Tuy nhiên, vượt qua thách thức ban đầu, đã ghi nhận những kết quả quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục triển khai CT, SGK mới ở những năm tiếp theo.
Vượt qua thách thức
Cô Lê Thị Thu Hà – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Bản Phố (Bắc Hà – Lào Cai) chia sẻ: Triển khai CTGDPT 2018 ở lớp 1 khi bắt đầu có sự lúng túng nhất định bởi 100% HS người dân tộc, tiếng Việt chưa thuần thục, HS không trải qua tuần làm quen…
Tuy nhiên, với sự quan tâm về chuyên môn của sở, phòng GD&ĐT, cùng đó GV đã dựa trên từng HS để linh hoạt, chủ động điều chỉnh thời gian, ngữ liệu chương trình phù hợp… Do đó, hết học kỳ I, HS có thể đọc thông viết thạo. Sang học kỳ II, HS có những trải nghiệm, hoạt động mang tính tự chủ nên càng phát huy sự tự tin và tự giác trong học tập. Đây chính là sự nổi trội so với dạy học lớp 1 theo chương trình hiện hành.
Cô Lê Thị Thu Hà khẳng định: “Việc triển khai dạy học lớp 1 theo CT, SGK mới không chỉ “về đích” đúng yêu cầu mà đã đạt kết quả giáo dục khả quan; tạo tiền đề triển khai lớp 2 theo CT, SGK mới hiệu quả...”.
Cô Dương Thu Hằng, Tổ trưởng khối 1 Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cũng đánh giá cao CT, SGK lớp 1 mới bởi triển khai theo hướng mở, GV được trao quyền tự chủ về nội dung, CT cũng như phương pháp giảng dạy, cách thiết kế bài giảng. Vì vậy, GV có thể chắt lọc, lựa chọn những tinh túy nhất của bộ SGK, học liệu điện tử… để đưa vào bài giảng.
Cũng theo cô Dương Thu Hằng, GV sau một thời gian ngắn có thể làm chủ được môn học, phương pháp nên nhanh chóng giúp HS hình thành yêu cầu cần đạt, phẩm chất năng lực cốt lõi nhất của HS lớp 1. Minh chứng là HS mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện chính kiến của mình, biết nêu quan điểm trong tiết học bằng kiến thức GV đã dạy…
Ở một góc độ khác, cô Nguyễn Thị Lan Phương – GV lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội) lại bảy tỏ: So với CT, SGK hiện hành, CT, SGK lớp 1 mới không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn phát triển hài hòa phẩm chất và năng lực học trò. Nhiều môn học được tích hợp để thực hiện tinh giản, giảm số lượng môn học. Một số môn học xây dựng theo các chủ đề, tạo điều kiện cho HS lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực…
Sau 1 năm dạy học theo CT, SGK lớp 1 mới, điểm nổi bật ở HS là đọc tốt. Những câu, văn bản dài HS có thể đọc với tốc độ nhanh hơn HS năm trước. “Bản thân GV cũng bất ngờ về lứa HS lớp 1 năm đầu triển khai theo CT, SGK mới bởi các em không chỉ đọc tốt, đọc nhanh, mà còn tự tin, chủ động từ học tập tới giao tiếp…” – cô Lan Phương bày tỏ.
Chị Nguyễn Thu Hòa - phụ huynh có con học lớp 1A1 Trường Tiểu học Trung Thành (Gia Lâm – Hà Nội) - trao đổi: Tôi thấy con mất khoảng 2 - 3 tuần đầu chưa quen cách học mới. Tuy nhiên, nhà trường và GV có nhiều nỗ lực và phương pháp hợp lý nên con đã nhanh chóng bắt nhịp với CT, SGK mới.
Mặt khác, vì có nghiên cứu qua về CT, SGK lớp 1 mới nên gia đình chị Hòa không cho con học trước CT chỉ tổ chức một số hoạt động vừa học vừa chơi để giúp con nhận diện, nhớ mặt chữ cái, số.
Việc luyện đọc, viết, làm bài tập cơ bản do GV hướng dẫn và học tại trường. Với một số kiến thức con vướng mắc, gia đình trao đổi cùng cô giáo phương pháp để hỗ trợ tại nhà. Hết lớp 1 con đọc thông, viết thạo, thích đọc truyện, sách, chủ động và thích học. “Tôi hoàn toàn yên tâm về kết quả học tập của con và không lo ngại về CT, SGK lớp 1 mới...” – chị Hòa bày tỏ.
