Thực hành nội dung Giáo dục địa phương qua trải nghiệm thực tế

GD&TĐ - Qua trải nghiệm thực tế, học sinh tự cảm nhận được giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương ngay tại nơi mình sinh ra để cụ thể hóa kiến thức đã học.

Học sinh khối 4-5 Trường Tiểu học Hải Thanh bước vào khuôn viên khu di tích lịch sử đền Thiên Biên, xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, Nam Định.
Học sinh khối 4-5 Trường Tiểu học Hải Thanh bước vào khuôn viên khu di tích lịch sử đền Thiên Biên, xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, Nam Định.

Ở Chương trình GDPT 2018, môn Lịch sử và Địa lí lớp 4-5 được biên soạn theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lí, xã hội; tích hợp giáo dục lịch sử, địa lí và một số nội dung văn hoá, xã hội; lồng ghép nội dung giáo dục địa phương, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn nhằm hình thành, phát triển ở học sinh năng lực đặc thù của môn học.

Muốn biết về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trước hết các em cần phải hiểu về lịch sử địa phương của mình sau đó mới mở rộng ra các vùng miền xung quanh. Đây là điểm mới trong việc phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh Tiểu học.

Hiểu được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương, Trường Tiểu học Hải Thanh (Hải Hậu, Nam Định) đã xây dựng kế hoạch dạy học môn Lịch sử và Địa lí gắn với giáo dục địa phương cho học sinh khối 4, 5 từ đầu năm học để góp phần lan tỏa giá trị văn hóa - lịch sử địa phương, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

thanh 4.jpg
Học sinh được lắng nghe về lịch sử ngôi đền Thiên Biên.

Tuần vừa qua, nhà trường đã tổ chức cho 212 em khối 4 và 5 học tiết Giáo dục Lịch sử địa phương thông qua hoạt động dã ngoại thăm quan trải nghiệm thực tế tại Di tích lịch sử đền - chùa Thiên Biên thuộc xóm Xướng Cau, xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Tại đây, ông Vũ Văn Cải - Phó Ban trị sự Đền Thiên Biên kể cho các em nghe về sự tích của Đền và quá trình quai đê lấn biển của ông cha ta từ thuở khai thiên mở đất lập làng, lịch sử hình thành tên xã, tên làng. Lịch sử hình thành di tích của Đền Thiên Biên thuộc thôn Hà Nam, xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu.

Mảnh đất Hải Thanh là khu vực Cồn Quay được hình thành trong quá trình quai đê lấn biển tạo lập làng xã bắt đầu từ đời vua Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận thứ ba (1511). Đến năm Đồng Khánh thứ ba (1888), huyện Hải Hậu được thành lập gồm 4 tổng, di tích đền chùa Thiên Biên thuộc thôn Phúc Tự, xã Hà Lạn, thuộc tổng Kiên Trung.

thanh 3.jpg
Lịch sử địa phương được các em khám phá qua trải nghiệm thực tế.

Đền Thiên Biên có lịch sử 350 năm có tên Thiên Biên Cổ Tự. Đây là quần thể công trình kiến trúc cổ gồm chùa Thiên Biên và đền thờ Đức Quốc Vương Triệu Quang Phục (tức Triệu Việt Vương) được xây dựng từ đầu thế kỉ 17 mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa linh thiêng gắn liền với cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Các em được hiểu thêm về lịch sử Đức vua Triệu Việt Vương - người có công lớn với đất nước đánh đuổi giặc Lương xâm lược. Tại đây có bức tượng Triệu Việt Vương khổng lồ bằng đồng nặng 1.111 kg, quả chuông Đại Hồng Chung nặng 500 kg, dàn trống hội với 25 quả trống cỡ lớn cùng hai cây Gạo, cây Thị được công nhận là Cây di sản văn hóa...

Em Vũ Duy Dương - học sinh lớp 5A Trường Tiểu học Hải Thanh bày tỏ niềm vui, xúc động qua tiết học trải nghiệm. Các em hiểu rõ hơn về lịch sử ngôi đền Thiên Biên, quá trình xây dựng hình thành của quê hương yêu dấu. Bằng sự tri ân tới các bậc tiền nhân, các em sẽ có ý thức học tập, giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của địa phương.

thanh 2.jpg
Cô trò cùng chụp ảnh tại Cây Gạo Di sản của Đền Thiên Biên.

"Chuyến thăm quan Đền Thiên Biên không chỉ là một buổi dã ngoại thông thường mà còn là một hoạt động đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học Lịch sử và Địa lí. Việc đưa học sinh đến tận nơi di tích lịch sử đã giúp các em có những trải nghiệm thực tế sinh động, khắc sâu kiến thức đã học trên lớp. Qua đó, môn Lịch sử và Địa lí trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong mỗi học sinh", cô Nguyễn Thị Kim Thoa - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Thanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Đường đến thành công

GD&TĐ - Dưới cái nắng như thiêu đốt mặt đất, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Zhou Quan và Meng Lu rời khỏi vùng núi hẻo lánh của huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.