Trong 10 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, quy mô mạng lưới trường, lớp của ngành GD&ĐT Hà Nội được mở rộng và không ngừng phát triển.
Hiện nay, Hà Nội có 2.643 trường mầm non, trường phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp. Nhiều công trình xây dựng cơ bản và một số công trình trọng điểm được tập trung đầu tư xây dựng.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục Thủ đô sẽ triển khai mô hình trường học mới, chương trình giảng dạy mới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đầu tư phát triển KH&CN.
Các dự án xây dựng trường học được đầu tư hiện đại, chuẩn hóa, có thể kể đến Dự án THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam kinh phí 429 tỷ đồng; Dự án xây dựng trường THPT chuyên Nguyễn Huệ gần 300 tỷ đồng; Dự án xây dựng trường THPT Sơn Tây có kinh phí 198 tỷ đồng…
Ngành giáo dục Hà Nội cũng chú trọng đầu tư các danh mục thiết bị phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong các trường học được cải thiện rõ rệt theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Đến nay, về cơ bản đã xóa phòng học tạm, phòng học nhờ, cấp 4 xuống cấp giúp cho diện mạo trường học Hà Nội ngày càng thay đổi. Cũng như rút ngắn được khoảng cách về cơ sở vật chất giữa các trường trong toàn thành phố.
Phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia cũng là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều địa phương đã có số trường đạt chuẩn quốc gia tăng 50% so với 10 năm trước.
Từ sự phát triển của các quận, huyện đã góp phần giúp ngành giáo dục Thủ đô có tổng số 1.372 trường đạt chuẩn quốc gia tính đến năm 2018, chiếm 52%, trong đó công lập có 1.336 trường đạt chuẩn chiếm 62%.
Một thành tích hết sức quan trọng của giáo dục Thủ đô sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính không thể không nhắc đến, đó là Hà Nội tiếp tục giữ vững và có nhiều cải tiến trong việc đổi mới phương pháp dạy và học.
Học sinh Hà Nội tiếp tục giành nhiều thành tích ấn tượng trong các cuộc thi quốc gia, quốc tế. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về chất lượng và số lượng giải, với 146 giải trong đó có 11 giải Nhất.
Trong các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh THPT giành được 21 giải và huy chương (6 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 5 giải Khuyến khích).
Ở các cuộc thi quốc tế và khu vực dành cho học sinh cấp THCS, học sinh Hà Nội đã dành được hơn 160 huy chương các loại… Không chỉ giỏi về văn hóa mà học sinh Hà Nội còn rất tích cực và nổi bật trong các hoạt động thể thao, văn nghệ và nhiều hoạt động khác.
Trong công tác phổ cập giáo dục, ngành giáo dục TP đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao kết quả ở các cấp học. Năm 2013, TP Hà Nội được Bộ GD&ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mẫu giáo 5 tuổi.
Đến năm 2015, Bộ GD&ĐT công nhận Hà Nội hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 2. Cùng với việc tiếp tục duy trì xóa mù chữ và phổ cập giáo dục THCS, Hà Nội hoàn thiện các bước chuẩn bị phổ cập giáo dục bậc trung học. Đối tượng từ 18 – 21 tuổi hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học đến nay đạt tỷ lệ 92%.
Trong năm học mới 2018-2019, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đã xây mới và thành lập mới được 70 trường học các cấp học (trong đó, mầm non 38 trường, tiểu học 17 trường, THCS 15 trường) với kinh phí khoảng 3.276.000 triệu đồng.
Thành phố đã thành lập mới 7 trường THPT, đồng thời cải tạo, sửa chữa được 387 trường học các cấp học với 2.450 phòng học xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa, kinh phí khoảng 1.846 tỉ đồng.
Ngoài ra trong năm 2018, các đơn vị đã đầu tư 92 tỉ đồng kinh phí chống xuống cấp cho 40 trường, đảm bảo điều kiện năm học mới. Tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các cấp học chuẩn bị năm học mới hơn 699 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục Thủ đô cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia năm 2017 là 130 trường, đạt 162,5% kế hoạch và nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia toàn thành phố lên 52%, trong đó, công lập đạt 62%.