Giáo dục địa phương (GDĐP) - môn học không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn góp phần hình thành tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử bản địa. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại các trường học còn gặp không ít khó khăn.
Giúp trò thêm yêu quê hương
Trong Chương trình GDPT 2018, môn GDĐP được Bộ GD&ĐT giao cho các địa phương biên soạn tài liệu, kế hoạch giảng dạy sao cho phù hợp thực tế địa phương, vùng miền. Tại tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, nội dung biên soạn chương trình GDĐP bao gồm các vấn đề về văn hóa; lịch sử, truyền thống; địa lý, kinh tế, hướng nghiệp; chính trị - xã hội, môi trường tại địa phương.
Ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP dạy lồng ghép vào các môn học phù hợp với nội dung theo quy định từng lớp học, không đánh giá riêng. Ở cấp THCS, THPT, nội dung GDĐP được biên soạn theo bài học, chủ đề hoặc nhóm chủ đề, dạy 35 tiết/năm học và được kiểm tra, đánh giá như các môn học/hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018.
“Môn GDĐP được nhà trường bố trí 1 tiết/tuần/lớp, đồng thời lồng ghép vào 5 môn học khác. Mỗi bài học GDĐP bao gồm các phần: Khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng, được minh họa sinh động bằng nhiều hình ảnh, bản đồ, các nhân vật và sự kiện quan trọng của địa phương.
Qua đó truyền tải kiến thức cơ bản, giúp các em hiểu rõ hơn về vùng đất, con người Bạc Liêu, góp phần giáo dục học sinh về tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong tương lai”, thầy Trần Hồ Quốc Quân - Hiệu trưởng Trường THCS Giá Rai A (Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết.
Cô Nguyễn Hồng Thắm - giáo viên dạy Lịch sử tại Trường THCS Giá Rai A chia sẻ: Môn GDĐP không chỉ giúp học sinh phát triển tình yêu quê hương, đất nước, mà còn thúc đẩy năng lực tự học, giao tiếp, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Hơn nữa, môn học này giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn và thích ứng với cuộc sống, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển bền vững tại địa phương.
Ngoài bài giảng lý thú về địa phương trên lớp học, các trường học tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu còn tích hợp môn GDĐP vào các hoạt động trải nghiệm hằng năm. Đặc biệt là tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn hoặc tổ chức hoạt động thiện nguyện, làm sạch môi trường.
“Nhà trường thường tổ chức cho học sinh về nguồn, tham quan trải nghiệm gắn với từng sự kiện lịch sử, văn hóa đất nước, địa phương. Chẳng hạn, Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), học sinh đi tham quan một số di tích lịch sử, viếng nghĩa trang liệt sĩ hoặc thăm Mẹ Việt Nam anh hùng.
Gần đây nhất, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), trường cho học sinh tham quan khu trưng bày sáng kiến, cải tiến trang bị, kỹ thuật, hình ảnh, hiện vật của lực lượng vũ trang tỉnh qua các giai đoạn. Khi được tham quan thực tế, học sinh tỏ ra thích thú, hăng say, qua đó, giúp các em nắm vững kiến thức cơ bản về địa lý, văn hóa, lịch sử địa phương”, thầy Trần Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP Cà Mau, Cà Mau) thông tin.
Chia sẻ niềm yêu thích với môn GDĐP, Trần Kim Huỳnh - học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Giá Rai B (thị xã Giá Rai, Bạc Liêu) kể: Nhờ môn học này, em đã có cơ hội tham quan nhiều di tích lịch sử tại địa phương. Những chuyến tham quan giúp em hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc và thế hệ cha ông. Từ đó, Kim Huỳnh càng quyết tâm học tập chăm chỉ, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, tiếp nối truyền thống cha ông và đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Tháo gỡ khó khăn
Dù các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện dạy học môn GDĐP đủ số tiết theo quy định, phân công giáo viên giảng dạy các chủ đề phù hợp với năng lực và chuyên môn, kiểm tra, đánh giá, nhưng đến nay, việc tổ chức giảng dạy còn hạn chế. Hiện, các trường THPT trên địa bàn, giáo viên và học sinh chỉ có thể sử dụng tài liệu GDĐP dưới dạng bản PDF để giảng dạy và học tập do chưa có sách in.
Với cấp THCS, các trường thuộc đơn vị thụ hưởng Dự án THCS khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 (bao gồm thị xã Giá Rai và huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Đông Hải), tất cả học sinh được nhà trường cho mượn sách để học. Tuy nhiên, với những trường còn lại, giáo viên và học sinh vẫn sử dụng sách dưới dạng PDF vì sách in chưa được phát hành.
“Do không phải sách in nên một số hình ảnh không rõ đẹp, làm ảnh hưởng đến hứng thú học tập của học sinh. Mặt khác, giáo viên chưa được tập huấn nhiều về sử dụng sách môn học này nên còn lúng túng, phương pháp giảng dạy chưa lôi cuốn nên hiệu quả học tập của học sinh không cao.
Hiện, Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương án tổ chức in ấn, phát hành tài liệu để tổ chức thực hiện giảng dạy theo quy định. Ngoài ra, sở sẽ phối hợp với các đơn vị biên soạn tài liệu GDĐP tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng để giáo viên giảng dạy đạt kết quả tốt hơn”, ông Dương Hồng Tân - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Bạc Liêu chia sẻ.
Kết thúc chu kỳ triển khai Chương trình GDPT 2018, đến nay tỉnh Cà Mau đã hoàn thành biên soạn tài liệu GDĐP từ lớp 1 - 12, được Bộ GD&ĐT phê duyệt (chỉ còn tài liệu lớp 5 đang chỉnh sửa chờ phê duyệt). Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa in ấn tài liệu thành sách để phục vụ giảng dạy và học tập ở các điểm trường, việc dạy và học chủ yếu bằng file PDF.
“Xuất bản tài liệu GDĐP dưới dạng sách thời gian qua gặp nhiều khó khăn do liên quan đến bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giá, đấu thầu… và yêu cầu nguồn ngân sách lớn. Tuy nhiên, mới đây, UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện xã hội hóa, giao sở GD&ĐT phối hợp với đơn vị xuất bản tài liệu GDĐP, tiến hành thẩm định, in ấn và ban hành tài liệu dưới dạng sách. Điều này giúp các điểm trường giảng dạy, học tập môn GDĐP thời gian tới được thực hiện hiệu quả hơn”, ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, cho biết.
“Với em, GDĐP là môn học bổ ích và lý thú. Em không chỉ được tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức quan trọng về sự phát triển lịch sử, văn hóa, địa lý, kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn biết nơi mình sinh sống có những lễ hội, phong tục tập quán, di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, món đặc sản gì…
Từ sự am hiểu tường tận về văn hóa, lịch sử, đất và người Bạc Liêu giúp em thêm yêu quê hương và muốn được góp sức quảng bá về Bạc Liêu hào sảng, nhân ái, nghĩa tình đến bè bạn gần xa...”, Lý Ngọc Mai - học sinh lớp 9, Trường THCS Giá Rai A chia sẻ.