Môi trường giáo dục thân thiện từ bàn tay người thầy

GD&TĐ - Một trong những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh chất lượng giáo dục chính là tạo ra một môi trường thân thiện, cởi mở và chân thành.

Mô hình lớp học cùng thiên nhiên ở Trường THCS Lê Hồng Phong – TP Huế.
Mô hình lớp học cùng thiên nhiên ở Trường THCS Lê Hồng Phong – TP Huế.

Môi trường giáo dục là quang cảnh, không gian, không khí, mối quan hệ... trong mỗi trường học.

Đầu tư không gian xanh, sạch, sáng

Trước hết, môi trường giáo dục thân thiện là trường học có không gian xanh, sạch, sáng. Chính mỗi góc cây, tán lá xanh tươi che bóng mát sẽ đem đến cho học sinh cảm giác thoải mái và dễ chịu khi đến trường, đến lớp. Các em có không gian để sinh hoạt tập thể, để vui chơi thỏa thích giữa và sau những tiết học...

Hiện nay, rất nhiều trường học tùy theo địa thế, địa điểm, diện tích, khuôn viên trường để thiết kế những vườn hoa, cây cảnh, trồng cây xanh che mát. Đến Trường THCS Lê Hồng Phong ở địa chỉ 214B Lý Nam Đế (TP Huế) có cảm giác như được trở về với không gian xanh hài hòa, dịu mát. Với diện tích 11.371m2, bao quanh là hệ thống cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ, sân trường, lối đi, phòng học… được sắp xếp, bố trí trong một tổng thể hài hòa, hợp lý.

Đặc biệt từ năm 2011, trường đã đầu tư hơn 250 triệu đồng để xây dựng 2 lớp học cùng thiên nhiên. Lớp học nằm giữa một khoảng không gian thoáng đãng, chung quanh được bao bọc bởi hệ thống cây xanh, cây cảnh, hòn non bộ… 7 năm qua, mô hình lớp học này ở Trường THCS Lê Hồng Phong đã tạo hứng thú, lôi cuốn cả người dạy, người học. Em Ngọc Ánh, cựu học sinh của trường chia sẻ: “Dù đã xa trường 3 năm nhưng những tiết học thú vị tại lớp học cùng thiên nhiên ở trường Lê Hồng Phong vẫn để lại ấn tượng trong em. Em cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng khi được cùng các bạn và thầy cô trao đổi bài vở ngay giữa thiên nhiên”.

Còn ở Trường THCS Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), từ cổng đi vào, phía bên trái sân trường là khoảng không gian thơ mộng. Ở đó có 6 chiếc bàn và 12 chiếc ghế bằng đá đặt cố định để HS ngồi đọc sách, trao đổi bài vở giờ ra chơi hoặc sau giờ học, những buổi sinh hoạt tập thể. Cô giáo Mai Thị Lệ Chinh - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mỗi ngày đều có 2 lớp tham gia lao động làm vệ sinh từ trong sân trường ra đến trước cổng. Nhờ thế, khuôn viên trường lớp luôn sạch đẹp, các ghế đá được lau chùi thường xuyên nên HS luôn tìm đến đây để đọc sách, chuyện trò ngoài giờ học…”. 

Một buổi sinh hoạt của CLB âm nhạc Trường THCS Điền Hải (Thừa Thiên - Huế).
Một buổi sinh hoạt của CLB âm nhạc Trường THCS Điền Hải (Thừa Thiên - Huế).

Xây dựng mối quan hệ thân thiện, cởi mở

Để HS mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui thì mỗi trường cần chú ý xây dựng, tạo lập nên mối quan hệ thân thiện, tích cực. Thầy cô, trong cách giáo dục học sinh phải vừa nghiêm khắc nhưng đồng thời vừa dịu dàng, nhân ái, bao dung. Lời nói, việc làm đều phải mang tính chuẩn mực, mô phạm thể hiện sự tin tưởng, quan tâm và tôn trọng các em.

Thầy cô phải luôn tạo ra mối quan hệ cởi mở, gần gũi để các em cảm thấy an tâm khi muốn sẻ chia. Chính sự thân thiện của người thầy là động lực lớn để các em vượt qua những mặc cảm về hoàn cảnh, về khuyết tật, về năng lực hạn chế của bản thân để không cảm thấy bị áp lực khi đến trường. Thầy Ngô Công Tấn – giáo viên tổng phụ trách Đội Trường THCS Lộc An (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cho rằng: “Thầy cô phải thật sự gần gũi với các em, xem các em như người thân trong gia đình mình, tạo cơ hội cho các em tâm sự, rồi biết lắng nghe, tiếp cận và cùng chia sẻ với các em. Có như thế các em mới thấy an tâm, ấp áp, thân thiện khi đến trường, khi bên thầy cô mỗi ngày”. Là người tổng phụ trách, thầy Tấn luôn gần gũi với các em. Mỗi khi tổ chức các phong trào, hoạt động Đội, thầy luôn lắng nghe ý kiến HS, để các đội viên tham gia với tư cách là người làm chủ. Thông qua các các phong trào như Câu lạc bộ sáng tác thơ văn, Hội thi viết thư pháp Tôn sư trọng đạo… được duy trì ở Liên đội Lộc An… thầy trò càng hiểu nhau hơn.

