Bên cạnh cuộc chiến Nga - Ukraine kéo dài suốt vài tháng qua thu hút sự chú ý của cả thế giới, khu vực biên giới giữa Armenia và Azerbaijan ở Trung Á cũng đang âm ỉ xung đột và vừa bùng lên khiến hàng trăm người thiệt mạng, nhưng ít được chú ý.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa hai quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ trước đây là Armenia và Azerbaijan đã luôn trong tình trạng căng thẳng và thỉnh thoảng lại xảy ra đụng độ vũ trang.
Gần nhất là hôm 13/9 vừa qua, một vụ giao tranh chớp nhoáng giữa hai bên đã làm dấy lên lo ngại dẫn tới một cuộc xung đột lớn xuyên quốc gia, mở màn cho một cuộc chiến tranh mới trên thế giới.
Phía Armenia cho biết trong ngày đầu đụng độ, có ít nhất 50 binh sĩ của họ thiệt mạng, trong khi Azerbaijan cũng cho biết số tử vong tương tự của quân đội nước mình. Đây là cuộc đụng độ biên giới nghiêm trọng nhất giữa hai bên kể từ năm 2020 đến nay.
Theo Bộ Quốc phòng Armenia, giao tranh xảy ra lúc nửa đêm khi quân đội Azerbaijan nã một loạt đạn pháo và tấn công bằng máy bay không người lái vào nhiều khu vực trên đất Armenia. Nước này cáo buộc Azerbaijan đang cố tiến vào lãnh thổ nước mình nên đáp trả dữ dội. Trong khi đó, Azerbaijan tuyên bố hành động của họ là để trả đũa sự khiêu khích quy mô lớn của Armenia trước đó.
Nguyên nhân giao tranh mới nhất giữa Armenia và Azerbaijan cũng tương tự như những gì xảy ra trong suốt hàng thập kỷ qua. Hai nước này vốn bị mắc kẹt trong cuộc tranh chấp không có hồi kết về vùng đất Nagorno-Karabakh. Đây từng là một phần lãnh thổ của Azerbaijan nhưng lại đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng địa phương do quân đội Armenia hậu thuẫn, kể từ năm 1994 đến nay.
Năm 2020, Azerbaijan đã bất ngờ mở một cuộc tấn công kéo dài 6 tuần và giành lại một số dải đất rộng lớn ở Nagorno-Karabakh. Nhưng đổi lại đã có hơn 6.600 người của các bên thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài gần 2 tháng này. Cuộc chiến cách đây 2 năm đã kết thúc nhờ một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian, khi Moscow điều tới đây khoảng 2.000 binh sĩ để gìn giữ hòa bình.
Sau hơn 2 năm tạm yên ắng và quên lãng trên chính trường thế giới, xung đột lại nổ ra tại khu vực biên giới Armenia và Azerbaijan hôm 13/9. Cả Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Bộ Ngoại giao Nga mấy ngày qua đều lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế để xung đột không leo thang.
Tới ngày 15/9, giới chức Armenia và Azerbaijan xác nhận hai bên đã nhất trí ngừng bắn sau 2 ngày giao tranh. Đợt đụng độ chớp nhoáng này đã khiến khoảng 155 binh sĩ hai nước thiệt mạng. Quyết định ngừng bắn khiến thế giới có thể thở phào khi một cuộc chiến tranh mới đã tránh được.
Tuy nhiên, hàng nghìn người Armenia lại xuống đường phản đối thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời họ đòi Thủ tướng Armenia là Nikol Pashinyan phải từ chức với cáo buộc ông đang cố gắng xoa dịu Azerbaijan bằng cách ngừng xung đột.
Mặc dù, nguy cơ leo thang xung đột thành một cuộc chiến tranh lớn đã có thể chấm dứt, nhưng mối quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan còn lâu mới có thể giảm nhiệt, chừng nào vấn đề khu vực Nagorno-Karabakh chưa được giải quyết dứt điểm.
Căng thẳng địa chính trị và lãnh thổ tại biên giới hai nước vẫn luôn tiềm ẩn có thể thổi bùng thành một cuộc chiến tranh lớn bất cứ lúc nào, tương tự như cách mà cuộc chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra hiện nay bắt nguồn từ những căng thẳng ở khu vực miền Đông Ukraine.