Mong mỏi của Đại sứ "Điều ước cho em" nơi rẻo cao xứ Nghệ

GD&TĐ - Cách đây 25 năm, hoàn thành chương trình trung cấp, Lô Thị Thủy trở thành cô giáo khi vừa tròn 18 tuổi. Kể từ đó, cô liên tục “cắm” ở các bản vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong, Nghệ An.

Cô Lô Thị Thủy - GV Trường Tiểu học Mường Nọc, huyện Quế Phong, Nghệ An - là 1 trong 63 đại sứ "Điều ước cho em".
Cô Lô Thị Thủy - GV Trường Tiểu học Mường Nọc, huyện Quế Phong, Nghệ An - là 1 trong 63 đại sứ "Điều ước cho em".

Cô không nhớ đã vượt qua bao nhiêu con dốc, quãng suối, và cả bao nhiêu khó khăn chồng chất, éo le của cuộc sống riêng. Để trở thành đại sứ yêu thương của những đứa trẻ người Thái, Khơ mú nơi mình đi qua. Và giờ đây, cô tiếp tục là đại sứ “Điều ước cho em” nơi rẻo cao xứ Nghệ.

Cô giáo của những điểm trường khó

Cô Lô Thị Thủy (SN 1978, GV Trường Tiểu học Mường Nọc, huyện Quế Phong) là đại diện duy nhất của Nghệ An tham gia chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020. Thời điểm đó, cùng với 62 đại diện từ các tỉnh thành trong cả nước, cô Thủy được chọn là đại sứ “Điều ước cho em” do Bộ GD&ĐT khởi xướng.

Những năm 90 của thế kỷ trước, Lô Thị Thủy là số ít học sinh người Thái ở xã Mường Nọc, Quế Phong học đến hết lớp 9, là người “nhiều chữ” của bản làng. Bạn bè lần lượt nghỉ học, lấy vợ, lấy chồng. Còn Thủy học thêm 3 năm trung cấp và quay về quê hương làm cô giáo. Khi ấy, cô vừa tròn 18 tuổi.

Cô Lô Thị Thủy - giáo viên người Thái đã có 25 năm gắn bó với học trò vùng cao
Cô Lô Thị Thủy - giáo viên người Thái đã có 25 năm gắn bó với học trò vùng cao

Nhận nhiệm vụ tại Nậm Nhoóng, cô đi bộ hết 2 ngày đường mới vào đến trung tâm xã. Cho đến tận bây giờ, Nậm Nhoóng vẫn là một trong những nơi khó khăn nhất huyện biên giới Quế Phong. Còn khi cô giáo trẻ vào dạy học, ở đó không điện, không đường, không chợ, chỉ có núi rừng và những nóc nhà sàn thưa thớt.

Cô Thủy nhớ lại, buổi đầu đi dạy học vất vả vô cùng, cuối tuần không dám về nhà vì đường xa và dốc đá, khe suối nguy hiểm. Kể cả khi trường cho dạy bù để được nghỉ 1 tuần cũng đành ở lại trong bản, vì không kịp thời gian đi – về. Mỗi tuần các cô giáo rủ nhau đi chợ 1 lần, nơi gần nhất có giao thương cũng phải đi bộ mất nửa ngày.

“Dân ở đây không có thói quen buôn bán, kể cả lúa gạo trồng được, vì khi hết, họ cũng không biết đi đâu để mua. Có đợt mưa rét, không có gì ăn, không ra ngoài đường, chúng tôi đành nhịn đói. Đến nỗi sau này xã phải đưa ra “hương ước”: Gia đình có con đi học, một năm phải bán cho thầy cô 6kg”, cô Thủy kể.

Cô Lô Thị Thủy cùng các đại sứ "Điều ước cho em" của cả nước
Cô Lô Thị Thủy cùng các đại sứ "Điều ước cho em" của cả nước

Nhưng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, nguyện vọng cống hiến, cô xung phong vào những nơi khó khăn nhất như Nhọt Nhoóng, Na Khích... cắm bản. Học trò người Khơ Mú, người Thái ngoan ngoãn, nhưng một lớp có rất nhiều độ tuổi, vì đi học muộn. Có em học lớp 5 mà gần bằng tuổi cô, tay quen xách dao đi rẫy, đến khi cầm bút lóng ngóng, chật vật. Nhưng khi biết được thêm một chữ, là vui mừng khoe với cô. Các em nói “thích đi học chữ lắm”, vậy là đã đủ níu chân cô giáo trẻ ở lại với bản làng.

Sau 7 năm gắn bó và đi hết bản làng ở Nậm Nhoóng, cô Thủy nhiều lần luân chuyển đến các trường vùng khó khác như: Tiểu học Mường Nọc 4 (nay là Tiểu học Quế Sơn), Tiểu học Quang Phong 1, Tiểu học Mường Nọc... Năm tháng qua đi, sức khỏe yếu hơn, cuộc sống gia đình vất vả khi cô chăm sóc chồng bệnh hiểm nghèo, gia đình còn nuôi cụ là mẹ liệt sĩ... nhưng nhiệt huyết với nghề giáo, sự tâm tâm, lo lắng cho học trò vẫn luôn cháy trong cô.

