Có ý kiến nhận xét là đề thi Ngữ văn khối C và D năm nay khá hay và có chút bất ngờ, ý kiến của thầy ?
- Quả thật rất khó trả lời hay hay không hay. Chỉ có thể khẳng định: đề thi ra theo đúng định hướng của Bộ, đó là cách ra đề loại dần kiểu học vẹt, học theo khuôn mẫu, học trong các lò luyện. Còn đề thi có sự sáng tạo hay bất ngờ không?
Tôi cho rằng có đôi chút bất ngờ. Chẳng hạn, ở câu hỏi 2 điểm, cả hai đề khối C và D đều chọn văn bản trích từ hai bài đọc thêm chứ không phải bài học chính (Đò Lèn của Nguyễn Duy và Đất nước của Nguyễn Đình Thi).
Câu hỏi đọc hiểu cho hai câu này cũng loại bỏ luôn cách học thuộc lòng. Nó buộc học sinh phải học hiểu. Nếu học sinh rút được kinh nghiệm cho cách học thi của mình, thì từ nay nhớ phải học bài theo cách “học hiểu”. Nếu học như thế, đề thi chả có gì bất ngờ và khó khăn với thí sinh cả.
Đúng theo suy đoán của nhiều người, đề Ngữ văn năm nay tiếp
tục xu hướng đổi mới như một vài năm vừa qua, đồng thời cũng lại có thêm điểm mới: không có câu tự chọn; cách hỏi không nặng về kiến thức mà thiên về tổng hợp, bình luận; đề nghị luận xã hội tiếp tục bàn về vấn đề xã hội nóng hiện nay. Thầy nhận xét gì về những thay đổi này ?
- Trước hết về câu nghị luận xã hội, tôi nghĩ, về cách hỏi không có gì là mới. Đề nghị luận xã hội sẽ tập trung vào những vấn đề thiết yếu hiện nay (Biển Đông, lãnh thổ, yêu nước, chiến tranh, cách mạng, lí tưởng, lẽ sống của thanh niên hiện nay…).
Đề khối C, có đụng chạm đến vấn đề Biển Đông, tuy không trực tiếp, mà thông qua kiểu “sử dụng sức mạnh cơ bắp” của giới cầm quyền Trung Quốc.
Đề khối D thì bàn về vấn đề “cống hiến và hưởng thụ”, thì tôi nghĩ vẫn là vấn đề “lẽ sống” hiện nay. Câu hỏi nghị luận không khó với thí sinh. Tôi xin khẳng định thế.
Ở câu hỏi làm văn (5 điểm), tôi nghĩ cũng không mới. Cách ra đề theo hướng này ta đã thấy xuất hiện từ nhiều năm nay rồi. Đặc biệt, ngay đề thi năm ngoái, nó cũng na ná như thế. Chỉ có điều, tác phẩm chọn ra đề thì không còn lặp lại năm trước mà thôi.
Tuy nhiên, nói là không mới, nhưng tôi rất ủng hộ cách ra đề thi một vài năm gần đây. Ra đề thi như thế, học sinh sẽ “sợ” dần cách học Văn như họ vẫn theo đuổi ở các lò luyện. Lẽ ra, kiểu ra đề này phải được vận dụng từ lâu rồi, chứ không chờ đến khi thấy “thảm họa” lò luyện thì mới tìm cách gạt bỏ.
Đề thi liệu đã có sự dung hoà giữa kiến thức văn chương và liên hệ thực tế ? Đề thi như thế này liệu có đạt hiệu quả cao trong việc đánh giá năng lực văn chương của thí sinh không thưa thầy ?
- Thật khó có thể trả lời một liều lượng thế nào là đủ về vấn đề thực tế và sách vở hiện nay. Chúng ta cũng không nên quá cổ súy cho lối ra đề thiên về nghị luận xã hội. Nhưng cũng cần tránh lối dạy và học văn “tầm phào", chỉ chạy theo hướng “mỹ văn”.
