Các cơ sở giáo dục đại học đang “xoay xở” nhiều phương án nhằm cải thiện tình hình trong mùa tuyển sinh năm nay.
Thiếu hụt nhân lực
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), trong 3 năm liền, nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên, dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Số liệu thống kê của của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) cho thấy, lao động trong ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, sinh viên đăng ký học ngành này chưa đến 2% tổng người nhập học hàng năm. Theo kết quả thống kê từ các trường của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2016 - 2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011 - 2015. Những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít, thậm chí không có sinh viên đăng ký học.
Dù vẫn “khát” nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhưng năm 2022, một số ngành của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện - cho hay, nghịch lý một số ngành khoa học cơ bản, truyền thống thiếu nhân lực nhưng khó tuyển sinh đã được Chính phủ, Quốc hội và nhiều bộ ngành thảo luận, bàn giải pháp làm sao để sinh viên các ngành này sau khi ra trường được làm việc đúng địa chỉ, trên hết là về phục vụ quê hương.
“Với các ngành yếu thế như nông - lâm - ngư nghiệp, chúng tôi đã tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh. Đầu tháng 4, chúng tôi có hội nghị với Bộ NN&PTNT để bàn về vấn đề làm thế nào kết hợp với doanh nghiệp trao học bổng cho sinh viên tham gia học tập ở các khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp” - GS.TS Nguyễn Thị Lan thông tin.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2023, nhiều thí sinh quan tâm tìm hiểu các ngành đào tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: TG |
Áp dụng cơ chế đặt hàng, trao học bổng
Năm học 2022 - 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên ngành khoa học cơ bản thuộc Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Gói học bổng gồm: Miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo - cho hay, ĐHQGHN tiên phong thí điểm gói học bổng dành cho học sinh có mong muốn đăng ký nguyện vọng nhập học vào các ngành khoa học cơ bản từ năm thứ nhất. Điều này vừa tạo động lực để các em trở thành sinh viên giỏi; đồng thời tạo nguồn nhân lực cho các bậc học cao hơn, cũng như nguồn nhân lực khoa học trong tương lai.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) - cho biết, từ năm học 2022 - 2023, mỗi năm, đơn vị dành 45 suất học bổng cho 9 ngành khoa học cơ bản, gồm: Văn học, Lịch sử, Triết học, Hán Nôm, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học. Mỗi suất học bổng trị giá 50 triệu đồng/năm cùng nhiều ưu đãi, hỗ trợ khác trong học tập. Với chính sách này, hy vọng sẽ thu hút đông đảo thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành này trong mùa tuyển sinh năm nay.
Về chính sách vĩ mô, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế “đặt hàng” đào tạo với các trường đại học. “Chúng ta cần có đơn đặt hàng cho ngành nghề đang thiếu hụt nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và cần nhiều lao động để phát triển trong thời gian tới. Đây cũng là giải pháp nhằm khuyến khích, đồng hành với các cơ sở giáo dục đại học, để nhà trường yên tâm đào tạo những ngành “khát” nhân lực nhưng khó tuyển sinh” - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh trao đổi.
Ở góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa - nhấn mạnh, muốn cải thiện kết quả tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và nhóm ngành đào tạo truyền thống, việc cần làm là hướng nghiệp sớm cho học sinh. Bởi đây là ngành đòi hỏi tư duy, học sinh cần được làm quen sớm. Nếu chờ đến lớp 12 mới tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp sẽ khó để thu hút học sinh đăng ký xét tuyển vào những ngành này.
GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, cần thực hiện cơ chế “đặt hàng” và hỗ trợ thêm cho ngành khoa học cơ bản, truyền thống thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Sinh viên học những ngành này chủ yếu xuất phát từ vùng nông thôn nên điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Vì thế, nếu các em học chương trình chất lượng cao cần đầu tư và có thực hành, thực tập nhiều hơn. Vì thế, nếu để sinh viên phải trả học phí nhiều và không có chính sách “đặt hàng”, vô hình trung trở thành rào cản để thu hút học sinh, sinh viên học tập, nghiên cứu ở những ngành nghề này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Anh Tài - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) - thông tin: Bộ đề xuất xây dựng đề án với cơ chế đặc thù cho sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (miễn giảm học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên theo học). Trước mắt, có thể mở rộng cho sinh viên học các ngành nông nghiệp sống ở nông thôn, miền núi, vùng biên giới, hải đảo, điều kiện khó khăn.
Nhấn mạnh, các trường đại học, trường phổ thông và xã hội cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp để các em hiểu rõ về ngành rất cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị, Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ cho các ngành quan trọng thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản… nhằm giảm bớt khó khăn cho sinh viên. Từ đó, tạo sự cân đối trong việc phát triển ngành nghề, đặc biệt là ngành thiết yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các cơ sở giáo dục đại học cũng phải nỗ lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau để thu hút thí sinh vào học ngành khoa học cơ bản.