Mối tình kỹ nữ và quân vương

GD&TĐ - Khoảng năm 1097, đời vua Bắc Tống Huy Tông (1100 - 1125) Triệu Cát, có một gia đình thợ nhuộm họ Vương ở Kinh thành Biện Kinh sinh hạ được một bé gái kháu khỉnh.

Lý Sư Sư là nhân vật truyền kỳ, nên cuộc đời nàng có nhiều dị bản.
Lý Sư Sư là nhân vật truyền kỳ, nên cuộc đời nàng có nhiều dị bản.

Vừa ra đời, bé đã mất mẹ, người cha phải cố gắng vô cùng mới nuôi được em một thời gian, sau đó mang vào chùa gửi cho các nhà tu hành chăm sóc hộ. 

Đóa hoa hút hồn quân vương

Càng lớn em bé càng xinh và ngoan, cha em mỗi khi đến thăm, có thể ngồi hàng giờ để ngắm và nựng con. Trong chùa ai cũng thương mến em bé. Một lần em khóc mãi không nín, nhưng khi nhà sư trụ trì xoa vào đầu em thì em nín và mỉm cười vui vẻ, thế rồi người cha bèn đặt tên cho con là Sư Sư.

Vừa tròn 4 tuổi, Sư Sư mất cha, ông phạm trọng tội - vô ý giết người nhưng vẫn bị xử tử. Sợ bị liên lụy, nhà chùa liền gửi Sư Sư vào kỹ viện ở phường Trấn An của Lý Lão bà.

Bà Lý đang làm chủ kỹ viện nhưng không phải là người độc ác, thấy hoàn cảnh Sư Sư đáng thương liền nhận nuôi và cho Sư Sư theo họ Lý của bà. Bà cho người dạy dỗ, quan tâm phát triển các năng khiếu cầm, kỳ, thi, họa, ca múa cho Sư Sư. Năm 16 tuổi nàng đẹp như vầng trăng, mắt ướt đa tình, lông mày mịn màng, tiếng nói dịu dàng, khoan nhặt như giọng hát nho nhỏ.

Nhiều khách đến kỹ viện chỉ vì mục đích chiêm ngưỡng nàng, nàng lại được bà Lý cho phép chỉ nói chuyện, tiếp xúc gần gũi với người nào mà nàng thích nên đa số khách chỉ chiêm ngưỡng từ đằng xa. Có một hiệp khách đến quán sau khi nghe Sư Sư đàn, hát đã tặng Sư Sư hẳn 15 lạng bạc và một bài thơ ngắn:

“Hoa trà mi hé nở.

Đẹp thơm dưới trăng tròn.

Buồn vì đời bão tố

Hoa héo, còn mãi hồn...”.

Thực ra, ông hiểu rằng, số Sư Sư kết cục không đẹp ngoài chuyện phải gánh nợ cho cha còn vì da nàng trắng mịn màng mềm quá, tóc mai có đôi chỗ xâm lấn vào trán, dáng đi nhẹ nhàng nhưng chòng chành... thể hiện phận mỏng, bạc. Tặng quà cho người mình hâm mộ xong, đi ra cửa một đoạn ông mới lặng lẽ ứa 2 giọt mắt thương cảm.

Một thời gian sau, được sự dẫn dắt của hoạn quan Trương Dịch, vua Tống Huy Tông liền tìm đến kỹ viện của bà Lý dưới cái vỏ là thương gia Triệt Ất. Trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê như ăn nhẹ, tắm rửa, uống rượu khai vị... tại nhiều phòng khác nhau, cuối cùng vua Tống mới gặp được người đẹp.

Tưởng vua là lái buôn nên Sư Sư trong bụng hơi khinh thường nhưng trước sự mến mộ của khách nên Sư Sư lịch sự đáp lại.

Vua lặng lẽ quan sát mỹ nhân, Sư Sư diện bộ trang phục lụa màu trắng, áo có thêu hoa cân đối, giản dị, không trang điểm cầu kỳ phấn son, nhưng nàng xinh xắn, duyên dáng như đóa hoa sen trắng vừa nhẹ nhàng vươn mình khỏi mặt nước hồ, thần thái hơi lạnh lùng, kiêu sa và có chút bí hiểm… khiến vị vua phải bần thần, ngẩn ngơ. Sư Sư cúi chào vua lần nữa, rồi lướt năm đầu ngón tay trên cây đàn cũ, dạo khúc “Bình sa lạc nhạn”.

Vua cứ ngồi yên tán thưởng mà không nói vì sợ tan mất không khí và cả con người kỳ diệu như vưu vật của trời đất đó, vua ra hiệu xin nghe thêm. Nàng chiều ý, đàn mấy bản nữa, tới lúc trời tang tảng sáng, vua Tống tặng rất nhiều lễ vật rồi tạm biệt.

Mỹ nhân theo lãng tử

Tin tức về vua Tống ngự giá thăm Lý Sư Sư cũng dần bay đến tai bà Lý và mọi người nhỏ to bàn luận khiến cho bà Lý lo lắng, nhưng Sư Sư lại cho rằng vua cố tình đến với mình nên cứ vô tư.

Mấy tháng sau, vua sai nội thị mang một cây đàn quý đến tặng cho Lý Sư Sư khiến nàng xúc động tâm can. Cuối cùng Huy Tông Triệu Cát chính thức thăm kỹ viện thật, lần này bà Lý trang hoàng lộng lẫy, mời đầu bếp giỏi đến nấu nướng tiếp đãi.

