Bên cạnh số lượng độc giả có nhu cầu ngày càng cao, thì vấn đề về nội dung và hình thức của sách cũng được đầu tư hơn. Hy vọng với những đầu sách có chất lượng, sẽ mang đến cho tuổi mới lớn một môi trường văn hóa đọc thân thiện.
Gỡ rối doanh thu cho các nhà làm sách
Hiện nay, người ta nói nhiều đến văn hóa đọc và lo ngại việc giới trẻ chú tâm nhiều đến màn hình phẳng, với công nghệ của iPhone, iPad mà thờ ơ với các ấn phẩm sách.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các bạn trẻ vẫn rất gắn bó với những trang sách khi mà ở đó họ tìm thấy sự đồng điệu trong tâm hồn - những lăng kính nhìn cuộc sống một cách gần gũi như chính cuộc sống của họ.
Nhiều nhà văn đã mang đến cho các bạn những khoảng trời bình yên, những ký ức học trò thân thiện đáng nhớ. Những cái tên như Nguyễn Nhật Ánh, Iris Cao, Anh Khang, Phan Hồn Nhiên, Hoàng Anh Tú, Phan Ý Yên đã trở nên thân quen với các độc giả trẻ. Đặc biệt năm 2014, đạo diễn Lê Hoàng cũng cho ra mắt tiểu thuyết “Sao thầy mãi không teen teen” với 10.000 bản in ngay lần đầu thu hút sự chú ý của những người quan tâm.
Có thể nói, tác giả Nguyễn Nhật Ánh, là cái tên thân thuộc nhất đối với những bạn đọc trẻ. Các truyện ngắn và các tập truyện dành cho tuổi teen của ông đã được phát hành, truyền thông rộng rãi.
Truyện dành cho tuổi ô mai của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được quan tâm hàng đầu bởi độc giả lứa tuổi này, với việc quyển “Lá nằm trên lá”. Tác phẩm vừa xuất bản 13.000 quyển đã tái bản ngay trong ngày với số lượng 10.000 quyển.
Ngay sau đó là tập truyện đôi “Khúc tự tình”, bao gồm 9 cặp truyện đôi của các tác giả đang được giới trẻ yêu thích hiện nay đã liên tục nhiều tháng đứng đầu trên bảng xếp hạng của các kênh truyền hình và các diễn đàn về tác phẩm văn học được bán chạy nhất dành cho giới trẻ.
Ngày đầu tháng ba của năm 2015, Nguyễn Nhật Ánh đã xông đất đầu năm với truyện ngắn “Bảy bước tới mùa hè” được dự đoán sẽ gây bão trong năm nay.
Vai trò của các nhà làm sách
Tuy nhiên, dù cho có sự “bùng nổ” về mặt số lượng, sách cho tuổi teen thì nội dung sách hiện nay cũng chưa thật sự phong phú. Nguyên do là, để chạy theo thị hiếu giản đơn, nhiều tác phẩm viết cho tuổi teen hầu hết chủ yếu tập trung khai thác các khía cạnh về rung động tuổi mới lớn, về tình yêu nam nữ...
Những tác phẩm với những nội dung thực sự lành mạnh như của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, Phan Hồn Nhiên, hay Hoàng Anh Tú cũng chưa nhiều. Vì vậy các nhà làm sách hiện nay vẫn có thiên hướng đến với sách dịch của nước ngoài với các cây bút trẻ.
Đặc biệt một trào lưu mới đang được xã hội nhìn nhận đó là: Khá nhiều cuốn sách đã được chắt lọc từ các bài viết trên mạng xã hội. Nhiều tác giả trẻ được học trò quan tâm hiện nay đều xuất phát từ các “Facebooker” hay “blogger”.
Các tác phẩm này, chủ yếu thể hiện đời sống tâm tư của giới trẻ trong xã hội hiện đại. Song để chọn được những tác phẩm trên mạng xã hội có giá trị để đưa vào cuộc sống, đòi hỏi những nhà làm sách không chỉ có năng lực mà cần có cái tâm khi lựa chọn.
Một độc giả trên diễn đàn có nick “Sách là bạn” đã chia sẻ: “Là một độc giả ở lứa tuổi học sinh, mình nhận thấy thời gian gần đây rất nhiều sách gắn mác dành cho tuổi teen tuy nhiên chủ yếu lại đề cập tới tình yêu nam nữ. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều tới tâm hồn cũng như cách suy nghĩ của giới trẻ”.
Bởi vậy việc lựa chọn sách để in ấn cho lứa tuổi này cần có những tiêu chí cụ thể. Quan trọng là, không để xuất hiện những ấn phẩm độc hại, chủ yếu chạy theo thị hiếu tầm thường tác động xấu đến nhân cách độc giả.