Sự ân cần, luôn biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ kịp thời có tác dụng khuyến khích, động viên, tiếp thêm sức mạnh để các em khắc phục thiếu sót, phát huy, khơi dậy tiềm năng, sự sáng tạo trong học tập và trong các hoạt động. Là giáo viên có kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm ở Trường THPT Nguyễn Trường Tộ - TP Huế, cô Nguyễn Hữu Như Huyền luôn tìm hiểu kỹ hoàn cảnh HS mỗi khi nhận lớp để có phương pháp giáo dục cụ thể cho từng em. Đặc biệt, năm nào cũng vậy, cô Huyền luôn khởi xướng và tổ chức cho hơn 100 HS trong trường tham gia đi nhặt rác, làm sạch vệ sinh dọc bờ sông Hương…

Để có môi trường thân thiện trong chốn học đường cũng cần đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa học sinh với HS. Nhà trường, từ Ban giám hiệu đến đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và thầy cô bộ môn cần phối kết hợp chặt chẽ để giáo dục ý thức tôn trọng, bình đẳng với bạn ngay trong ý nghĩ, quan niệm của các em. Những bài học về đạo lý làm người, về tình thương nhân loại đừng bao giờ xem nhẹ. Nó phải được lồng ghép vào trong từng bài giảng bộ môn xã hội, trong giờ sinh hoạt tập thể, buổi chào cờ đầu tuần... 

Học sinh Trường Quốc Học Huế làm sạch đẹp không gian trường lớp.
Học sinh Trường Quốc Học Huế làm sạch đẹp không gian trường lớp.

Tạo ra những sân chơi học đường

Những năm qua nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức và duy trì đều đặn nhiều hình thức hoạt động, các câu lạc bộ ngoài giờ thu hút học sinh tham gia.

Năm học 2020 – 2021 Đoàn Trường THPT chuyên Quốc Học Huế có 22 câu lạc bộ (CLB) đang sinh hoạt được chia làm 3 nhóm: CLB liên quan đến thể thao, CLB liên quan đến nghệ thuật và CLB liên quan đến các kĩ năng. Cô Dương Thị Quỳnh Châu, Bí thư Đoàn trường cho biết: “Các CLB như Human of Quốc Học; Âm nhạc; Sân khấu điện ảnh; Tranh biện; Cầu lông… hoạt động mạnh. Các CLB chủ yếu sinh hoạt vào chiều thứ 5. Đây là những sân chơi bổ ích, vừa giải trí vừa rèn luyện thể chất, tinh thần và cả các kĩ năng cần thiết cho tuổi trẻ”.

Trường THPT Phong Điền thì duy trì đều đặn chương trình phát thanh giữa giờ; Đoàn Trường THPT Trần Văn Kỷ tổ chức cuộc thi “Review cuốn sách em yêu  thích” đều đặn hằng tuần, thu hút nhiều đoàn viên thanh niên tham gia nhằm khích lệ phong trào đọc sách trong bạn trẻ hiện nay.

Mang âm nhạc đến với học sinh để bồi đắp tâm hồn, tình yêu cuộc sống trong mỗi bạn trẻ là cách giáo dục bổ ích, thiết thực. Với mục đích tạo ra sân chơi và phát triển năng khiếu về âm nhạc nghệ thuật, CLB âm nhạc Trường THCS Điền Hải (huyện Phong Điền) được thành lập vào năm 2018 và duy trì sinh hoạt đều đặn với nhiều hình thức khác nhau. Thầy Cao Hữu Lý, giáo viên dạy nhạc, chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Ở một trường nơi vùng cát sóng gió, điều kiện khó khăn, nhưng bằng niềm đam mê và niềm khao khát nâng cánh ươm mầm cho những em có năng khiếu ca hát, thầy trò chúng tôi quyết tâm thành lập CLB âm nhạc. CLB âm nhạc luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, anh chị em đồng nghiệp và quý vị phụ huynh. Đây là sân chơi có ý nghĩa thiết thực, tạo ra bầu không khí vui tươi, giúp các em thư giãn giữa một ngôi trường nơi miền quê còn nhiều thiếu thốn”.

Thiết nghĩ, đa dạng hóa hình thức xây dựng môi trường tốt đẹp trong trường học tạo ra không gian văn hóa trong lành góp phần giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.