Mối nguy từ giá đỗ không chân

GD&TĐ - Việc sử dụng chất cấm để kích thích trong quá trình làm giá đỗ gần như có ở khắp nơi.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Công an thành phố Quảng Ngãi vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chủ nhân của hai cơ sở sản xuất làm giá đỗ bằng hóa chất ở phường Nghĩa Chánh. Hai bị can bị khởi tố gồm Vũ Văn Tuấn (29 tuổi) và Đào Văn Lập (35 tuổi), cùng cư ngụ tại TP Quảng Ngãi về hành vi “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.

Đáng lưu ý là, mới hồi đầu năm 2024 này, hai cơ sở nói trên cũng vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, cụ thể là sử dụng hóa chất ngoài danh mục được phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Công an tỉnh Quảng Ngãi xử phạt mỗi cơ sở 40 triệu đồng, đình chỉ sản xuất 2 tháng. Thế nhưng, vừa hết thời hạn đình chỉ, cả hai lại tiếp tục vi phạm cùng một hành vi như từng bị phạt trước đó.

Tháng 12/2023, Công an Đà Nẵng cũng đã phát hiện ba cơ sở sản xuất giá đỗ có sử dụng chất cấm. Mới đây nhất, hôm 23/9, Công an Đồng Nai đã bắt một cơ sở sản xuất giá đỗ có sử dụng hóa chất tại TP Biên Hòa. Nhìn hàng chục thùng, thau, bao đựng giá chưa kịp mang đi tiêu thụ mà kinh!

Việc sử dụng chất cấm để kích thích trong quá trình làm giá đỗ gần như có ở khắp nơi. Công an và cơ quan kiểm dịch an toàn thực phẩm đã phá nhiều vụ nhưng gần như dẹp chỗ này thì mọc lên chỗ khác. Vừa hết thời gian cấm sản xuất là tái phạm ngay, như hai trường hợp ở Quảng Ngãi.

Loại giá đỗ được làm bằng chất kích thích này có thân ngắn, “mập”, đặc biệt là không có rễ, nên được gọi là “giá đỗ không chân”. Giá đỗ thường được ăn sống kèm các loại rau trong các bữa ăn, nhiều quán bánh xèo cũng hay sử dụng giá đỗ khi làm bánh. Đặc biệt, các quán phở là hay dùng loại giá đỗ nhất, thay cho rau xanh.

Loại “giá đỗ không chân” này trông rất bắt mắt nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng nếu không biết chúng được sản xuất bằng hóa chất kích thích.

Từ bao đời nay, người dân vẫn dùng giá đỗ như một loại thực phẩm quen thuộc, vừa rẻ và ngon. Trước đây, cư dân ven các con sông ở miền Trung, nơi có nhiều bãi cát, người ta hay làm giá đỗ theo cách làm truyền thống. Ra bãi sông và moi cát lên, đổ đậu xanh vào rồi lấp lại.

Đậu nhờ hơi ẩm của nước sông thẩm thấu vào và nẩy mầm thành giá. Những người phụ nữ chỉ việc ra moi lên, rửa cho trôi lớp cát và mang ra chợ bán. Giá đỗ làm theo cách này thường thì có thân dài, mềm nhưng sạch tuyệt đối nên người tiêu dùng hoàn toàn không lo ngại gì về việc ô nhiễm từ các loại hóa chất.

Mấy năm nay, nhiều người hám lợi, muốn làm giá theo kiểu “thần tốc”, lại trông bắt mắt, tiêu thụ mạnh nên họ dùng hóa chất như một “công cụ hỗ trợ” để kiếm lời mà quên rằng, đó chính là đi gieo rắc bệnh tật cho đồng bào mình. Khi ăn loại giá đỗ làm bằng hóa chất trong thời gian dài, nếu không bị ngộ độc cấp tính thì cũng tiềm ẩn nguy cơ ung thư.

Có lẽ cơ quan chức năng cần mạnh tay trong việc xử lý những người gieo rắc bệnh tật cho cộng đồng bằng việc làm giá đỗ thất đức này chứ phạt rồi đình chỉ một thời gian như cách làm lâu nay là không diệt tận gốc được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Israel đối mặt với nguy cơ lớn nếu Hezbollah thực sự sở hữu tên lửa Onyx.

Đến lượt Hezbollah phản công

GD&TĐ - Theo Times of Israel, Hezbollah tại Lebanon quyết tâm phản công nhằm vào nhiều mục tiêu của Israel làm dấy lên nguy cơ xung đột toàn diện.

Minh họa/INT

Cuộc chiến truyền thông

GD&TĐ - Bất chấp các cuộc thăm dò giai đoạn tiền bỏ phiếu thì kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới đây vẫn là một ẩn số khó đoán định.