Nền tảng để triển khai CT, SGK mới
Thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc), cho biết, sau 1 năm triển khai CT, SGK lớp 1 mới đã rút kinh nghiệm để triển khai hiệu quả ở năm sau với cả lớp 1 và lớp 2.
Trước hết, vai trò của nhà quản lý và GV là then chốt, quyết định đổi mới thành công. Vì vậy, hiệu trưởng cần thay đổi mạnh mẽ, tích cực để lan tỏa, hướng dẫn GV thực hiện và tạo động lực trong quá trình triển khai CT, SGK mới.
Cùng đó, cần tuyên truyền để phụ huynh thấy được thay đổi CT, SGK cần thiết và lợi ích hiệu quả cho HS. Khi phụ huynh hiểu sẽ đồng hành trong các hoạt động giáo dục nhà trường.
Đặc biệt, thầy Đào Chí Mạnh cũng chỉ ra: Triển khai CT, SGK lớp 1 mới dù đạt kết quả quan trọng ban đầu nhưng không thể chủ quan và phải kiên trì. Nhà trường cần có mục tiêu chính và thuyết phục thầy cô, phụ huynh theo đuổi mục tiêu đổi mới. Không thể vì khó khăn mà quay trở lại đường cũ...
Sau 1 năm triển khai dạy học theo CT, SGK lớp 1 mới, đối với cô Vũ Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Đèo (Thủy Nguyên - Hải Phòng) lại rút ra kinh nghiệm: Trước hết, nhà trường, GV cần nghiên cứu, lựa chọn bộ SGK phù hợp với đặc điểm tình hình GV, HS nhà trường, cụm/huyện. Cần lựa chọn đội ngũ GV dạy lớp 1 có năng lực chuyên môn tốt và triển khai tập huấn hiệu quả trước dạy học thực tế.
Mặt khác, để dạy học lớp 1 đạt kết quả, cần thiết phải trang bị cơ sở vật chất đầy đủ và chuẩn theo tiêu chí phương tiện dạy học hiện đại để GV dễ dàng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Cần tích cực tổ chức hội thảo, lên lớp chuyên đề với tổ chuyên môn, tham gia chuyên đề cụm, huyện để GV có cơ hội rút ra ưu điểm, tồn tại, biện pháp khắc phục trong quá trình thực hiện...
Ở góc độ quản lý chuyên môn, bà Phạm Thị Tuất – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình), lại cho rằng, việc triển khai CT, SGK lớp 1 đạt hiệu quả nhất định nhờ có sự chuẩn bị sớm, chu đáo về các điều kiện triển khai (tâm thế cán bộ quản lý, đội ngũ GV, cơ sở vật chất...).
Lưu ý trong năm học tiếp theo
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, nguyên Điều phối viên chính Ban Phát triển CTGDPT 2018 (Bộ GD&ĐT), Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXB Giáo dục Việt Nam, cho rằng: Việc triển khai hiệu quả dạy học lớp 1 theo CT, SGK mới ở năm đầu tiên là tiền đề quan trọng để triển khai ở các năm học tiếp theo.
Tuy nhiên, một số vấn đề cần nỗ lực và tháo gỡ bởi tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả dạy học theo CT, SGK lớp 1 mới mà các nhà trường, GV cần quan tâm.
Trước hết, nhà trường, GV cần hiểu đúng, đầy đủ ý tưởng của SGK mới, từ đó mới có thể triển khai tốt và có sự chỉ đạo, định hướng phù hợp. Cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm của năm học vừa qua để tổ chức dạy học linh hoạt thời gian tới.
Nhấn mạnh điều này, theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, CT, SGK lớp 1 khi đưa về địa phương, các cấp quản lý nếu không có sự chỉ đạo phù hợp tới từng nhà trường, tổ bộ môn, GV sẽ không có sự chủ động, linh hoạt khi triển khai giảng dạy. Việc triển khai một nội dung, bài học nào đó nhanh hay chậm cần tùy thuộc vào sự tiếp nhận, trình độ của HS và GV có quyền chủ động điều chỉnh để phù hợp với HS của mình…
Ngoài ra, công tác tập huấn GV với các NXB và của từng địa phương dù đã kĩ càng với nhiều hình thức triển khai cả trực tuyến lẫn trực tiếp…, song nhà trường vẫn cần chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, tổ chức hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn để kịp thời rút kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn gặp phải trong quá trình dạy học…