Văn chương là một cái gì đó tinh tế lắm, có khi nó là chính cuộc đời, mà có khi nó cũng chỉ thuần túy văn chương. Vấn đề là mình chọn cách dạy và học như thế nào thôi.
Chính vì thế, đề thi nên như thế nào thì đánh giá được đúng năng lực của học sinh, tôi nghĩ ngoài cách dạy và học, cách ra đề, quan trọng hơn nữa còn là ở cách đánh giá (chấm điểm) của thầy cô.
Nhiều năm tôi nghe không ít người phàn nàn rằng, chấm thi hiện nay sao mà nhiều “rủi ro” thế. Học sinh cứ rỉ tai nhau rằng, khi đi thi phải cố viết thật dài, cứ viết dài là được điểm cao. Điều này có đúng không? Tôi không khẳng định tất cả đều đúng, nhưng về cơ bản là thế.
Tại sao lại thế? Vì thầy cô chấm văn hiện nay thường chỉ đọc thoáng qua (mà lỗi này là do đề thi quá dài, do các lò luyện), nên nếu bài viết dài, họ không dám đặt bút cho điểm thấp. Tất nhiên, tôi thấy không phải tất cả các giáo viên đều thế.
Vẫn có thầy cô (những người trẻ) đọc rất kĩ từng bài văn, những người “già” thì lại có kinh nghiệm. Vì thế nên có những bài viết dài mà họ vẫn cho điểm thấp, vì bài làm không đi theo đúng câu hỏi của đề thi.
Tóm lại, để cải cách một cách triệt để thi cử, tôi nghĩ cần phải đổi mới toàn diện: đề thi sao cho ngắn hơn (để học sinh không viết được dài), loại bỏ hoàn toàn lối ra đề có thể chép theo văn mẫu (loại bỏ lò luyện đọc chép), thời gian chấm thi phải dài hơn... Có như thế mới loại bỏ được những “rủi ro” trong việc chấm thi nói chung chứ không chỉ riêng môn Văn.
Các đề thi môn xã hội năm nay đều bỏ phần tự chọn, đề thi thống nhất, nội dung đề Ngữ văn, Lịch sử hay Địa lý đều đề cập đến vấn đề biển đảo, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực là những vấn đề nóng hiện nay. Xu hướng này liệu có dự báo một sự thay đổi trong tư duy dạy và học các môn khoa học xã hội ?
- Thực chất, bỏ phần tự chọn, nghĩa là bỏ kiểu học theo chương trình chuẩn và nâng cao. Nghĩa là nếu lối ra đề này được chính thức ứng dụng từ năm nay, thì từ nay chẳng cần phải chia ra hai nhóm học sinh làm gì nữa.
Đấy cũng là cách giảm tải chương trình theo mong muốn của nhiều người. Sẽ chỉ còn một cuốn sách giáo khoa. Còn vấn đề biển đảo hay chủ quyền thì tôi nghĩ nó cũng như nhiều vấn đề khác thôi, cũng như yêu nước, cách mạng, lẽ sống, lòng khoan dung, nghĩa là nhiều nhiều lắm. Nó sẽ luôn thường trực. Nó là vấn đề sách vở và cuộc đời. Một cách dạy và học Văn như thế theo tôi là đúng hướng.
Với đề thi này, thầy có thể dự đoán phổ điểm ?
- Tôi thấy đây là câu hỏi khó, vì vấn đề phổ điểm còn phụ thuộc vào cách chấm của các thầy cô. Chứ như năm ngoái, tôi khẳng định điểm thi sẽ thấp nhưng điểm chuẩn vào Trường ĐHKHXH&NV cũng như các năm trước.
Các thầy cô cứ kêu bài làm của học sinh luôn theo “khuôn mẫu”, nhưng tôi có cảm giác cách chấm điểm của thầy cô cũng có phần theo hướng đó rồi.
Vậy nên, tôi thấy học sinh thi khối C năm nay kêu đề thi khó, nhưng rồi chờ xem, điểm sàn của Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN cũng sẽ từ 18 hoặc 18 rưỡi trở lên.
Xin cảm ơn thầy.