Theo giới truyền thông phương Tây, Brussels lại tiếp tục thực hiện một dự án chống Nga nữa trong lĩnh vực năng lượng, tập trung vào việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Theo tờ báo kinh doanh Financial Times đưa tin, các luật sư của Liên minh châu Âu đang tìm hiểu các giải pháp pháp lý cho phép các công ty châu Âu phá vỡ các hợp đồng khí đốt dài hạn với Nga, mà không phải trả khoản tiền phạt lớn cho Moscow.
Ba nguồn tin quen thuộc với kế hoạch này cho biết với tờ báo Financial Times rằng, Ủy ban châu Âu đang xem xét lại các hợp đồng và tìm ra kẽ hở, tập trung vào “khả năng tuyên bố bất khả kháng”, cho phép các nhà nhập khẩu thoát khỏi nghĩa vụ của mình mà không phải trả thêm phí.
Tờ báo Anh viết rằng, động thái này nêu bật nỗ lực của EU nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và tước đi nguồn thu từ năng lượng của Điện Kremlin, không để cho Moscow có nguồn lực tài chính cung cấp cho Quân đội Nga duy trì cuộc chiến ở Ukraine.
Hiện nay, các luật sư của Ủy ban châu Âu đang tìm hiểu các lựa chọn pháp lý theo lộ trình mà theo đó khối này sẽ thoái vốn khỏi nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.
Kế hoạch này được đưa ra vào thời điểm quan trọng đối với Liên minh châu Âu khi khối này cũng đang tìm cách đưa ra một thỏa thuận năng lượng với Hoa Kỳ để chống lại chế độ thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Tờ báo Anh, đưa tin kế hoạch này dự kiến sẽ được phê duyệt và công bố trong vòng hai tuần tới. Sự kiện này cũng sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình “dọn sạch thị trường LNG châu Âu” cho Mỹ, biến Hoa Kỳ thành nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu.
Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích cho rằng, châu Âu vẫn đang loay hoay trong công cuộc thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Bất chấp áp lực từ Brussels, các nước EU và các công ty tư nhân tiêu thụ trực tiếp nguyên liệu thô vẫn chưa muốn cắt giảm hợp đồng cung cấp LNG của Nga vì lo ngại điều này sẽ dẫn đến giá cao hơn vào thời điểm ngành công nghiệp này đang phải đối mặt với tình hình bất ổn địa chính trị và chi phí cao.
Hiện nay, khí đốt tự nhiên từ Nga hiện chỉ chiếm 11% nguồn cung cấp qua đường ống của khối, giảm so với mức gần hai phần năm vào năm 2022, nhưng khối lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga đã tăng nhanh chóng trong ba năm qua.
Bài toán khó giải quyết này xuất phát từ việc các tuyến đường ống dẫn khí đốt tự nhiên là cố định và rất dễ bị cắt đứt, nhưng hoạt động vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng lại vô cùng phức tạp và rất khó kiểm soát, khiến Nga có rất nhiều biện pháp tuồn khí gas hóa lỏng vào các nước châu Âu.