Mong nghiệp VĐV thôi bạc bẽo

Mong nghiệp VĐV thôi bạc bẽo

(GD&TĐ) - Dư luận giới hâm mộ thể thao Việt Nam những ngày này vẫn còn lâng lâng âm hưởng cuồng nhiệt và nức lòng với phong độ chói sáng của những cầu thủ trẻ Việt Nam tại giải Vô địch U19 Đông Nam Á.

Thế nhưng trong góc khuất của làng thể thao Việt có một câu chuyện buồn mà ít người quan tâm tới, đó là sự ra đi của kình ngư vang bóng một thời Trần Xuân Hiền. Trần Xuân Hiền qua đời bởi tai nạn giao thông và để lại một gia cảnh khốn cùng – khốn cùng như những năm tháng mưu sinh kể từ khi anh giã biệt nghiệp vận động viên chuyên nghiệp. Hy sinh quá nhiều cho thể thao nhưng vận động viên được nhận lại gì? Đó là nỗi trăn trở lớn đặt ra cho xã hội…

Kinh ngư Trần Xuân Hiền
Kinh ngư Trần Xuân Hiền

Trong những năm gần đây, hầu hết phụ huynh đã không kì vọng vào nghiệp vận động viên thể thao cho con cái họ. Bước chân vào con đường thể thao chuyên nghiệp nghĩa là phải “ép xác” trong môi trường luyện tập khắc nghiệt từ quá sớm, tuổi nghề ngắn ngủi, học hành bê trễ, nếu may mắn không bị chấn thương nặng thì cũng không vốn liếng nghề nghiệp khi giã từ thi đấu đỉnh cao…

Mười năm sau khi gặp chấn thương bị liệt nửa người, câu chuyện của đô vật Lê Thị Huệ vẫn còn nóng hổi. 10 năm ngồi xe lăn và làm bạn với đôi nạng gỗ là 10 năm chị chỉ biết nhờ cậy vào bạn bè và người thân. Đã không có một cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan chủ quản cho quãng đời bất hạnh sau những chấn thương dẫn tới tàn phế của những vận động viên như Lê Thị Huệ. 

May mắn không bị chấn thương nhưng con đường “hội nhập” xã hội của một vận động viên bơi lội nổi tiếng như Trần Xuân Hiền cũng vô cùng gian nan. Từng được tung hô khi giúp Việt Nam giải tỏa cơn khát huy chương tại đấu trường SEA Games 2001 (giành HCB nội dung 100 mét ếch – Huy chương đầu tiên của VN kể từ khi hòa nhập lại với khu vực), VĐV Trần Xuân Hiền giã từ đường bơi xanh năm 2003 để thấm thía sự gian nan khi trở lại với cuộc sống đời thường. Anh đã từng trải qua những công việc như phụ hồ trước khi xin được một chân trực hồ bơi. Ra đi ở tuổi 31, Trần Xuân Hiền để lại gánh nặng chăm sóc 2 con nhỏ lên vai người vợ - bởi nghiệp thể thao đã chẳng để lại cho vợ con anh một chút gì dù là khoản tiền tuất nhỏ nhoi.

Tại sân chơi V-League, giải bóng đá quốc nội hội tụ những ông bầu lắm tiền nhiều bạc hàng đầu Việt Nam, nghiệp cầu thủ cũng như nến trước gió. Có thời giá cầu thủ được đội lên mây tới hàng chục tỉ nhưng chỉ cần ông bầu sa cơ lỡ vận là vài chục cầu thủ một đội bóng “ra đường”, họ phải làm đủ mọi công việc từ sửa xe, bán hàng nước – những công việc chẳng liên quan tí gì đến nghiệp “quần đùi, áo số”.

Trong bức tranh u ám về nghiệp VĐV, mô hình đào tạo VĐV của Hoàng Anh Gia Lai là một tia sáng thắp lên niềm tin. Những cầu thủ do Hoàng Anh Gia Lai đào tạo (hiện là nòng cốt tuyển U19 Việt Nam) được dạy văn hóa, ngoại ngữ một cách nghiêm túc để bảo đảm có thể chuyển nghề dễ dàng nếu vì những lí do nào đó không theo đuổi được con đường bóng đá. Cách làm của Hoàng Anh Gia Lai có thể nói là không mới, không khó với các cơ quan quản lí thể thao nhà nước – tuy nhiên để làm được như vậy đòi hỏi một thái độ ứng xử trách nhiệm đối với cuộc đời và tương lai VĐV của lãnh đạo các cấp ngành thể thao thay vì hành xử vô cảm, “vắt chanh bỏ vỏ” như hiện nay!

Đức Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