Một cựu chiến binh dám nghĩ, dám làm

Rời quân ngũ, mang trong mình thứ chất độc da cam quái ác với tỷ lệ thương tật 62%, người lính Cụ Hồ  Đồng Thanh Tòng, trú tại Tổ dân phố 8, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum lại tiên phong trên "mặt trận" chống đói nghèo với sự năng động, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Ông Tòng giới thiệu về những cây trồng được đem về từ nhiều vùng của đất nước. Ảnh: VGP/Trầm Hương
Ông Tòng giới thiệu về những cây trồng được đem về từ nhiều vùng của đất nước. Ảnh: VGP/Trầm Hương

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hải Dương, năm 1970, ông Tòng lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Ông từng được nhận Kỷ niệm chương chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, Huân chương kháng chiến hạng Nhì...

Năm 1984, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, cơ duyên đã đưa ông Tòng và gia đình vào huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum lập nghiệp. Ban đầu, gia đình ông chọn cây cà phê là loại cây chủ lực để phát triển kinh tế bởi khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với loại cây trồng này.

Tuy nhiên, sau một thời gian, diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất, cộng với việc giá cả xuống thấp do diện tích cà phê tăng đột biến. Sau nhiều đêm trăn trở, suy trước, tính sau, ông đã mạnh dạn quyết định chặt bỏ phần lớn diện tích cà phê để chuyển sang trồng cây ăn quả với đa dạng các loại cây đặc sản của các vùng miền trong cả nước có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi đào, bơ, mít, chôm chôm, vải thiều... trên diện tích 4.600 m2.

Không có kiến thức và kinh nghiệm thực tế, để có quyết định "đột phá" này, ông đã dành nhiều thời gian tìm tòi qua sách, báo, tivi và cả "gom" tiền, xách ba lô lên đường đến tận các tỉnh, thành học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn, từ các tỉnh Nam Bộ như Bến Tre, Cần Thơ hay những tỉnh, thành phía Bắc như Thanh Hóa, Hưng Yên… Chỗ nào có giống cây đặc sản là có dấu chân của ông. Các giống cây ăn quả được ông mua ở nhiều tỉnh, thành về trồng đều phải bảo đảm "3 tiêu chí": Phù hợp với địa phương, dễ tiêu thụ và hiệu quả kinh tế cao.

Do là đặc sản của từng vùng nên để loại cây ăn quả đó thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Tây Nguyên, ông lại càng mất nhiều thời gian, công sức hơn cho việc tìm hiểu, chăm sóc. Ông Tòng bày tỏ: "Thời nay, học hỏi kinh nghiệm cũng dễ hơn nhiều rồi. Muốn là lên mạng gõ tra cứu thông tin là biết ngay. Tuy nhiên, không phải điều gì mình cần cũng có, nhiều khi cây trồng bị mắc bệnh mới thì phải chủ động tìm gặp các nhà khoa học trong lĩnh vực trồng trọt ở Viện Giống cây trồng Trung ương để "cầu cứu" đấy!"

Qua hơn 5 năm triển khai mô hình, ông Tòng luôn tự phòng trừ sâu bệnh bằng các phương pháp tự nhiên mà không sử dụng hóa chất độc hại nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Năm nào vườn cây của gia đình ông cũng cho năng suất và chất lượng vượt trội.

Ông Tòng chia sẻ kinh nghiệm: “Hiện nay các đại lý ươm, bán giống cây ăn quả rất nhiều, nhưng nhiều khi mua về, trồng lớn rồi lại không cho quả, hoặc cho quả không đạt chất lượng, tiêu chuẩn, lại phải chặt bỏ, rất tốn tiền bạc, công sức và cả thời gian nữa. Vì vậy, phải đến tận nơi, xem tận chỗ để vừa bảo đảm chất lượng vừa học hỏi kinh nghiệm của nhà vườn luôn. Cứ chịu khó tham khảo, tìm tòi sẽ đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân. Chăm sóc cây cũng như chăm sóc con cái của mình vậy, phải biết rõ tình trạng từng cây, có nhật ký "khám bệnh", chăm sóc để theo dõi, xử lý”.

Ảnh: VGP/Trầm Hương
Ảnh: VGP/Trầm Hương

Điều đặc biệt là với "bí kíp" của mình, hầu hết các loại cây ăn quả trong vườn nhà ông Tòng đều cho thu hoạch trái vụ, một số cây cho trái quanh năm nên mang lại thu nhập và giá trị kinh tế cao. Hiện ngoài đầu tư cho vườn cây ăn trái, gia đình ông còn chăm sóc cây cà phê,  đào ao nuôi cá, nuôi gà, lợn… Bình quân tổng thu nhập hằng năm của gia đình ông Tòng sau khi trừ chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng.

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh của Tổ dân phố 8, ông Tòng luôn chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên khác để nhân rộng mô hình, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế trong Chi hội. Hiện toàn chi hội có 39 hội viên, thì 100% hội viên có mức thu nhập khá trở lên.

Ông Nguyễn Văn Qúy, hội viên Chi hội Cựu Chiến binh Tổ dân phố 8, Thị trấn Đắk Hà cho biết: "Ông Tòng là một người chịu khó mày mò, học hỏi, đã đi rất nhiều nơi tìm kiếm những giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để về thay cây cà phê vườn nhà. Thấy mô hình trồng cây ăn quả của ông Tòng mang lại hiệu quả kinh tế cao, hội viên trong Chi hội đã nhân rộng mô hình được 5, 6 hội viên rồi và con số chắc chắn sẽ không dừng lại ở đây".

Gần 70 tuổi đời, mang trong mình nhiều di chứng chiến tranh nhưng người lính cụ Hồ Đồng Thanh Tòng vẫn luôn nêu cao tinh thần tự học, chăm chỉ lao động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Ông luôn tâm niệm "còn sức khỏe là còn lao động và phải làm ra những sản phẩm sạch, an toàn, không tiếp xúc hóa chất độc hại, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Theo Báo Chính Phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.