Nguyện ước của đại sứ

Nhớ lại chuyến đi ra Hà Nội tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020”, cô Thủy tâm sự đó là kỷ niệm đặc biệt, giúp cho bản thân thay đổi rất nhiều. Bởi thời điểm đó, chồng cô vừa mất sau 3 năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Bản thân cô cũng mắc bệnh K tuyến giáp. Một mình gồng gánh, chèo chống gia đình và làm chỗ dựa cho 4 đứa con trong đó 2 cháu đầu đang học đại học, 2 cháu sau mới học lớp 3. Những biến cố dồn dập, liên tiếp khiến cô có lúc tưởng chừng không thể nào trụ vững được nữa.

“Nhưng khi ra giao lưu, cùng thầy cô của các tỉnh khác, tôi thấy nhiều đồng nghiệp cũng có hoàn cảnh rất éo le. Có người đang mang bệnh, hoàn cảnh kinh tế vất vả. Mỗi người một nỗi niềm, số phận, câu chuyện khác nhau, nhưng họ vẫn đứng lớp, vì học sinh thân yêu. Tôi thấy được đồng cảm, sẻ chia, tư tưởng thoải mái hơn rất nhiều, gạt đi hết những suy nghĩ tiêu cực. Tôi cũng thấy tự tin hơn để tiếp tục với công việc mình đang làm”, cô Thủy tâm sự.

Đường đến trường của cô trò bản Cỏ Hưởng (Trường Tiểu học Quang Phong 1, huyện Quế Phong) - nơi cô Thủy ước có đường bê tông thuận lợi.
Đường đến trường của cô trò bản Cỏ Hưởng (Trường Tiểu học Quang Phong 1, huyện Quế Phong) - nơi cô Thủy ước có đường bê tông thuận lợi.

Chuyến ra thủ đô, được Bộ GD&ĐT biểu dương, với cô “đó là niềm vinh dự lớn của cuộc đời làm nghề giáo”. Cùng với đó là trách nhiệm, trăn trở khi trở thành đại sứ “Điều ước cho em”. “Tôi nhớ mãi chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất phát động phong trào “5 điều ước” đó là: Điện sáng; đường giao thông; nước sạch – nhà vệ sinh cho học trò; bữa ăn bán trú; đồ dùng, thiết bị học tập cho trẻ dân tộc thiểu số... Ban tổ chức chương trình cũng nhắn nhủ các thầy cô trước hết hãy chia sẻ và nói lên điều ước ở địa phương mà mình công tác”, cô Lô Thị Thủy nói.

Trở về, cô tiếp tục nỗ lực, để hiện thực hóa phần nào những ước mơ của học trò dân tộc thiểu số ở Quế Phong. Những năm qua, với nỗ lực của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ của cá nhân, tổ chức xã hội vùng cao Nghệ An đã nhiều thay đổi. Đường giao thông đã được nối đến trung tâm xã vùng cao, điện sáng cũng theo về. Trường học được dần kiên cố hóa.

Nhưng sâu trong các điểm lẻ, vẫn còn nhiều khó khăn và ước mơ chưa thành hiện thực. Những đôi mắt trẻ thơ vẫn vời vợi. “Cá nhân tôi không thể trực tiếp giúp đỡ các em học sinh. Nhưng tôi mong rằng, khi thay lời các em nói lên những điều ước, từ chính sự thấu hiểu và bản thân đã trải nghiệm, sẽ được nhiều người lắng nghe, và cùng chung tay hướng về huyện miền núi Quế Phong xa xôi”, cô Lô Thị Thủy bày tỏ.

Ba điều ước của cô Lô Thị Thủy và tập thể giáo viên Trường Tiểu học Quang Phong 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An):  
Có nhà vệ sinh và hệ thống nước sạch cho học sinh. Cụ thể là 3 nhà vệ sinh cho học sinh tại 3 điểm trường Cỏ Hướng, Bản Ca, Hủa Khố. Tại những nơi này chưa có nhà vệ sinh hoặc vệ sinh đã xuống cấp, giếng khoan vùng đá vôi ít nước và không dùng để uống được.
Ước có các phòng chức năng phục vụ công tác và giảng dạy gồm 1 phòng để hội họp, 1 phòng dạy và học Mỹ thuật, 1 phòng Khoa học.
Ước có đường bê tông đến tất các điểm trường, mà khẩn cấp nhất là điểm trường Cỏ Hưởng. Đây là bản khó khăn nhất xã Quang Phong, có một đoạn đường đất khó đi, mùa mưa cô trò phải lội qua suối để đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