Cần hun đúc để thành “tài sản” quý
PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng: Có 3 tác nhân ảnh hưởng đến một đứa trẻ là gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên tác nhân gia đình kiêm luôn một phần của nhà trường và xã hội.
Bố mẹ nào cũng hướng cho con cách ứng xử ở đời, dạy bảo học hành. Dù ở môi trường nào, địa vị, tri thức cao thấp thì chẳng bố mẹ nào có thể bàng quang với việc học hành của con khi ở nhà.
Bố mẹ là “người thầy” đầu tiên của mỗi đứa trẻ ngay trong gia đình. Một đứa trẻ lớn lên thường bị ảnh hưởng lớn từ bố mẹ về tính cách, sở thích, tri thức và nhân cách.
Nói đến giáo dục gia đình, để đạt được hiệu quả giáo dục thì nền nếp gia phong là vô cùng cần thiết. Nếu gia đình nào không có nề nếp thì đứa trẻ lớn lên dễ lệch lạc.
Giáo dục hàng ngày trong mỗi gia đình không có giáo trình hay một tài liệu bất biến. Nhưng chất liệu cuộc sống, kinh nghiệm, sự từng trải… diễn ra hàng ngày và được nhập tâm trong tư tưởng của bố mẹ sẽ trở thành những bài học lớn dạy bảo trẻ.
Một đứa trẻ khi nhận được sự giáo dục bài bản, có phương pháp, cách thức tốt từ gia đình chắc chắn sẽ là đứa trẻ tiếp nhận được các hệ thống giáo dục khác ngoài xã hội và nhà trường.
Nói đến giáo dục gia đình, PGS.TS Phạm Văn Tình khẳng định sự ảnh hưởng trực tiếp của cha mẹ đối với con cái là vô cùng lớn. Ông nhận thức rõ ràng điều đó qua chính bản thân mình.
“Anh em tôi sinh ra trong gia đình bố mẹ là nông dân, hạn chế về mặt tri thức. Mặt khác, bố mẹ tôi cũng không thuận hòa. Sự cãi vã, nặng lời khiến không khí gia đình ngột ngạt, điều đó cũng ảnh hưởng đến nhân cách của tất cả anh em tôi.
Chúng tôi đôi khi thể hiện sự bẳn gắt, thiếu kiên nhẫn, chủ quan, thiếu sự nhu mì, thận trọng trong nhiều việc. Tuy nhiên, bố mẹ tôi là những người lao động nên chúng tôi nhìn vào bố mẹ để sớm hình thành thói quen lao động, chăm chỉ làm việc để lo toan cho cuộc sống...”.
PGS.TS Phạm Văn Tình nói rằng, khi đã trưởng thành, có sự chiêm nghiệm cuộc sống, ông đã điều chỉnh bản thân để giáo dục con mình tốt nhất.
“Tôi đã có cách thức quan tâm chăm sóc giáo dục tới 2 cậu con trai của mình khác hơn những gì ngày xưa bố mẹ dành cho tôi. Tôi đưa đón chúng đi học trong suốt quãng thời gian dài (từ bé đến hết cấp 2, khi chúng tự đi học được).
Tôi cảm thấy mình phải có bổn phẩn thay mặt cho gia đình quan tâm chăm sóc các con thông qua những công việc hàng ngày tôi làm: Đưa con đi học, đi chợ, nấu cơm, cho con ăn, họp phụ huynh, làm Chủ tịch Hội PHHS của trường con trong nhiều năm. Đó là tình yêu và niềm tự hào rất lớn của tôi với các con...”.
PGS.TS Phạm Văn Tình bộc bạch: Con cái là tấm gương phản chiếu từ bố mẹ. Nếu bố mẹ hay nói tục chửi bậy, coi điều đó như chuyện bình thường thì chắc chắn đứa trẻ khi lớn lên sẽ bị nhiễm thói quen, tính cách ấy.
Nếu bố mẹ nóng tính, hay sửng cồ… cũng sẽ ảnh hưởng đến con cái. Nếu bố mẹ biết khen ngợi, động viên con trẻ đúng cách chúng sẽ nhập tâm và hình thành nhiều tính cách tích cực.
Con cái được ví như của để dành, tài sản quý giá nhất, hậu vận và tương lai của mỗi người, mỗi gia đình. Một gia đình sẽ buồn nếu không có con cái, nhưng sẽ buồn hơn khi có con nhưng chúng lại hư hỏng không nên người.
Xã hội, nhà trường không thể thay thế giáo dục gia đình
PGS.TS Phạm Văn Tình nhận định: Vai trò của gia đình vẫn là số 1 trong thế chân kiềng nhà trường, gia đình, xã hội.
Nếu một chân kiềng nào đó bị gãy thì đều đáng tiếc và khó hiệu quả trong giáo dục. Tuy nhiên, chân kiềng “gia đình” bị gãy thì sự giáo dục càng trở nên khó khăn, thậm chí thất bại.
Có một thực tế, mà theo PGS.TS Phạm Văn Tình cần cảnh báo, đó là trong cuộc sống hiện đại nhiều gia đình bận rộn, thiếu thời gian cho con cái hoặc có quan điểm về vai trò giáo dục bị xem nhẹ. Nhiều phụ huynh xác định cô giáo, bảo mẫu, giúp việc… có thể hỗ trợ hoặc thay thế giáo dục trẻ.
Nếu vì hoàn cảnh khó khăn mà việc chăm sóc giáo dục trẻ trong gia đình bị buông bỏ, thiếu hụt… thì đành phải chấp nhận. Nhưng như vậy những đứa trẻ lớn lên sẽ bị thiệt thòi trên mọi phương diện bởi vai trò giáo dục của bố mẹ không thể thiếu. Cha mẹ phải có sự giáo dục thường xuyên, đều đặn. Giáo dục gia đình không cho phép buông bỏ một khoảng thời gian, sau đó mới bồi đắp.
“Bé không vin, cả gẫy cành” – Đó là bài học cho mỗi gia đình về giáo dục gia đình từ sớm. Khi đã vượt qua khoảng thời gian cần thiết trong giáo dục thì sự can thiệp sau đó là khó khăn và vô ích.
Nói về quan điểm “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng cần hiểu và vận dụng câu nói đó một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với thời cuộc.
Giáo dục là một con đường chông gai. Một đứa trẻ lớn lên cần được tiếp xúc trải nghiệm với nhiều điều. Cần được nhìn cuộc sống với đúng nghĩa. Có lúc phải đối mặt với những khó khăn nghiệt ngã để trẻ trưởng thành.
Câu nói đó vẫn trí lí về mặt phương pháp giáo dục, khi “roi vọt” được hiểu như những khuôn phép, lề thói, quy định, chuẩn mực cần thực thi. Cần thoát li ra nghĩa đen của từ roi vọt và ngọt bùi.
Việc cha mẹ kiên nhẫn giáo dục con trong mọi tình huống kể cả khi khó khăn. Không chiều theo hay nhân nhượng trước nước mắt, ứng xử, thói quen, phản ứng xấu của trẻ... khi thấy không xứng đáng cũng được xem như “roi vọt”.
Tuy nhiên, trong trường hợp các phương pháp giáo dục quá cứng nhắc, không phù hợp với trẻ, đánh giá oan hoặc quá nghiêm khắc… thì bố mẹ cần thể hiện tinh thần cầu thị, nhìn ra vấn đề và có hành vi sửa sai một cách công khai, minh bạch.