Nhà văn Nguyễn Thị Mai: Giáo dục con trước tiên trở thành người tử tế

GD&TĐ - Theo nhà văn Nguyễn Thị Mai, mỗi người sinh ra và lớn lên đều trải qua 3 môi trường quan trọng là gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành nhân cách con người. Và người phụ nữ ở bất kỳ thời đại nào cũng mang trên mình trọng trách giáo dục con cái. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dạy con với mục tiêu trở thành người tử tế

Sự tử tế sẽ giúp mỗi người biết sống có trách nhiệm, yêu thương, chia sẻ… không độc ác, ích kỷ với người thân trong gia đình và ngoài xã hội”.

Với quan điểm đó, khi giáo dục con cháu, nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Mai thường hướng tới mục tiêu trở thành người tử tế thay vì tham vọng giàu có, tài năng xuất sắc.

Bà chia sẻ: Trong những năm đời sống nhà giáo khó khăn thiếu thốn nhất, nhiều gia đình cho con trẻ cùng tham gia kiếm tiền (bằng nghề phụ nào đó). Với bà thì vẫn nhất định không cho các con tiếp xúc với đồng tiền từ sớm.

Bà chấp nhận vất vả cực nhọc hơn chỉ mong các con dành toàn bộ thời gian cho học tập. Bà sợ khi sớm tiếp xúc với đồng tiền các con sẽ có những suy nghĩ không chuẩn mực với lứa tuổi và cuộc sống.

Mặt khác, sớm tiếp xúc với đồng tiền có thể làm các con ham muốn một cuộc sống đầy đủ vật chất, kiếm tiền bằng mọi giá mà quên đi việc học tập. Khi 2 con đỗ vào trường đại học, bà vẫn khuyến khích các con chú tâm tiếp tục học tập, tránh bị xao nhãng bởi đồng tiền, vật chất…

Trưởng thành trong sự khó khăn nhất định đã giúp các con của nhà văn Nguyễn Thị Mai hiểu và quý trọng sự hy sinh vất vả của bố mẹ. Họ không chỉ tự giác học tập hơn vì nghĩ đến sự vất vả của bố mẹ mà còn biết sống chia sẻ, yêu thương và không lãng phí.

Kinh nghiệm dạy con của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Mai cũng cho thấy cần hết sức tôn trọng sự tự do của các con và tạo điều kiện để các con thực hiện được mong ước bản thân.

“Cả 2 con tôi đều có năng khiếu về văn học và chúng đều học chuyên Văn ở những ngôi trường công lập có tiếng và được học bổng hàng tháng. Vào một ngày “đẹp trời”, cả 2 cô con gái nói với tôi: Mẹ cho con chuyển trường. Con muốn được học các môn khoa học tự nhiên. Tôi biết khi nói ra điều đó có nghĩa là chúng đã suy nghĩ kĩ và đặt quyết tâm cao để được thỏa mãn mong muốn, sở thích với những môn học tự nhiên. Dù còn những băn khoăn lo lắng nhất định song tôi vẫn đồng ý” - nhà văn Nguyễn Thị Mai kể.

Sự tôn trọng tự do cá nhân, suy nghĩ độc lập các con của nhà văn Nguyễn Thị Mai đã được đền đáp xứng đáng khi cả 2 con gái bà đều đỗ vào 2 trường đại học khối Tự nhiên. Cả hai cô con gái đều có quá trình học tập tốt và phát huy được khả năng của mình trong công việc hiện tại.

Phát huy vai trò phụ nữ trong giáo dục gia đình

16 năm làm GV tại Trường CĐ SP Hà Tây; 17 năm làm công tác TW Hội Phụ nữ Việt Nam và từng là giảng viên chính tại Học viện Phụ nữ Việt Nam… nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Mai cho rằng người phụ nữ ở thời đại nào cũng đóng vai trò quan trọng khi làm vợ, làm mẹ và đặc biệt trong việc giáo dục con cái.

Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa vai trò của người phụ nữ trong giáo dục gia đình bên cạnh giáo dục trường lớp để mang lại hiệu quả giáo dục toàn diện.

Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Mai

Theo bà Mai, câu nói “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” xét trên khía cạnh nào đó còn giá trị. Người phụ nữ trong gia đình gắn bó với con cháu nhiều hơn về mặt thời gian, vì vậy họ có điều kiện dạy bảo con cháu nhiều điều và thông qua các phương pháp giáo dục khác nhau.

Người phụ nữ có thể dạy con từ việc cho con ăn uống, bú mớm, tắm giặt, ru con ngủ, đưa đón con đi học, cho con đi chơi, trong lúc đứng đợi xe buýt, đèn đỏ… Hình thức giáo dục của người phụ nữ có thể thông qua hát ru, kể chuyện, tâm sự to nhỏ. Sự nữ tính, dịu dàng, nhẹ nhàng của người phụ nữ khi giáo dục con cháu cũng dễ dàng đạt hiệu quả hơn. Con trẻ cảm nhận được sự dịu dàng, gần gũi… từ đó tiếp thu, nghe lời và dễ chuyển hóa nhận thức, suy nghĩ, tình cảm.

Bản thân nhà văn Nguyễn Thị Mai cũng đúc rút cho mình cách thức giáo dục cháu hợp lý, hiệu quả. Bà thường khuyến khích cháu đọc thuộc nhiều ca dao tục ngữ. Việc dạy học không nhất thiết phải ngồi nghiêm chỉnh vào bàn ghế, những câu hỏi, câu đố vui được bà đặt ra trên đường đón cháu từ trường về nhà.

Bà động viên khi cháu học tốt bằng những lời khen, sự động viên khuyến khích chứ không bằng phần thưởng vật chất. Giúp cháu không sợ học Văn, bà Mai tìm ra cách dạy tự nhiên bằng cách đọc đi đọc lại những bài ca dao, tục ngữ, đoạn thơ ngắn… cho cháu nghe trên quãng đường đưa đón cháu tới trường.

Tối trước khi đi ngủ, bà lại kể chuyện cổ tích, đặt ra những câu hỏi đơn giản để các cháu suy nghĩ trả lời các vấn đề liên quan xung quanh.

Bà giúp cháu triển khai những bài văn tả cảnh thông qua những chuyến đi thực tế, qua tham quan du lịch, về quê... Trên đường đi đến trường, gặp những sự vật hiện tượng bà đều đặt câu hỏi cho các cháu suy nghĩ, liên tưởng và đưa ra câu trả lời.

Việc triển khai những câu văn, đoạn văn, cách triển khai bài văn đều được gợi ý, uốn nắn một cách tự nhiên không gò bó, thúc ép phải theo một công thức nào. Từ đó nuôi dưỡng sự phong phú tâm hồn, giúp tính cách chan hòa, biết chia sẻ yêu thương trong trẻ.

“Giáo dục trong gia đình ở mỗi thời đại có sự đòi hỏi khác nhau bởi sự biến đổi theo thời cuộc, con người, xã hội. Tuy nhiên, ở thời đại nào thì giáo dục gia đình cũng không thể thiếu hay coi trách nhiệm giáo dục thuộc về nhà trường và xã hội. Phát huy giáo dục gia đình sẽ giúp cho giáo dục con người từ tri thức, nhân cách đến kĩ năng thêm hoàn thiện” - nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Mai bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa đạn đạo phi hạt nhân mới “Oreshnik” của Nga

'Mục tiêu nóng' đang chờ Oreshnik?

GD&TĐ -Nga được cho là đã biên soạn một danh sách các địa điểm quân sự quan trọng của Kiev sẽ bị nhắm mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột.

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.