Một cách chống giáo viên ép học sinh học thêm

Một cách chống giáo viên ép học sinh học thêm

(GD&TĐ) - Học thêm có nhiều mặt tốt như: vừa dạy lại vừa trông trẻ giúp một số cha mẹ học sinh khi họ bận đi làm kiếm sống (đối với bậc Tiểu học chẳng hạn); kiến thức nhiều và khó nên học sinh muốn được học thêm để bảo đảm nắm đủ và vững kiến thức (đối với cấp trung học phổ thông chẳng hạn), ...

Phạm vi bài này chỉ bàn đến cách chống những giáo viên thiếu lương tâm và trách nhiệm “ép” học sinh phải đi học thêm để thu lợi cho mình, gây nhiều bức xúc cho cha mẹ và cả cho chính các em học sinh.

Hình chỉ mang tính minh họa?Internet
Hình chỉ mang tính minh họa/Internet

Cách ép của những giáo viên này rất đơn giản. Ở lớp, họ dạy hời hợt nhưng ở nhà dạy lại rất tận tình và nếu em nào không đến nhà họ để học thêm thì em đó sẽ không đạt điểm cao môn đó, thậm chí bị điểm môn đó rất thấp.

Hậu quả là em đó vừa yếu kiến thức lại vừa không bảo đảm học lực để lên lớp, nhất là đối với cấp trung học phổ thông nếu học sinh yếu kiến thức thì khó mà có thể thi đỗ vào các trường đại học. Việc quản lí của Ban Giám hiệu, Tổ chuyên môn đối với những giáo viên này không dễ vì họ có giáo án, đồ dùng dạy học bảo đảm, ra vào lớp đúng giờ. Điều quan trọng nhất là thái độ dạy hời hợt thường xuyên xảy ra mà Ban Giám hiệu, Tổ chuyên môn lại không bắt được quả tang vì nếu đến dự giờ thì họ lại dạy nghiêm túc.

Vậy thì chống lại hành động này bằng cách nào?

Học sinh chính là những người chống hiệu quả nhất. Các em là những người dự giờ giáo viên liên tục và lâu dài nhất. Các em có đủ khả năng nhận xét đúng thái độ, trách nhiệm dạy tận tình hay hời hợt trong các giờ lên lớp của các thầy cô giáo, kể cả học sinh tiểu học.

Vậy thì Nhà trường hãy hướng dẫn, yêu cầu các em bỏ thư vào hòm thư góp ý phản ánh cho Ban Giám hiệu biết những giờ dạy nào của những giáo viên nào thiếu trách nhiệm một cách cụ thể, chi tiết, kịp thời. Những thư này học sinh không phải kí tên, có thể lại được đánh máy vi tính thì giáo viên khó mà biết là em nào.

Đồng thời, các phản ánh kiểu này của các em học sinh được Nhà trường đưa vào nội quy từ đầu năm học, quy định “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức”, phải có lương tâm và trách nhiệm dạy dỗ học sinh, nếu bị phản ánh dạy thiếu tận tình thì Nhà trường sẽ nhanh chóng điều tra, xem xét, xử lí nghiêm túc với các mức độ từ nhắc nhở, phê bình đến đánh giá xếp loại, xét thi đua, thậm chí kỉ luật, hạ bậc lương, … một cách công khai, minh bạch.

Mỗi Nhà trường hãy phát huy tác dụng của hòm thư góp ý theo kiểu nêu trên đây thì các em sẽ sớm được học những giờ học chất lượng, việc dạy thêm học thêm sẽ không là nạn mà sẽ trở thành bạn của mỗi thầy cô và mỗi học sinh.

Vũ Thanh Thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.