Moscow đang điều khiển cuộc đấu trí với phương Tây?

GD&TĐ - Tổng thống Nga Putin mới đây đã có động thái hết sức bất ngờ là sẵn sàng ngừng bắn ở Ukraine, hai bên dừng lại dọc theo chiến tuyến hiện tại.

Moscow đang điều khiển cuộc đấu trí với phương Tây?

Đề xuất bất ngờ của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Vladimir Putin mới đây đã đề xuất với Hoa Kỳ đóng băng xung đột ở Ukraine dọc theo tuyến đầu hiện nay.

Tờ Financial Times cho biết, cuối tuần trước, ông Putin đã chuyển đạt một đề xuất bất ngờ của mình thông qua ông Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Nhà lãnh đạo Nga bày tỏ sự sẵn sàng từ bỏ các yêu sách giành quyền kiểm soát ngay lập tức đối với các khu vực chưa giành được quyền kiểm soát ở Donetsk, Lugansk, cũng như các vùng lãnh thổ của khu vực Zaporizhia và Kherson, với điều kiện là đường liên lạc hiện tại giữa các bên trở thành cơ sở để chấm dứt thù địch.

“Đề xuất này là tín hiệu chính thức đầu tiên cho thấy Nga có thể sẽ từ bỏ những yêu cầu tối đa của mình” - tờ Financial Times trích dẫn ba nguồn tin có hiểu biết về quá trình đàm phán bí mật, cho biết.

Tuy nhiên, tờ Financial Times (FT) cũng cho rằng, có rất nhiều bí mật ẩn giấu sau quyết định bất ngờ của Điện Kremlin.

Sở dĩ gọi đây là một quyết định bí ẩn của ông Putin, bởi từ trước đến nay Moscow luôn khẳng định mục đích của Chiến dịch Quân sự Đặc biệt là phải giành quyền kiểm soát toàn bộ 4 vùng lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022, gồm Zaporizhia, Kherson, Donetsk và Lugansk.

FT trích lời một người đối thoại cho biết, hiện nay, Kiev đang chịu rất nhiều áp lực phải nhượng bộ từ Washington, để Trump có thể tự hào tuyên bố rằng ông đã hoàn thành sứ mệnh gìn giữ hòa bình trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống (bắt đầu vào ngày 20/01/2025).

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ bình luận chính thức nào từ Nhà Trắng hoặc Điện Kremlin, đồng thời bản kế hoạch vẫn chưa chính thức được công bố.

Bản kế hoạch của ông Trump là gì?

Theo giới truyền thông Mỹ, để đáp lại “thành ý” của Nga, Washington đã bắt đầu xây dựng một kế hoạch hòa bình khả thi, một số chi tiết trong đó đã bị rò rỉ với giới truyền thông.

Tờ báo Mỹ “Bưu điện New York” (New York Post - NYP) hôm 22/4 tiết lộ, kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho Ukraine là chính quyền Kiev phải thừa nhận mất quyền kiểm soát hơn 20% lãnh thổ, nhưng không cần phải công khai thừa nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ đó.

Ấn phẩm Mỹ trích dẫn chi tiết quan trọng nhất trong kế hoạch của người đứng đầu Nhà Trắng bao gồm việc chính quyền của ông Zelensky công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với các vùng Donetsk Lugansk, Kherson, Zaporizhia và bán đảo Crimea (4 vùng trên đã được Moscow tuyên bố sáp nhập vào lãnh thổ Nga hồi tháng 9/2022).

Theo ấn phẩm này, ông Trump sẽ không yêu cầu Ukraine phải công khai công nhận hợp pháp việc mất lãnh thổ vào tay Nga, mở đường cho việc Kiev sau này có thể đòi lại các vùng lãnh thổ này, bằng bất cứ biện pháp nào mà họ có thể sử dụng được.

Ngoài ra, bản kế hoạch này của Trump còn liên quan đến vấn đề của lực lượng gìn giữ hòa bình để giám sát ngừng bắn, nhưng nó chỉ là thứ yếu, khi so với vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Với phương án này, Hoa Kỳ đóng vai trò là bên bảo lãnh cho lệnh ngừng bắn, Tổng thống Donald Trump nhận được danh hiệu “người gìn giữ hòa bình” được mong đợi từ lâu và có thể là cả Giải Nobel Hòa bình danh giá, còn sau này tương lai của lệnh ngừng bắn như thế nào sẽ do chính quyền tiếp theo giải quyết.

Thậm chí NYP còn khẳng định rằng, kế hoạch mới của Tổng thống Hoa Kỳ nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine, dự kiến ​​sẽ được công bố trong những ngày tới. Tất cả mọi chi tiết của nó sẽ được công bố.

Ý định của Nga là gì?

Hôm 21/4, Kênh “Secret Chancellery” dẫn các nguồn tin riêng nói về 3 phương án chấm dứt xung đột ở Ukraine, trong đó phương án 1 là đóng băng cuộc xung đột dọc theo ranh giới chiến tuyến hiện nay, tương đồng với đề xuất của ông Putin mà tờ Financial Times vừa công bố.

Theo bình luận của “Secret Chancellery”, với phương án này, Nga chỉ nhận được “một chiến thắng mang tính biểu tượng” và không hài lòng với kết quả này, bởi mục đích Tổng thống Nga Vladimir Putin cần đạt được ở Ukraine là toàn bộ lãnh thổ 4 vùng Kherson, Zaporozhye, Donetsk và Lugansk mà Moscow đã tuyên bố sáp nhập vào tháng 9/2022.

Vậy tại sao Nga lại đột nhiên đưa ra đề xuất tương đồng với phương án này? Đây là điều mà giới phân tích tập trung đang đưa ra lý giải.

Một số nhà ngoại giao châu Âu am hiểu các cuộc thảo luận chỉ ra rằng, Điện Kremlin có thể sử dụng đề xuất này như một động thái chiến thuật để tăng cường ảnh hưởng của mình đối với ông Trump và thúc đẩy các điều kiện có lợi cho Moscow, bao gồm việc công nhận Crimea gia nhập Nga và Ukraine từ chối gia nhập NATO.

Đây thực sự là Moscow đã thực hiện chiến thuật “tằm ăn rỗi”, từng bước để đạt được mục đích đầu tiên của mình là để Mỹ phải công nhận Crimea là của Nga, buộc Ukraine phải cam kết không được gia nhập NATO, buộc Mỹ sẽ không thể tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev, đồng thời giữ nguyên lợi thế của Nga trên các mặt trận.

Sau đó, Moscow sẽ tìm thời điểm tuyên bố Kiev phá vỡ lệnh ngừng bắn, xung đột tái bùng phát, Lực lượng Vũ trang Nga tiếp tục tấn công và tiếp tục kiểm soát nốt các vùng lãnh thổ còn nằm trong tay Ukraine ở Kherson, Zaporozhye, Donetsk và Lugansk, còn Mỹ có thể ra đi, không phải chịu trách nhiệm gì, bỏ lại châu Âu và Kiev trong bất lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một giờ học thí nghiệm của sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Sức hút của ngành chip bán dẫn

GD&TĐ - Do nhu cầu nhân lực ngành chip bán dẫn tăng cao thời gian tới, nhiều trường đại học mở ngành, tăng quy mô đào tạo lĩnh vực này.