Phân loại HS để ôn tập tốt

GD&TĐ - Sau hai lần thi khảo sát nhằm đánh giá chất lượng học tập của HS khối 12 toàn trường, các thầy cô giáo thuộc Trường THPT Tử Đà (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã gấp rút tổ chức các cuộc họp nhằm tìm ra các biện pháp tối ưu để nâng cao chất lượng HS. Trong đó, giải pháp được đưa ra hàng đầu là phân loại HS.

Phân loại HS để ôn tập tốt

Thực trạng đáng lo ngại từ kết quả khảo sát

Trường THPT Tử Đà, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) là một trong những trường có số lượng HS lớp 12 lựa chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội nhiều nhất tỉnh. Theo thống kê của nhà trường, có khoảng 60% HS chọn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và GD công dân để dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng - đại học.

Theo thông tin từ các thầy cô phụ trách các bộ môn Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn và Giáo dục công dân, kết quả khảo sát toàn bộ HS khối 12 của trường đang ở tình trạng đáng báo động. Có tất cả 184 HS đăng ký khảo sát tổ hợp môn Khoa học xã hội, nhưng số HS đạt điểm trên trung bình chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Điểm trung bình môn Sử của cả khối 12 là 3,72, trong đó chỉ có 42 HS đạt điểm trung bình trở lên. Môn Địa lý và Ngữ văn khả quan hơn một chút với khoảng 60% HS đạt điểm số ở mức trung bình trong phổ điểm 5 - 6. Đối với bộ môn Giáo dục công dân, điểm trung bình có xu hướng giảm so với năm học 2016 - 2017.

Lý giải về tình trạng trên, các thầy cô cho rằng, nguyên nhân hàng đầu được đưa ra là do ý thức của HS. Cô giáo Đào Như Quỳnh, giáo viên môn Địa lý, cho biết: “Nhiều em HS có ý thức rất kém, thường xuyên không mang sách vở và tài liệu đi học. Mặt khác, các em có tâm lý rằng điểm khảo sát không mang tính ràng buộc và quyết định nên vẫn khá chủ quan trước các kỳ thi khảo sát do nhà trường tổ chức”.

Trường THPT Từ Đà là một trong những trường có chuẩn đầu vào còn thấp, vì vậy phần lớn HS lựa chọn tổ hợp môn Khoa học xã hội với suy nghĩ những môn học này sẽ ít đòi hỏi phải tư duy hơn những môn thuộc tổ hợp Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, mục tiêu của các HS tại đây không phải là xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ mà phần lớn các em chỉ mong muốn vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Từ đó dẫn đến tình trạng chủ quan, lơ là trong học tập.

Giải pháp hàng đầu: Phân loại HS

Hầu hết các giáo viên dạy các môn Khoa học xã hội đều cho rằng, phân loại HS là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Cô Hoàng Thu Hằng, giáo viên phụ trách môn Lịch sử, chia sẻ: “Phương pháp hiện tại tôi đang áp dụng đó là phân loại HS thành 3 cấp độ từ thấp đến cao. Cụ thể như sau: HS có học lực khá giỏi, HS có học lực trung bình - khá và HS yếu kém.

Với những HS có học lực khá giỏi và có nhu cầu thi ĐH, CĐ, chúng tôi sẽ mở rộng kiến thức cho các em, giao thêm các bài tập nâng cao bên cạnh các kiến thức cơ bản. Đối với những em có sức học trung bình - khá và HS yếu kém, tôi chỉ tập trung ôn lại kiến thức cơ bản cho các em ở các mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp để các em có thể đạt được mức điểm 5 – 6, đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, tôi cũng chú trọng vào việc động viên tinh thần các em, để các em có động lực phấn đấu học tập hơn nữa”.

Cùng quan điểm cần phải phân loại HS, cô giáo Đào Như Quỳnh, phụ trách môn Địa lý của 5 lớp khối 12 cho biết: “Với HS có nhu cầu thi ĐH, CĐ, chúng tôi sẽ cho các em làm đề và chữa riêng. Đối với các em HS yếu kém, chúng tôi sẽ có các phương pháp riêng, tập trung ôn kiến thức cơ bản. Riêng đối với môn Địa, tôi có định hướng sẽ dạy các em các kiến thức liên quan đến tài liệu duy nhất được mang vào phòng thi là Atlat, để các em nắm được kĩ năng làm bài dựa vào Atlat, qua đó sẽ đạt được số điểm theo yêu cầu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.