Một đời tâm huyết với đàn

Một đời tâm huyết với đàn

(GD&TĐ) - Từng là học trò của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, mê guitar Hawaii đến nỗi giấu bố mẹ đi học đàn. Trải qua hai lần thập tử nhất sinh nhưng nhờ có cây đàn, bà lại hồi sinh. Bà chính là Nhà giáo, nghệ sĩ Bùi Bạch Liên, một đời kiên trì đeo đuổi tiếng đàn guitar Hawaii với mong ước sẽ ngày càng có nhiều người biết đến và thưởng thức loại nhạc cụ phát ra âm thanh réo rắt này. 

Duyên kỳ ngộ

Sinh năm 1942, ngay từ nhỏ cô kiều nữ con của ông ký Sở dây thép Hà Nội đã có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc. Bà tâm sự rằng : “Ngày còn đi học, tôi thích học đàn lắm nhất là đàn piano, nên cố gắng học thật giỏi để được bố mẹ mua đàn làm phần thưởng”. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình không khá giả, ước mơ của bà đành gác lại… Chiều chiều sau buổi học, bà lại về làm bạn với cây guitar của người anh trai.

Để rồi gần chục năm sau, trong một lần tan học, cô nữ sinh Trưng Vương đi qua phố Cửa Nam, bất chợt nghe một tiếng đàn lạ đang dạo bài Trăng sáng đôi miền, thoạt đầu tưởng như tiếng đàn guitar, âm thanh réo rắt du dương như của violon, nhưng lại không phải violon. Nó không giống bất kỳ loại nhạc cụ nào mà cô đã từng nghe. Tiếng đàn như những đợt sóng làm xôn xao tâm hồn cô gái trẻ và cô đã bị vẻ đài các, lả lơi, lãng mạn của nó chinh phục. Sau này, chính nghệ sĩ Bạch Liên phải thừa nhận rằng tiếng đàn hôm đó đã thổi bùng lên trong bà ngọn lửa đam mê tưởng chừng đã bị hoàn cảnh dập tắt. Bà kể rằng: “Tôi không biết mình đã đứng bao lâu để nghe, chỉ biết rằng khi tiếng đàn đã tắt mà vẫn cứ đứng mãi. Đêm về, tiếng đàn cứ văng vẳng bên tai thôi thúc tôi tìm hiểu…”. Không cần mất nhiều thời gian, Bạch Liên đã lần ra đó là âm thanh của cây đàn guitar Hawaii hay còn gọi là Hạ Uy Cầm, và người chơi đàn là nhạc sĩ Hoàng Vân.

NS Bạch Liên và ca sĩ Ánh Tuyết
NS Bạch Liên và ca sĩ Ánh Tuyết

Sau đó, Bạch Liên quyết định tìm thầy theo học. Thời kỳ đó, đàn guitar Hawaii rất được ưa chuộng trong giới văn nghệ sĩ Hà Nội. Qua giới thiệu, bà được làm quen và theo học với nhạc sĩ Nguyễn Văn Thọ, em trai nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh. Chỉ sau 3 tháng, khi những ngón tay đeo móng không còn gượng gạo, tay cầm block chặn dây đã nhuyễn, Bạch Liên được giới thiệu đến học nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Buổi đầu tiên ra mắt tác giả Gửi người em gái Miền Nam, bà đã chơi rất hay và ngay lập tức được ông nhận làm học trò. Nếu như thế hệ của Hoàng Vân là lứa học trò đầu tiên của thầy Đoàn Chuẩn thì Bạch Liên lại là học trò cuối cùng, bởi sau bà không còn ai học nữa.

Tuần hai buổi, khi thì xe đạp, lúc đi bộ, bà miệt mài theo thầy học đàn. Thấy cô học trò nhỏ bé rất có tâm với cây đàn, nhạc sĩ cũng mang hết những tuyệt kỹ ra truyền thụ. Việc Bạch Liên theo học đàn guitar Hawaii, cả gia đình không ai biết. Gom góp được chút tiền mua lại cây đàn cũ, bà phải gửi nhờ nhà bạn bè, lúc rảnh rỗi lại đến tập. Bà kể rằng lúc đó gia đình cũng đang khó khăn, bố mẹ bà muốn các con sớm có công việc ổn định, sợ bố mẹ buồn lòng nên bà đành giấu chuyện học đàn. Mãi sau này vô tình bố bà biết được, tưởng ông sẽ nổi trận lôi đình nhưng sau khi nghe dứt tiếng đàn, thấy khán giả vỗ tay rào rào, ông cũng đành mỉm cười cho qua, nhưng vẫn dặn với theo một câu: “Bố vẫn thích con làm cô giáo hơn”.

