Với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong vòng hơn 4 giờ, hơn 300 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, đại diện Ngân hàng Thế giới, đại diện cho các trường đại học trên cả nước, đã cùng lắng nghe và ý kiến về những vấn đề tồn đọng của hoạt động nghiên cứu khoa học(NCKH) và chuyển giao công nghệ(CGCN) trong các trường đại học hiện nay. Đồng thời cùng “hiến kế”, chỉ ra hướng đi mới để hoạt động NCKH và CGCN hiệu quả và thiết thực hơn.
Những chia sẻ đầy tâm huyết và trách nhiệm
Đại diện cho Ngân hàng Thế giới, ông Francisco Marmolejo – chuyên gia cao cấp về lĩnh vực giáo dục đại học đã chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển KH&CN của các trường đại học trên thế giới.
- Thứ nhất, cần thực hiện đổi mới cơ chế tài chính với sự quản lý mạnh mẽ và quá trình ứng dụng rõ ràng để đẩy mạnh đầu tư vào khu vực tư nhân trong nghiên cứu và phát triển.
- Thứ hai, cần gây dựng ngân sách để khởi xướng những thay đổi trong văn hóa hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp.
- Thứ ba, cần thành lập các văn phòng CGCN để khuyến khích các nhà nghiên cứu thương nghiệp hóa nghiên cứu và phát triển công, đồng thời kích thích các nghiên cứu ứng dụng.
Ông nhấn mạnh việc cấp ngân sách nghiên cứu cần dựa trên chất lượng, sự rõ ràng và đơn giản sẽ giúp thu hút các nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài. Một số lĩnh vực nghiên cứu nên ưu tiên như: Công nghệ sinh học và thực phẩm, Y tế, Sản xuất và thiết kế, Công nghệ truyền thông và thông tin, Phát triển bền vững, giáo dục….
Từ thực tế cơ sở, PGS.TS Nguyễn Quang Linh – Giám đốc Đại học Huế, đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: Đại học Huế có trên 200 sản phẩm NCKH nhưng chưa hấp dẫn doanh nghiệp và NCKH xã hội nhân văn thì "bán không ai mua". Đây là vấn đề, tắc nghẽn không chỉ ở Đại học Huế mà ở nhiều trường đại học khác khi NCKH chưa gắn với thực tế và CGCN.
Để NCKH hiệu quả và thiết thực hơn, GS.TS Đặng Kim Vui – Giám đốc Đại học Thái Nguyên, cho rằng: Cần thay đổi quy định về số giờ giảng hiện nay của các giáo sư, tiến sĩ trong trường đại học, quy định hiện nay đối với GS, TS thì phần giảng dạy vẫn chiếm nhiều hơn; Cần phải có những đề tài nghiên cứu phối hợp các trường, các nhóm trường, nhóm khoa học với nhau. Ông dẫn chứng như ở Đại học Thái Nguyên, khối nông lâm nếu chỉ nghiên cứu các đề tài độc lập, riêng biệt thì không thể tạo ra những sản phẩm toàn diện theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và theo chuỗi giá trị hiện nay.
Đại diện Trường Đại học Duy Tân, NGƯT. Lê Công Cơ, chia sẻ: Biết rằng nghiên cứu KHCN sẽ nâng chất lượng giảng dạy đại học vì giáo dục đại học là phải tạo ra tri thức mới, mà muốn như vậy bắt buộc phải nghiên cứu nhưng khi bắt tay vào các trường, đặc biệt là trường đại học dân lập gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nguồn vốn, cơ sở phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu.
Ông bày tỏ mong muốn, Bộ nên chăng có chính sách cho các trường đại học sử dụng chung phòng thí nghiệm Thực sự ngân sách của trường không đủ để đầu tư 100%, Đại học Duy Tân cũng đang sử dụng phòng "lab" của các đại học ở Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ.
Sẽ có chính sách và cơ chế hỗ trợ hoạt động NCKH
Đại diện cho doanh nghiệp lên tiếng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng giám đốc VNPT, cho rằng: Hiện nay mối quan hệ giữa các trường đại học và doanh nghiệp là tự tìm đến với nhau trên nhu cầu của cả hai phía, chứ không cần quản lý Nhà nước nữa. Trong phạm vi mà VNPT hợp tác với các trường, chúng tôi thấy rằng những công nghệ nền tảng, công nghệ ứng dụng là 2 mảng mà tập đoàn đang rất cần, hiện vẫn nhập của nước ngoài là chính. Nếu cơ sở giáo dục sẵn sàng thì hoàn toàn có thị trường. Vấn đề là thị trường cung chưa sẵn sàng, hoặc sẵn sàng ở mức độ chưa cao.
Lắng nghe ý kiến của các đại biệu, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã đánh giá cao các kết quả nghiên cứu trong các trường đại học cho dù điều kiện còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cho rằng, hội nghị lần này là sự khởi động quan trọng, cơ hội để 2 Bộ cùng bàn về cách phát triển KHCN nói chung, tiến tới bàn những vấn đề rất cụ thể, rất khả thi để đi đến đích cuối cùng, hướng đến phát triển hơn nữa các hoạt đông nghiên cứu khoa học trong các trưởng đại học để hiệu quả và thiết thực hơn.
Bộ GD&ĐT sẽ lên kế hoạch và cùng chúng tôi dựa trên từng kiến nghị để xử lý về khả năng thực hiện và đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu. “Bộ KH&CN sẵn sàng phối hợp với Bộ GD&ĐT nhận nhiệm vụ nâng cao hơn nữa sự phục vụ KHCN trong các trường ĐH cho phát triển kinh tế xã hội, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, kết nối giữa viện, trường và doanh nghiệp” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.