Nghe đàn, vua vẫn si mê Sư Sư nhưng thấy trang hoàng và ăn uống cố giống cung đình nên giảm mất hứng thú. Lần ấy khi về cung, Trịnh hoàng hậu lựa lời can vua không nên đến kỹ viện ban đêm dễ gặp họa vì thời đó quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc bắt đầu hoạt động, cử người đi khắp nơi chiêu mộ nghĩa sĩ chống triều đình.

Vua Tống tán thành ý kiến hoàng hậu và nhiều năm không đến kỹ viện nữa, chỉ gửi quà biếu Sư Sư. Là một người đa tài, vua Tống khi nhớ Sư Sư thường làm thơ, vẽ nàng cho khuây khỏa. Một hôm, vua hứng khởi lại đến kỹ viện, lần này ông sủng hạnh Sư Sư.

Dù phi tần trong hậu cung của Huy Tông nhiều như lá cây, ngoài hoàng hậu, cửu tần, 27 thê phụ, 81 ngự thiếp, còn có hàng ngàn mỹ nữ như hoa tươi ở trong cung cấm chờ vua qua đêm mỗi ngày nhưng vua chỉ nhớ đến Sư Sư.

Sau lần ấy, vua lệnh cho người đào hầm ngầm bí mật từ gần cung cấm đến tận chỗ kỹ viện để thỉnh thoảng đến ân ái với Sư Sư hoặc vua cải trang đi kiệu nhỏ tới chỗ người tình.

Quan hệ Sư Sư và Huy Tông gần gũi đến nỗi khi trại chủ Lương Sơn Bạc là Tống Giang muốn hàng nhà Tống đã cử Đới Tôn, Yến Thanh đến gặp Sư Sư để nhờ cậy. Lãng tử Yến Thanh vừa gặp Sư Sư và do cùng tâm đầu ý hợp, hai người lập tức có tình ý với nhau.

Với biệt hiệu Lãng tử, Yến Thanh không chỉ là người hào hoa phong nhã, vóc dáng khôi ngô tuấn tú, mà còn là nghĩa sĩ thuần thục võ nghệ siêu quần, có tài bắn cung cưỡi ngựa, biết làm thơ, thổi sáo, kết giao rộng rãi… Yến Thanh còn nổi tiếng trong giới tài tử vì trên lưng có hình xăm hoa sen đẹp, sống động, khiến nhiều người hâm mộ mong có dịp chiêm ngưỡng…

Khi gần gũi nhau, được thấy hình xăm, người có chất nghệ sĩ như Lý Sư Sư cũng trào dâng xúc động. Theo tiểu sử, Yến Thanh sinh ra tại Đại Danh Phủ (Bắc Kinh), sớm mồ côi cha mẹ, được viên ngoại Lư Tuấn Nghĩa nhận làm gia nhân thân tín, coi như con đẻ.

Yến Thanh được Lư Tuấn Nghĩa dạy võ công, cả quyền thuật lẫn thập bát ban võ nghệ, đặc biệt còn luyện được môn đấu vật với nhiều tuyệt kỹ. Nhờ tài đấu vật kết hợp quyền cước, Yến Thanh đã nhiều lần đem lại thương hiệu, thanh thế nghĩa quân Lương Sơn Bạc.

Ví dụ lần Yến Thanh thượng đài đánh gục tên “Kình Thiên Trụ” Nhâm Nguyên, hay ông từng hạ gục tên lưu manh vô lại Cao Cầu hồi chưa nắm chức Thái úy. Còn Lý Sư Sư không chỉ có vẻ đẹp bất phàm, mà còn là một phụ nữ giỏi cầm, kì, thi, họa, thông minh, lịch duyệt, biết nâng thủ pháp pha trà, uống trà thành nghệ thuật thanh lịch.

Sự an bài của duyên phận đã cho cặp trai tài gái sắc gặp nhau với mối tình sâu sắc chôn giấu trong tim. Dù Yến Thanh kém tuổi Lý Sư Sư 5 - 6 tuổi, nhưng có hề chi, bởi tiếng sáo hòa tiếng đàn tri âm đã làm hai con người đó thuộc về nhau, mặc cho định mệnh nghiệt ngã không cho 2 người nên duyên vợ chồng.

Lần gặp cuối cùng, Yến Thanh thổi sáo rất lâu, Sư Sư họa đàn và hát… cứ thế không dứt. Biết cục diện sắp tàn vì quân Kim đe dọa chiếm giang sơn nhà Tống, Lương Sơn Bạc chỉ biết nghe Tống Giang đầu hàng triều đình, Yến Thanh rủ Sư Sư đi trốn cùng nhưng nàng không nghe.

Khi quân Kim tấn công Tống, (lúc này Huy Tông đã làm Thượng Hoàng) Sư Sư mang toàn bộ gia sản bán để thưởng cho quân Tống do Lý Cương chỉ huy, nhưng quân Kim mạnh hơn, cuối cùng đã vào được Biện Kinh bắt được Lý Sư Sư. Lý Sư Sư rút trâm vàng đâm vào cổ họng tự vẫn nhưng không chết.

Nàng rút trâm ra rồi nuốt vào bụng giãy giụa một lúc rồi mất. Lúc này, cha con Huy Tông đang lánh nạn lên phía Bắc nghe tin Huy Tông bàng hoàng khóc không thành tiếng. Năm đó, Sư Sư chưa đầy 30 tuổi (1125).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