Một năm học với những chuyển biến chất lượng

GD&TĐ - Sáng nay (2/8), Hội nghị tổng kết năm học 2017 - 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu của Bộ GD&ĐT và các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Tại hội nghị quan trọng này, kết quả năm học vừa qua cũng như các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu trong năm học tới được trao đổi, thảo luận với tinh thần cởi mở và trách nhiệm.

Năm học 2017 - 2018 tiếp tục ghi nhận sự nỗ lực của toàn ngành trong việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT
Năm học 2017 - 2018 tiếp tục ghi nhận sự nỗ lực của toàn ngành trong việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT

Năm học 2017 - 2018, với sự quan tâm của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả nổi bật.

Dấu ấn từ 9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp

Năm học vừa qua, kết quả đáng chú ý từ tiếp tục triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản có thể kể đến việc ngành Giáo dục đã rà soát hiện trạng đội ngũ, tính toán, dự báo nhu cầu sử dụng, nhu cầu đào tạo giáo viên để thực hiện giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm từ năm 2018 sát với nhu cầu sử dụng; hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học chương trình GDPT hiện hành và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý quá trình GD theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đã được triển khai đáp ứng yêu cầu đổi mới
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đã được triển khai đáp ứng yêu cầu đổi mới

Cùng với rà soát, đề xuất hủy bỏ các văn bản phê duyệt chủ trương thành lập, chủ trương cho phép thành lập trường ĐH đã quá thời hạn; ban hành kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở GDPT thực hiện chương trình, SGK GDPT mới, ngành GD cũng ứng dụng triệt để CNTT trong công tác quản lý và giảng dạy. Bên cạnh đó, mô hình tự chủ ĐH dần được định hình và được xã hội chấp nhận; nhiều chương trình GDPT giảng dạy trong các cơ sở GD công lập và ngoài công lập trong nước được cơ sở GD-ĐT của nước ngoài, kể cả các nước phát triển thừa nhận, liên thông. Công tác kiểm định chất lượng đào tạo được đẩy mạnh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đề án GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GDPT được ban hành đã góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng HS sau THCS và THPT; Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân được điều chỉnh, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy học tiếng Anh trong giai đoạn tới.

Giải quyết các “nút thắt” cản trở phát triển GD

Cũng trong năm học 2017 - 2018, ngành GD đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, khắc phục những bất cập, hạn chế, giải quyết các “nút thắt” qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết, tăng cường hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ GD công; rà soát cắt giảm và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực GD-ĐT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cho GD.

Bước phát triển của giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của Việt Nam đã được đánh giá cao trên thế giới (trong ảnh: Đoàn Olympic Sinh học Việt Nam năm 2018 đã mang vinh quang về cho đất nước)
Bước phát triển của giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của Việt Nam đã được đánh giá cao trên thế giới (trong ảnh: Đoàn Olympic Sinh học Việt Nam năm 2018 đã mang vinh quang về cho đất nước)

Công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều tác động lớn trong việc thiết lập kỷ cương, môi trường GD; thực hiện việc xây dựng đề án vị trí việc làm; đánh giá công chức, viên chức để rà soát, sàng lọc và tinh giản theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ; việc phân bổ nguồn lực đầu tư và thu hút nguồn lực được triển khai hiệu quả; công tác kiểm định được đẩy mạnh; công tác truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh và hoạt động ngày càng hiệu quả.

Nâng cao chất lượng GD đại trà và mũi nhọn

Một trong những kết quả đáng chú ý của năm học vừa qua là mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển, tỷ lệ trường, lớp ngoài công lập tăng nhanh. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu ở tất cả các độ tuổi; môi trường GD ở các cơ sở GDMN được cải thiện theo hướng tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo, phù hợp với lứa tuổi. Mạng lưới, quy mô GDPT tiếp tục ổn định, từng bước được rà soát, sắp xếp; chất lượng GD đại trà và chất lượng mũi nhọn ở PT tiếp tục được nâng lên.

Bộ GD&ĐT đã tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn để các địa phương chỉ đạo các cơ sở GDPT tiếp tục thực hiện tốt việc tinh giản nội dung, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá HS theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS; cắt giảm các cuộc thi, hội thi để giảm áp lực đối với giáo viên, HS.

Mặc dù có những hạn chế cần khắc phục nhưng Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương, cơ sở GD ĐH chuẩn bị và tổ chức giảm áp lực, giảm tốn kém cho người dân và xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Các đoàn HS Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực, thi khoa học kỹ thuật quốc tế đạt kết quả tốt. Công tác xây dựng xã hội học tập từng bước đã lan tỏa và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Chất lượng GDĐH ngày càng được quan tâm, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành trong từng cơ sở GDĐH. Theo đó, công tác tuyển sinh giữ ổn định với những sửa đổi nhỏ về kỹ thuật, được xã hội và thí sinh đánh giá tốt; đào tạo trình độ tiến sĩ và thạc sĩ hướng tới mục tiêu chất lượng và tiệm cận với chuẩn mực quốc tế và khu vực; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng GD; thứ hạng của các trường ĐH Việt Nam có sự cải thiện rõ rệt trong những năm vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