Một đời văn đồng quê còn mãi

Một đời văn đồng quê còn mãi

Mặc dù tôi chỉ quen biết nhà văn Kim Lân trong thời gian ngắn, mà cũng đã lâu, và sau này thi thoảng có dịp gặp gỡ ông đây đó, nhưng những bài học và cảm nhận về ông thì chẳng bao giờ phai mờ.

Ấy là cái đận 1974 - 1975, tôi dự lớp bồi dưỡng viết văn trên Quảng Bá (khóa 7), do ông tham gia phụ trách. Tiếng là người trong ban giáo vụ nhưng chúng tôi ít gặp ông, bởi ông còn bận tham gia nhiều công việc khác. Hồi ấy ông còn làm việc biên tập văn xuôi ở Báo Văn nghệ. Các thầy ở lại trường trực chủ yếu có nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà văn Đỗ Quang Tiến, nhà thơ Bàng Sỹ Nguyên và nhà thơ Xuân Tùng.
Nhà văn Kim Lân
Nhà văn Kim Lân
Nhưng rồi một ngày đến giờ thầy Kim Lân giảng. Chúng tôi háo hức chờ đợi. Nghe nói ông nhà văn của Con chó xấu xí này thẳng thắn và bộc trực lắm. Và… vào một buổi sáng tháng 7 năm ấy, cũng một ngày nóng bức của năm 1974, nghe ông nói chuyện mà ai nấy đều hởi lòng hởi dạ. Vì ông nói dường như một lão nông thật sự như đang bộc bạch trên cánh đồng đầy hương thơm cỏ lạ. Ông kể biết bao chuyện chung quanh về các tác phẩm của mình. Vì sao ông có truyện Vợ nhặt, cơn cớ nào lại viết được Con chó xấu xí và truyện ngắn Làng... Hồi đó những cây bút trẻ như chúng tôi cứ chuyền tay  nhau tập sách Con chó xấu xí (xuất bản 1962) và háo hức ngốn từng lời tâm sự thật thà của ông và học hỏi được nhiều điều. Ông còn nói phải dựng truyện thế nào, phải tích lũy vốn sống ra sao và nhất là phải học hành thế nào. Cứ thế ông nhấn đi nhấn lại rằng: - Các em phải chịu khó hàng ngày học, đọc, đi và viết. Rồi có lúc ông thật thà nói: - Xưa tôi đâu có được học mấy. Chỉ mới hết tiểu học rồi đi làm kiếm sống như sơn guốc, khắc gỗ…. Nhưng lăn vào cuộc sống, từng trải, học ở cuộc đời và viết. Mãi rồi cũng thành. Lại nhớ sau vài buổi học khác ông lại lên Quảng Bá. Có lần tôi mạnh dạn   đưa ông mấy bài thơ, nhờ ông đọc và chỉ bảo. Ai ngờ ông nói ngay: - Ôi dào… Tớ biết gì thơ mà đọc, đưa cho thầy Bàng Sỹ Nguyên đọc hộ. Chắc sẽ có ý hay. Dưng mà cứ để đây tớ thử cố đọc xem. Biết đâu đấy. Nhỉ. Tôi nhớ mãi lần gặp gỡ ấy và sau này vì ngưỡng mộ ông, đến gần tết tôi đưa ông một truyện ngắn mới viết, thì ông trố mắt nhìn tôi hỏi: - Bỏ thơ rồi à. Ừ thơ khó chết cha. Nào tớ đọc! Tôi chờ ở phòng ngoài hội trường. Khoảng 15 phút sau, ông đi ra gặp tôi nói độp luôn: - Dở ẹc! Bịa. Bịa.. Bịa… Ông dồn cho một thôi làm tim tôi đập loạn xạ. Thảo nào sau này ông luôn luôn nhấn mạnh rằng, những cái cố gượng viết đều giả, đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm. Ông còn viết những điều đó lên mặt giấy để cảnh báo cho những ai làm văn giả. Chả vậy, ông kỹ tính đến với cả chính mình. Nói chính xác ra ông ngưng sáng tác từ năm 1962 thì phải. Sau độ dăm lần xuất bản sách, như các tập truyện ngắn của ông  Nên vợ nên chồng (1955) và Con chó xấu xí (1962). Sau này là Tuyển tập Kim Lân 2003 được tập hợp thêm các tác phẩm thiếu nhi và nhiều bài viết về văn hóa nông thôn của ông trên các tờ Tiểu thuyết thứ 7 và Trung Bắc chủ nhật. Sau này, thời kỳ làm báo, tôi lại có dịp gặp ông ở các trường quay khi ông tham gia đóng các phim như Vợ chồng A phủ (vai Tú Pang) Chị Dậu (vai Lý Cựu), Làng Vũ Đại ngày ấy (vai Lão Hạc). Tôi nhớ có lần ông vui mồm nói về cái chuyện đóng phim với cách nhà báo rằng, có người nhắc nhở ông đừng dính vào cái việc nặc nô (đóng phim) ấy vì nó làm nhảm cái nghề văn của mình đi. Thì ông nói ngay: - Nói khi vô phép chứ, người thế mà cổ bỏ mẹ! Tôi không viết được nữa là tại tôi chứ có phải vì đi đóng phim đâu. Rồi ông còn nói đế thêm: - Mà nghề văn của mình đã lấy gì làm bảo đảm là đúng đắn hơn các nghề khác. Thật chí lý. Đúng như ông đã dạy chúng tôi là đừng có làm hàng giả. Đừng viết truyện giả, đừng làm thơ giả. Không viết được thì đừng cố, thế thôi. Thảo nào nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết: - Trước sau, tôi thán phục có 3 người là các ông Nguyễn Tuân, Nam Cao và Kim Lân (Văn Nghệ Trẻ số 23-1996). Ngẫm mãi, tôi mới ngộ rằng, tất cả những lời dạy từ ông về trách nhiệm của nhà văn với cây bút thật sự cao quý đến mức nào. Ông ngừng viết rất sớm có lẽ cũng vì sự coi trọng con chữ của mình. Nay, khi ông ra đi, mọi ký ức dội về làm xốn xang con tim tôi. Và những tâm sự của ông và kỷ niệm với ông luôn luôn trở thành những bài học quý báu trong suốt cuộc đời làm báo, viết văn của tôi cho tới sau này. Kính cẩn nghiêng mình trước sự thánh thiện của văn chương ông, một nhà văn của đồng quê tràn đầy tình yêu với cuộc sống.
Tâm  Tâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.