Môn học nào cũng cần hấp dẫn

GD&TĐ - Trường THPT Trần Phú (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) nổi lên là lá cờ đầu trong đổi mới trong dạy và học gắn với chủ động trong học tập, khích lệ sự sáng tạo trong học sinh. Thầy Bùi Tiến Lương - Tổ phó Tổ Toán - Tin, Trường THPT Trần Phú, đã nỗ lực làm mới hơn nữa, hay hơn nữa để môn Tin học thực sự hấp dẫn học sinh.

Thầy Lương trong giờ lên lớp cho HS khối 12.  Ảnh: Ngọc Dư
Thầy Lương trong giờ lên lớp cho HS khối 12. Ảnh: Ngọc Dư

Để môn học hấp dẫn hơn

Theo thầy giáo Bùi Tiến Lương, ý kiến của nhiều nhà sư phạm và nghiên cứu giáo dục, cần phải khắc phục ngay lối học thụ động “đọc - chép” đã hình thành trong nhà trường từ nhiều năm qua bằng phương pháp “Lấy học sinh làm trung tâm”, để khuyến khích học sinh tham gia một cách chủ động và tích cực thông qua việc cho học sinh thảo luận nhóm ngay trong lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Tin học là môn mới được đưa vào chương trình học chính khóa, nội dung kiến thức có nhiều bài khó và trừu tượng, nhưng làm sao vận dụng tốt phương pháp thảo luận nhóm để giảng dạy môn Tin học? Sẽ tổ chức như thế nào? Mục tiêu của bài là gì? Cách thực hiện ra sao?...

Vấn đề này đang đặt ra nhiều thử thách giáo viên cần phải nghiên cứu giải quyết. Chính vì thế thầy Lương cho rằng, cần phải có sự đổi mới trong phương pháp dạy - học, để môn học ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, có thế các em mới ham học và học giỏi.

Phương pháp thảo luận nhóm trong lớp học được lựa chọn, tạo môi trường học tập thuận lợi mà ở đó trí tuệ tập thể được phát huy cũng như vai trò hoạt động xã hội cá nhân được trải nghiệm. Thầy Lương cho rằng, tuy có rất nhiều phương pháp, mỗi phương pháp có tính ưu việt nhất định, song phương pháp hoạt động nhóm có nhiều hiệu quả trong việc giảng dạy bộ môn Tin học 12 vì nó đã phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của từng học sinh, đồng thời cũng khắc phục được tính rụt rè, nhút nhát, ngại đám đông.

Các bước tiến hành thảo luận nhóm, gồm: Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu của cuộc thảo luận nhóm; Thứ hai, xây dựng nội dung thảo luận; Thứ ba, xây dưng cấu trúc tiến trình thảo luận từng vấn đề; Thứ tư, dự kiến hệ thông câu hỏi nêu vấn đề và câu hỏi gợi mở sẽ được sử dụng trong quá trình thảo luận; Thứ năm, kế hoạch thảo luận cần thông báo cho học sinh biết trước. Phương pháp này giúp học sinh mổ xẻ được chi tiết của bài học rồi cùng nhau rút ra được các quan điểm chung và ý nghĩa của bài học nên sẽ khắc sâu hơn và nhớ lâu hơn.

Cách thức thảo luận nhóm

Để thực hiện tốt việc thảo luận nhóm, người giáo viên cần chia nội dung bài dạy thành những vấn đề nhỏ có liên kết với nhau; Chia lớp học thành nhiều nhóm nhỏ; Mỗi nhóm cử ra một nhóm trưởng và một thư ký; Giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, nhóm; Trong mỗi chủ đề thảo luận, nên thực hiện theo quy trình chung; Các sản phẩm được giới thiệu và trình bày trước nhóm, lớp; Bảo đảm yếu tố cạnh tranh và thi đua trong các nhóm; Bảo đảm yếu tố thông tin phản hồi từ các nhóm. Thực hiện thảo luận nhóm, GV cần đóng vai trò trọng tài, cố vấn, kiểm tra, kết luận, để sao cho thảo luận nhóm là nơi áp dụng và kiểm nghiệm tính đứng đắn của những phương pháp và phương thức giảng dạy và học tập có tính đặc thù của môn học, cũng như đối với phần, chương, mục của bài giảng.

Thầy Lương cho rằng, việc phân chia nhóm thường dựa trên: Số lượng học sinh của lớp học, đặc điểm học sinh và chủ đề bài học. Cách chia nhóm như thế nào là hợp lý: Có thể chia một tiêu chuẩn nào đó của bài học hay của giáo viên và cũng có thể hoàn toàn ngẫu nhiên hoặc có thể theo số điểm danh, theo giới tính, theo vị trí ngồi... Giáo viên giao câu hỏi cho từng nhóm (có thể chiếu lên máy, viết lên bảng phụ, viết vào giấy giao cho từng nhóm...) hướng dẫn học sinh cách thực hiện, phân bố thời gian hợp lý, giải đáp thắc mắc của học sinh trước khi chính thức đi vào hoạt động, đồng thời ghi lại chủ đề và chỉ dẫn lên bảng, máy chiếu hay thiết bị khác...

Trong một tiết dạy giáo viên có thể chọn một trong các cách chia nhóm sau đây: Chia nhóm nhỏ cùng thảo luận, với cách này giáo viên có thể chia theo chỗ ngồi 2 bàn quay lại thành một nhóm nhỏ (khoảng 6 - 8 học sinh) để thao luận về một khía cạnh xoay quanh một vấn đề nào đó. Chia nhóm theo tổ, nhóm này được xây dựng dựa trên các tổ đã được chia sẵn trên lớp để thảo luận các vấn đề giáo viên giao cho các nhóm. Chia nhóm theo sở thích, cách này thực hiện dựa trên việc các học sinh tự do lựa chọn để tạo thành một nhóm và giáo viên sẽ giao nhiệm vụ cho các nhóm thực hiện trong một thời gian nhất định (có thể quan sát, tìm hiểu một vấn đề nào đó), kết quả sẽ được đại diện của mỗi nhóm trình bày trong giờ học sau.

Có rất nhiều cách thức khác nhau để giáo viên có thể nâng cao hiệu quả của những tiết thảo luận. Nếu có tâm huyết, có trình độ, nắm chắc quy trình và có biện pháp tổ chức thảo luận hữu hiệu, người dạy có thể phát huy tối đa mặt tích cực của phương pháp thảo luận nhóm, như phát huy được tính tích cực, tự giác của người học. Tuy nhiên, phương pháp này thành công hay không còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị của giáo viên và học sinh. Nếu giáo viên chuẩn bị tốt, dự kiến được tình huống xảy ra và có những biện háp xử lý kịp thời cũng như có sự hợp tác từ học sinh thì phương pháp thảo luận nhóm sẽ mang lại kết quả cao - thầy Lương đặc biệt nhấn mạnh.

Nhiều năm nay, trường chúng tôi đã đẩy mạnh tinh thần đổi mới sáng tạo trong dạy và học, ở tất cả các bộ môn, vai trò của học sinh luôn là trung tâm. Lúc này, người thầy phải vừa dạy vừa hướng dẫn sao cho các em phát huy tốt nhất năng lực bản thân. Ở môn Tin học của thầy Lương, các thầy cô giáo đã thực hiện rất tốt điều đó, bằng phương pháp học nhóm các thầy cô đã thực sự khích lệ tinh thần ham học và học giỏi của học sinh, các em đến trường với lòng yêu thích môn học, đây là nền tảng căn bản và cũng là nội lực để thầy dạy hay, trò học tốt.   Thạc sĩ Vũ Khắc Tùng -  Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.