Mong sớm có cơ chế đặc thù cho trường chuyên biệt

GD&TĐ - Với sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân, môi trường giáo dục cho trẻ đặc biệt đang được chú trọng.

Cô trò Trường khiếm thính Hải Phòng trong giờ học.
Cô trò Trường khiếm thính Hải Phòng trong giờ học.

Tuy nhiên, việc chưa có thông tư cụ thể quy định về tỷ lệ giáo viên, học sinh/lớp; sách giáo khoa và tài liệu giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 thiết kế riêng cho học sinh chuyên biệt…. khiến nhiều trường ở Hải Phòng gặp không ít khó khăn.

1,5 giáo viên/lớp không đảm bảo

Giáo dục chuyên biệt là chương trình giáo dục, học tập được thiết kế dành riêng cho những trẻ có nhu cầu đặc biệt, cụ thể là trẻ khuyết tật, trẻ chậm nói, trẻ tự kỷ, trẻ khiếm thính hay khiếm thị. Thực tế, nhu cầu tìm kiếm các môi trường giáo dục cho trẻ đặc biệt đang được chú trọng.

Tại Hải Phòng có 2 trường chuyên biệt là: Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị và Trường khiếm thính. Qua nhiều năm hoạt động, các nhà trường đã có những bước phát triển và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục chung của thành phố, giúp các em có thêm hành trang hòa nhập cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế triển khai các hoạt động giáo dục của nhà trường vẫn còn rất nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan, ban ngành.

Năm học này, Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng có 160 học sinh, được chia thành 13 lớp. Đa số học sinh của trường là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Phạm Văn Hưng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, không chỉ rèn dạy học sinh kiến thức, kĩ năng, mà trường còn có cả mô hình dạy nghề giúp các em có thể hòa nhập cộng đồng và có cơ hội tìm việc làm để nuôi sống bản thân, gia đình.

Theo thầy Hưng, việc triển khai công tác giáo dục tại nhà trường còn nhiều khó khăn vì chưa có những quy định riêng cho trường chuyên biệt. Trước tiên, quy định tỷ lệ giáo viên/lớp hiện nay chưa rõ ràng. Nhà trường vẫn thực hiện theo quy định chung cho các trường tiểu học với tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Nhưng thực tế, tại trường khiếm thị, quy định này không phù hợp.

Bởi đặc thù là trẻ khuyết tật, có nhiều em đa tật, khuyết tật trí tuệ vì thế thầy cô khá vất vả trong việc quản lý, dạy dỗ. Bên cạnh đó, dù chưa có quy định cụ thể về số học sinh/lớp, nhà trường xếp 1 lớp 14 - 15 trò theo dạng tật và độ tuổi. Việc sắp xếp sĩ số học sinh như vậy chưa phù hợp bởi so với quy định chung về giáo dục hòa nhập thì một học sinh khuyết tật tương đương 5 học sinh bình thường.

Thầy Hưng cho rằng, tỷ lệ giáo viên tại trường chuyên biệt nên là 2,2 - 2,5 giáo viên/lớp và mỗi lớp chỉ xếp dưới 10 học trò. Thực tế tỷ lệ giáo viên chưa đạt mong muốn, số lượng học sinh/lớp khá đông, các thầy cô vẫn nỗ lực đảm bảo chất lượng dạy dỗ và chăm sóc. Mặt khác, hiện Bộ chưa có giáo trình riêng cho trẻ khuyết tật, vì thế với trường khiếm thị nhà trường tự soạn bộ tài liệu riêng cho phù hợp với học sinh.

Cô Đào Thị Huế, giáo viên chủ nhiệm lớp 2C, khối khuyết tật trí tuệ cho hay, dạy trò khuyết tật trí tuệ thầy cô rất vất vả. Vì thế, để rèn các con có kĩ năng tự phục vụ, sự tập trung, giáo viên cũng mất nhiều thời gian.

Hiện, chưa có tài liệu riêng cho các trường chuyên biệt về việc giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ nên cô tham khảo tài liệu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam để xây dựng kế hoạch bài dạy theo khung chương trình mục tiêu cần đạt. Cô Huế nhận định rằng, từ thực tế giảng dạy điều quan trọng nhất là bằng kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn thầy cô xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho từng học sinh một cách phù hợp.

