Tuy nhiên, chỉ riêng gia đình đảm nhiệm chức năng giáo dục đạo đức nhân cách, tri thức thì không đủ. Một con người hoàn thiện chỉ được tạo khi có sự kết hợp hài hòa của giáo dục gia đình – nhà trường – xã hội.
Ngôi trường đầu đời giáo dục nhân cách
Theo GS Đinh Quang Báo (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội): Gia đình là nơi con người được sinh ra, mọi người cùng nhau sinh sống, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau. Nhân cách con người được hình thành đầu tiên tại gia đình.
Gia đình cũng là “ngôi trường” giáo dục mỗi người đầu tiên, thường xuyên và suốt cả cuộc đời. Những sinh hoạt, giao tiếp trong gia đình dựa trên tình cảm huyết thống, hôn nhân bền chặt nên có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Những tác động tốt của gia đình sẽ giúp mỗi người vượt qua khó khăn trong cuộc sống, có thêm nghị lực để phấn đấu, hoàn thiện bản thân, hoàn thiện nhân cách cá nhân.
Trong gia đình cha mẹ luôn gần gũi, thương yêu con cái, hiểu đặc điểm cá nhân, tính cách của con em nên có cách giáo dục phù hợp, dễ tác động để thay đổi nhận thức, tình cảm của trẻ, do vậy giáo dục gia đình cũng có mặt ưu thế riêng so với giáo dục nhà trường.
Việc chăm sóc, giáo dục trẻ không phải việc riêng của người cha hay người mẹ. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ mà cha mẹ phải làm với con em mình theo các điều luật quy định. Tuy nhiên, việc chăm sóc giáo dục con trong gia đình có sự khác nhau về quan điểm, phương pháp.
Bản thân trong gia đình GS Đinh Quang Báo, khi các con còn nhỏ, người mẹ nặng hơn về trách nhiệm nuôi dưỡng, bảo ban. Khi các con lớn và trưởng thành, GS Đinh Quang Báo lại có sự ảnh hưởng, trách nhiệm nhiều hơn trong việc kèm cặp giáo dục.
Bản thân GS Đinh Quang Báo là một giảng viên trường ĐH vì vậy ông có thời gian, phương pháp và điều kiện giáo dục tốt hơn nên đảm nhiệm vai trò giáo dục con cái nhiều hơn. Không chỉ đảm nhiệm vai trò giáo dục con cái, mà với cháu nội, ngoại thì GS Đinh Quang Báo cũng dành nhiều thời gian để giáo dục, chỉ dạy những kĩ năng, phương pháp trong cuộc sống cho các cháu.
GS Đinh Quang Báo cảnh báo hiện tượng cha mẹ quá nuông chiều con cái trong xã hội hiện nay. Ông cho rằng điều đó không tốt, không có lợi cho quá trình trưởng thành của trẻ. Trẻ sẽ trở nên thu động, ỷ lại, không có mục tiêu phấn đấu, thiếu sự thấu cảm các giá trị cuộc sống khi bản thân không va vấp, trải nghiệm.
Trong quan điểm giáo dục con cái của mình, GS Đinh Quang Báo đề cao nguyên tắc dân chủ. Bởi, trẻ con không phải lúc nào cũng sai. Khi các con phản biện lại thì nhiều bố mẹ lại dùng quyền và vị thế của người lớn để áp đặt suy nghĩ, hành động, sự việc. Cha mẹ cần chắt lọc ý kiến của trẻ từ đó để nâng đỡ, bảo ban, định hướng cho trẻ.
Ông cũng khẳng định: Việc giáo dục cho trẻ bản lĩnh nêu được chính kiến, quan điểm của mình vô cùng cần thiết bởi đây là năng lực đang được giáo dục hiện đại khuyến khích cần quan tâm chú trọng và hình thành cho trẻ từ khi các em còn nhỏ. Mặt khác, giáo dục gia đình quan trọng đối với việc giáo dục thế hệ trẻ. Kết quả giáo dục tốt hay không chủ yếu do sự quan tâm, đầu tư thời gian, trách nhiệm và phương pháp giáo dục của cha mẹ.
Nếu cha mẹ mải công việc, ít quan tâm đến con, không gần gũi con, phó mặc việc giáo dục con cái cho nhà trường hoặc cách giáo dục không đúng sẽ dẫn đến những đứa trẻ phát triển không toàn diện, chưa ngoan, hay vi phạm kỷ luật. Ngày nay với việc phát triển mạnh của nền kinh tế dẫn đến tác động không tốt, mặt trái của nền kinh tế thị trường có ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục thì gia đình cần quan tâm giáo dục con trẻ nhiều hơn nữa.
Gia đình – Nhà trường chung tay giáo dục
Các nhà nghiên cứu giáo dục đã khẳng định rằng: “Các giá trị đạo đức, tinh thần, niềm tin… mà con người lĩnh hội, thấm nhuần chủ yếu thông qua con đường giáo dục của nhà trường. Giáo dục nhà trường là giáo dục có định hướng, được tổ chức tự giác, có mục đích, có chương trình, kế hoạch, có nội dung, phương pháp nên có ảnh hưởng rất sâu sắc và mạnh mẽ đến con người”.
Bên cạnh giáo dục nhà trường, HS cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ giáo dục gia đình, vì gia đình là nơi các em được sinh ra, được nuôi dưỡng, dạy dỗ từ khi bắt đầu chào đời. Cách giáo dục của gia đình, nhân cách, đạo đức của các thành viên trong gia đình ảnh hưởng đến các em rất nhiều. Tuy nhiên, sự giáo dục ở gia đình không có chương trình, kế hoạch cụ thể, các thành viên không được đào tạo chính quy về giáo dục nên nếu giáo dục gia đình không chuẩn mực sẽ dấn tới các em sẽ lệch chuẩn của xã hội.
Do vậy, nhà trường phải phối hợp tốt với gia đình HS để thống nhất về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục để giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình là khối đồng nhất cùng hướng tới mục tiêu giáo dục chung.
Mỗi môi trường giáo dục có đặc thù riêng, có ưu thế và hạn chế riêng. Để giáo dục có hiệu quả cao thì ba môi trường giáo dục là gia đình – nhà trường – xã hội phải phối hợp chặt chẽ, phát huy ưu điểm để đi đến sự thống nhất mà trong đó giáo dục nhà trường giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục tri thức và đạo đức con người.