiểm soát các vấn đề liên quan như nhân sự, kêu gọi tài trợ, truyền thông, phân phối phim… Đồng thời, họ cũng là người bám sát tất cả các giai đoạn trong quá trình làm phim, từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.
'Bi đừng sợ' là bộ phim điển hình của điện ảnh trẻ Việt Nam ra thế giới. |
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, vai trò của nhà sản xuất giống với đạo diễn hoặc có thể ví họ giống như các công ty sản xuất phim. Họ đứng sau tất cả sự vận hành và lựa chọn ê-kíp, ít khi xuất hiện nhưng lại là phần tạo nên sự sống còn của bất cứ bộ phim nào.
Sự xuất hiện gần đây của một số nhà sản xuất trẻ đang mang lại tín hiệu đáng mừng cho sản xuất phim tại Việt Nam. Trong đó có các gương mặt nhà sản xuất trẻ như Ngọc Diệp, Thiên Hương, Hải Minh... Họ cũng là những nhà sản xuất góp sức vào sự thành công của một số bộ phim đình đám.
Năm 2022, tại LHP Quốc tế Singapore lần thứ 33, Ngọc Diệp là nhà sản xuất phim duy nhất của Việt Nam được lựa chọn tham dự Chương trình Mạng lưới các nhà sản xuất châu Á dành cho các nhà sản xuất. Ngọc Diệp tốt nghiệp Đại học Ngoại thương nhưng bất ngờ rẽ sang làm phim, sự thú vị trong nghề đã cuốn hút và mở ra con đường để cô trở thành nhà sản xuất trẻ nhất trong dự án phim hành động 578.
Ngọc Diệp là người tìm kiếm, lựa chọn ê-kíp nước ngoài từ Hàn Quốc đến Mỹ, Lithuania và cô cũng chính là người đến châu Âu tìm kiếm nhà phát hành phim cho các bộ phim: Cha cõng con, 578, Thành phố ngủ gật. Đến nay, các phim này đã phát hành tới hơn 50 quốc gia.
Thiên Hương theo học chuyên ngành truyền hình và bắt đầu với công việc truyền thông phim. Cô chính thức tham gia dự án phim kinh dị “Đồi hành xác”, từ khâu kịch bản đến giới thiệu ở thị trường quốc tế. Đây là bộ phim có sự hợp tác của các nhà làm phim đến từ Philippines, Đài Loan, Hàn Quốc…
Nhà sản xuất Hải Minh lại mang đến nhiều dấu ấn khác trong những trải nghiệm đầu tiên với phim ảnh. Với vốn liếng gần 30 phim quảng cáo, Hải Minh chính thức tham gia dự án phim hành động với vai trò sản xuất và phụ trách phần điều hành nhân sự và chịu trách nhiệm sản xuất toàn bộ phần kỹ xảo.
Cô cũng từng là khách mời tham dự LHP Quốc tế Black Nights. Trong dự án phim “Anh hùng”, Hải Minh là thành viên chính thức tham gia từ xây dựng dự án phim đến khâu sản xuất, phát hành.
Cơ chế nào hỗ trợ nhà làm phim trẻ?
Có thể nói, cùng với đội ngũ kỳ cựu thì các nhà sản xuất phim trẻ ở Việt Nam đang nỗ lực tạo nên những tác phẩm chất lượng, gặt hái được nhiều giải thưởng. Họ chính là lực lượng chủ đạo của điện ảnh trong tương lai. Bởi vậy, theo quy luật “tre già măng mọc”, những nhà sản xuất trẻ cần được hỗ trợ hoạt động sáng tạo để tạo sức bật cho điện ảnh.
Trong Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt đã xác định: “Phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế”, và “Công nghiệp điện ảnh như một ngành mũi nhọn”.
Theo thống kê của Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL), trong khoảng 10 năm, từ 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2023 có 256 dự án sản xuất phim có yếu tố nước ngoài, gồm các phim hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và nước ngoài, phim của nước ngoài đến Việt Nam thực hiện cảnh quay và do Việt Nam cung cấp dịch vụ sản xuất. Một số bộ phim có doanh thu cao ở Việt Nam đã được các doanh nghiệp sản xuất phim chủ động phát hành ra nước ngoài và có kết quả ấn tượng.
Các kết quả đó có phần đóng góp rất lớn của các nhà sản xuất trẻ. Họ năng động, sáng tạo, có kiến thức chuyên ngành và chủ động hội nhập. Vì thế, việc đầu tư để đào tạo và đầu tư vốn liếng cho các nhà sản xuất phim trẻ là mục tiêu cất cánh đối với điện ảnh Việt.
Nhà sản xuất Ngọc Diệp. |
Tuy nhiên, lại có không ít chính sách bất ổn chưa được sửa đổi để các nhà làm phim trẻ có thể phát huy. Điển hình như Phạm Ngọc Lân, 2 lần được chọn dự thi Liên hoan phim Berlin với chùm phim ngắn đặc biệt xuất sắc “Một khu đất tốt”, nhưng khi thực hiện dự án phim dài đầu tay trong năm 2022 đã vấp phải áp lực kinh phí.
Và những lúc này, giới làm phim nói chung và đặc biệt các nhà làm phim trẻ hi vọng vào Quỹ Phát triển Điện ảnh. Tuy nhiên, vào cuối năm 2023 tại Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, giới quản lý thừa nhận “quỹ vẫn chưa thể thành lập” do nhiều nguyên nhân.
Theo ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh: “Có quỹ điện ảnh nhưng nguồn thu nào dành cho quỹ. Chúng tôi có đề xuất các phương án, các nước thực hiện được nhưng Việt Nam thì không”.
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, 10 năm qua dù các phim Việt làm nên chuyện tại các liên hoan phim quốc tế lớn đều do các đạo diễn trẻ thực hiện, nhưng họ chẳng bao giờ nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ ngân sách Nhà nước.
Tiền làm phim của họ hoàn toàn do hỗ trợ của các quỹ nước ngoài hoặc đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ này là có hạn và họ cũng không có trách nhiệm phải hỗ trợ mãi cho nghệ sĩ Việt Nam.
“Trong môi trường điện ảnh phát triển, sản xuất phim đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo sự ổn định về chất lượng phim cũng như tiếp cận với các ê-kíp quy trình sản xuất phim quốc tế. Vì thế, việc xuất hiện ngày càng nhiều các nhà sản xuất trẻ, kỹ năng tốt và chuyên môn cao cho thấy điện ảnh Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát hành rộng rãi trên thị trường quốc tế” - Đạo diễn Lương Đình Dũng