Theo tập quán cư trú, trước sân nhà của người dân quê miền Tây Nam bộ thường có hàng rào đơn sơ bằng tre. Nhiều người bình dân đùa rằng: hàng rào là để rào người ngay thôi, và tất nhiên cũng để tận dụng trồng ít dây mướp, dây khổ qua hay tỉa vài chục gốc đậu đũa … nhằm “dự trữ” sẵn thứ trái đậu đũa để chế biến những món ăn ngon, vừa khỏi tốn tiền mua, khi cần là có sẵn.
Đậu đũa là cây dây leo, cứ sa mưa người ta tỉa hạt rồi lấp đất lại. Ít lâu sau dây đậu mọc khỏe, bám theo những nhánh tre trên bờ rào rồi trổ hoa, kết quả. Trái đậu đũa thường mọc thành từng cặp song song. Có lẽ dựa vào hình ảnh mà người miền Tây gọi tên loại đậu này như vậy. Nhìn nó không khác gì đôi đũa ăn cơm.
Đậu đũa leo bờ rào.
Đậu non trái có màu xanh sậm rồi nhạt dần khi lớn. Đậu đũa vừa tầm ăn, hái về rửa sạch rồi chế biến nhiều món ăn ngon nên rất đưa cơm. Đơn giản nhất là khi cơm sôi, chắt nước xong người ta khoanh đậu đũa theo vòng tròn trong nồi rồi đậy nắp kín lại để hấp. Cơm chín, đậu hấp cơm cũng chín, đem ra ăn chấm với muối tiêu, sang hơn thì chấm với cá kho, mắm kho, … Đậu đũa hấp cơm ăn rất ngọt vị bởi gần như các tinh chất của nó đều được giữ lại.
Đậu đũa cũng có thể lặt thành những đoạn ngắn cỡ ngón tay để xào với tóp mỡ hay tép bạc, lòng gà, vịt, … Đậu rửa sạch để ráo, bắc chảo lên bếp phi tỏi mỡ cho thơm rồi trút đậu vào xào. Có người muốn ăn mềm thì chờ đậu thật chín, có người muốn ăn giòn, cọng đậu còn cứng thì nêm nếm sớm hơn khi đậu vừa ngả màu. Nếu có thực phẩm xào kèm thì người ta xao tép, thịt trước, sau đó trút đậu vào.
Món đậu đũa xào.
Đậu đũa xào cũng có mặt trong các món cúng cơm người đã khuất, … Cũng có người dùng đậu đũa để nhúng vào mắm kho cùng với các loại rau đồng mọc hoang khác.
Mới hay một loài cây quen thuộc, với trí tuệ tuyệt vời và cách tận dụng tối đa, người dân quê đã làm cho đời sống của mình thêm phong phú bởi những món ăn ngon chế biến từ trái đậu đũa quanh vườn nhà.