Gần 20 năm công tác tại Trường Nuôi dạy trẻ em khiếm thị Hải Phòng, cô Trần Thị Thúy Hồng chia sẻ, khi xác định giảng dạy tại trường chuyên biệt cô và đồng nghiệp đã lường trước được những khó khăn cần phải vượt qua. Tuy nhiên, giáo viên cũng mong muốn có những quy định cụ thể về số lượng học sinh/lớp và tỷ lệ giáo viên/lớp để phù hợp với đặc thù loại hình giáo dục mang lại lợi ích tốt nhất cho học trò.

Ảnh minh hoạ/ INT

Ảnh minh hoạ/ INT

Linh hoạt giảm tải chương trình

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tại Hải Phòng, các trường chuyên biệt cũng đang thực hiện nội dung giáo dục bám sát với chương trình mới. Theo cô Nguyễn Thị Hòa Bình, Phó Hiệu trưởng Trường khiếm thính Hải Phòng, quá trình giáo dục học sinh, nhà trường bám sát chuyên môn theo chương trình mới.

Nhưng đặc thù học sinh khuyết tật, thầy cô áp dụng linh hoạt mềm dẻo, giảm tải. Trường chia nhỏ chương trình một lớp học 2 năm, quá trình dạy nếu giáo viên thấy tài liệu không phù hợp với học trò thầy cô có thể giảm tải, tạo điều kiện cho các em tiếp thu kiến thức tốt nhất.

Cô Bình chia sẻ, một bài tập đọc, thầy cô soạn đủ nội dung để học sinh hiểu và giáo án có đa phương pháp, trong đó phương pháp dùng hình miệng, ngôn ngữ kí hiệu là đặc thù của Trường khiếm thính. Trẻ khuyết tật trí tuệ có nhiều em 8 - 9 tuổi mới đi học lớp 1. Thậm chí có những cháu 3 - 4 năm mới học xong một lớp, vì thế thầy cô phải theo sát và có kế hoạch giáo dục phù hợp.

Sách giáo khoa chỉ là học liệu, ngoài ra, thầy cô còn tham khảo nhiều nguồn tài liệu để giảng dạy và rèn giũa cho học trò. Nhà trường lồng ghép thời khóa biểu để tăng cường các hoạt động dạy kĩ năng sống cho các em.

“Nhà trường đang dùng bộ sách giáo khoa Cánh diều. Với ưu điểm bộ sách có màu sắc trực quan, sinh động, phù hợp trẻ khuyết tật. Trẻ khiếm thính tri giác phát triển mạnh nên hình ảnh bắt mắt sẽ kích thích trí tuệ cho các em”, cô Bình chia sẻ.

Ngoài giảm tải sâu chương trình, giáo viên sẽ có phương pháp giáo dục cá nhân, những trò yếu kém hơn các bạn thầy cô tích cực, sát sao hơn. Vì thế với trẻ khiếm thính phương pháp giáo dục của nhà trường cơ bản ổn định. Nhưng trẻ khuyết tật thì không theo được chương trình, thầy cô đặt mục tiêu thấp về kiến thức và chỉ cần các em có thêm kĩ năng giao tiếp xã hội, phục vụ mình và tương tác bạn bè.

Cô Hoàng Thị Lương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học này trường có 244 học sinh với 26 giáo viên. Tỷ lệ trung bình là trên 13 học sinh/lớp. Nhà trường có thuận lợi là giữ ổn định định biên giáo viên. Tuy nhiên, cô Lương cũng cho rằng, học trò khuyết tật khi vào trường độ tuổi không đồng đều, ở nhiều thể nặng nhẹ khác nhau thầy cô gặp khó khăn trong giảng dạy. Đặc thù như vậy nên nhà trường chỉ đạo chuyên môn sát sao, thầy cô phân loại, bố trí lớp đảm bảo tiêu chí về dạng tật và độ tuổi.

Ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Thành phố rất quan tâm đến thầy và trò ở 2 trường chuyên biệt. Tuy còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách nhưng cơ bản đời sống của giáo viên, điều kiện học hành của học trò được ổn định.

Vừa qua, Sở cũng có buổi làm việc với Trường khiếm thính để lắng nghe ý kiến nhà trường, ghi nhận những vướng mắc để có ý kiến với cơ quan chức năng. Về tỷ lệ giáo viên, học sinh/lớp, SGK… tại trường chuyên biệt Sở sẽ có ý kiến với Bộ GD&ĐT để có cơ chế đặc thù tạo hướng đi thuận lợi cho các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