Tốt nghiệp sư phạm, được phân về giảng dạy ở một trường phổ thông gần nhà, bà và cây đàn lạ không biết bao lần cùng với đội văn nghệ của trường biểu diễn trong những hội diễn không chuyên dành cho công nhân, viên chức Thủ đô. Cây đàn không còn là một nhạc cụ được bà yêu thích nữa, mà đối với bà, nó là máu thịt, đi đâu bà cũng mang theo. Là học trò cưng nên bà thường được nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cho đi biểu diễn hay về nông thôn đàn cho bà con trong các hợp tác xã nghe. Có những lần, hai thầy trò sau buổi diễn, rong ruổi trên hai chiếc xe đạp ngoài đường giữa đêm khuya vắng lặng không một bóng người, chỉ có tiếng máy bay giặc gầm rú trên đầu.

 Những năm phải theo trường đi sơ tán, bà cũng không rời cây đàn… Ngoài những lúc dạy học, cô trò còn trồng rau, nuôi gà để cải thiện, tối về kể chuyện, dạy đàn hát cho các em quên đi nỗi nhớ nhà. Cây đàn thực sự là người bạn cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn của cuộc sống, và là chỗ dựa cho bà trước bao sóng gió cuộc đời.

Câu chuyện tình của bà với nhà văn Cao Sơn cũng là duyên kỳ ngộ. Bà gặp ông khi đã hai tám, còn ông đã ngoài ba mươi. Họ là bạn cùng khu phố nhưng lại ít biết về nhau, chỉ đến khi tiếng đàn của bà và văn thơ của ông đã có chút tiếng tăm, họ mới gắn bó với nhau đến tận bây giờ. Bà vẫn thường bảo: “Phải yêu và thông cảm cho nhau nhiều lắm tôi và ông ấy mới ở được với nhau, vì cả hai đều mang tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm và mong manh, chỉ một chút sơ sảy là cuộc hôn nhân tan vỡ ngay”.

Nghệ sĩ Bùi Bạch Liên và cây đàn guitar Hawaii
Nghệ sĩ Bùi Bạch Liên và cây đàn guitar Hawaii

Người phụ nữ nhỏ bé ấy đã biết cách hài hòa mọi thứ, từ nghệ thuật đến cuộc sống đời thường để dành chút hạnh phúc mong manh về phía mình. Bà kể ngày mới lấy nhau, gia đình bên chồng chỉ muốn bà chuyên tâm làm nghề giáo, còn chồng bà không phản đối nhưng cũng không khuyến khích. Biết đó là rào cản, bà vẫn chơi đàn, vẫn đi biểu diễn nhưng cố gắng không ảnh hưởng đến cuộc sống. Trước khi đi diễn, bà cố gắng làm hết công việc nhà và sau giờ diễn lại sấp ngửa về với chồng con. Lấy cớ là phụ nữ không quen với việc loa đài, điện đóm, bà nhờ ông đi cùng để giúp, nhằm để ông hiểu và thông cảm với niềm đam mê của mình hơn. Mưa dầm thấm lâu, ông không những ủng hộ mà còn sẵn lòng phụ giúp bà việc nhà để bà yên tâm với công việc của mình. Có được hậu phương vững chắc như vậy, tiếng đàn của bà tưởng sẽ thỏa sức bay xa nhưng có lúc, tổ ấm của bà cũng lung lay. Bởi chồng bà cũng là nghệ sĩ, ông cũng cần thời gian sáng tác và cơ hội thăng hoa, không thể quanh quẩn ở nhà trông con cho bà mãi được. Là người tế nhị, ông không nói ra mà lại gửi gắm vào những câu thơ ý nhị nhưng sâu sắc tặng bà. Những lúc đó, bà lại cố gắng tiết chế đam mê để chồng có thời gian dành cho công việc. Bà bảo rằng nhờ những câu thơ ông viết mà bà đã không để hạnh phúc tuột khỏi tay của mình. 

Nợ duyên chưa dứt

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cây đàn guitar Hawaii không được khuyến khích phát triển, bởi tính chất quý tộc, âm thanh lại du dương, réo rắt hợp với những bản nhạc trữ tình, trong đó có nhạc vàng, dù vậy nghệ sĩ Bạch Liên vẫn không từ bỏ đam mê của mình. Sau này khi đất nước hòa bình, thống nhất, tiếng đàn có cơ hội bay xa, nghệ sĩ Bạch Liên đã không kể vất vả ngày đêm, trăn trở quảng bá cây đàn Hawaii tới công chúng. Bà sẵn sàng biểu diễn khi khán giả yêu cầu, không kể họ là ai, giàu hay nghèo, già hay trẻ, tiếng đàn của bà luôn có mặt trong các đợt ủng hộ, quyên góp từ thiện.

 Không đành lòng nhìn tiếng đàn của mình bị mai một, năm 1992, bà đã thành lập câu lạc bộ (CLB) “Đêm Hawaii - Hà Nội”. Duy trì CLB được 5 năm thì năm 1997 - một tai nạn giao thông bất ngờ ập đến làm bà chấn thương sọ não, nằm bất động 7 ngày. Nhưng dường như duyên nợ với cây đàn vẫn còn, không thể rời bỏ nó khi bao mong ước của chưa được hoàn thành, bà vượt qua cơn nguy hiểm và tỉnh lại. Những tháng ngày nằm trên giường bệnh, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào người khác, nhưng bà vẫn không quên cây đàn, nó trở thành động lực giúp bà vượt qua bệnh tật hiểm nghèo. Khi sức khỏe vừa ổn định thì năm 2004, bà lại bị tai nạn xe máy, lần này là gẫy xương bả vai, gẫy xương xườn và dập nát đầu gối… Thế nhưng một lần nữa, bà đã gượng dậy được, vừa kiên trì đấu tranh bệnh tật, vừa giữ niềm đam mê chơi đàn. Số tiền vợ chồng bà dành dụm được, cộng thêm với tiền con gái ở Đan Mạch gửi về cho mẹ chữa chân, bà dành đầu tư nâng cao thiết bị âm thanh, máy móc cho CLB, còn mình thì âm thầm tự tập luyện để đi lại dễ dàng hơn. Dù trái gió trở trời, toàn thân lại đau nhức, nhưng không vì thế mà bà hối hận với những quyết định của mình. Dường như ẩn sâu trong hình hài bé nhỏ, đôi mắt long lanh và nụ cười hồn hậu ấy là một ý chí phi thường, niềm đam mê mãnh liệt với nghệ thuật mà không phải người nào cũng có được.

NS Bạch Liên biểu diễn Hạ Uy cầm tại CLB Guitar Hawaii
NS Bạch Liên biểu diễn Hạ Uy cầm tại CLB Guitar Hawaii

 Cứ 3 giờ chiều chủ nhật hằng tuần, trong ngôi nhà nhỏ của vợ chồng nhà giáo, nghệ sĩ Bạch Liên - Cao Sơn ở số 3, ngách 2, phố Văn Trường, CLB “đêm Hawaii - Hà Nội” lại ngân vang tiếng đàn Hawaii. Tất cả kinh phí hoạt động đều do gia đình bà tài trợ, cộng thêm số tiền trích ra từ những lần CLB đi biểu diễn. Niềm đam mê và tình yêu dành cho cây đàn lạ của bà và các thành viên trong CLB đã làm nên những đêm nhạc công phu, như kỉ niệm sinh nhật nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn.

Không chỉ hợp với dòng nhạc trữ tình bất hủ như Một cõi đi về, Diễm xưa, Nắng thủy tinh (Trịnh Công Sơn), Tình nghệ sĩ, Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn)… Hạ Uy cầm còn có thể thể hiện thành công những điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh, đặc biệt những ca khúc, giai điệu trẻ trung, sôi nổi cho giới trẻ cũng được bà cách tân táo bạo, lạ lẫm mà cuốn hút lòng người.

Suốt 50 năm chơi đàn Hawaii, người đàn bà ấy đã dồn toàn bộ tâm sức và trí lực tiếp nối các thế hệ nghệ sĩ một thời, gây dựng lại sức sống cho cây đàn mà không mấy người biết tới này. Dẫu biết, ở Việt Nam chỉ còn vài người biết chơi, trong đó bà là nữ nghệ sĩ duy nhất nắm giữ những tuyệt kĩ chơi đàn của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Hoàng Vân, nhưng bà vẫn hi vọng ngày càng có nhiều người biết chơi và yêu thích cây đàn Guitar Hawaii và nó sẽ trở thành một đặc sản của văn hóa Hà thành, như từng được biết đến ở Việt Nam trong những năm trước và sau năm 1954… 

Đàn guitar Hawaii được người Việt Nam gọi khác là Hạ Uy Cầm. Xuất xứ từ hòn đảo Hawaii, được du nhập vào Việt Nam thập niên 30 của thế kỷ XX. Đàn có 6 dây, không có phím. Dùng thanh kim loại bằng đồng hoặc thép cầm ở tay trái chặn trên cần đàn để tạo ra các phím. Các nốt nhạc phát ra bởi độ dài ngắn của đoạn dây bị chặn.

Trà Mi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