Dẫu biết rằng hoạt động “mai mối” này chưa bao giờ dễ dàng, song phần nào vẫn gieo hy vọng từ đây, những ý tưởng nghệ thuật sẽ có cơ hội nảy mầm xanh.
Nối những nhịp cầu
Hơn 10 kịch bản thuộc diện hỗ trợ kinh phí sáng tác (4 triệu đồng/kịch bản) đã được các tác giả giới thiệu tóm tắt trong hơn 2 tiếng đồng hồ. Trong đó, kịch bản cho kịch hát dân tộc như tuồng và rối chỉ có một, lần lượt là “Vụ án tình si” (Nguyễn Thị Nguyệt) và “Học trò con trai Long Vương” (Đặng Tiến).
Trong khi cải lương không có kịch bản nào thì chèo khá hơn khi có được 2 kịch bản “Câu chuyện tình yêu” (Nguyễn Lệ Dung) và “Đứa con ngài giám đốc” (Xuân Cung).
Còn lại là kịch bản thuộc thể loại kịch nói như: “Lâu đài lửa” (Trần Trí Trắc); “Ngõ nhỏ” (Lê Quý Hiền); “Bi kịch một vị vua” (Hoàng Thanh Du); “Sám hối” (Trần Tuấn Hải tức Nhật Linh); “Khúc quân hành” (Trịnh Quang Khanh); “Kẻ thù nguy hiểm” (Phạm Hữu Huề)…
Chia sẻ về kịch bản “Sám hối” của mình, tác giả Trần Tuấn Hải cho biết, ông viết từ cảm hứng sau khi đọc mẩu tin trong chuyên mục “Những chuyện khó tin mà có thật” trên Báo An ninh Thế giới. Câu chuyện mà “Sám hối” kể gắn liền với những nỗi đau nhân tình thế thái hôm nay và đề cao tình mẫu tử thiêng liêng.
Còn tác giả Phạm Hữu Huề, sau khi tóm tắt kịch bản “Kẻ thù nguy hiểm” được xây dựng từ nguyên mẫu có thật, ông đã khá tâm đắc nhấn mạnh về thông điệp được gửi gắm ở đây: “Kẻ thù nguy hiểm không chỉ là kẻ thù hiện hữu trước mặt. Kẻ thù nguy hiểm nhất và đáng sợ nhất là kẻ phản bội”.
Riêng với kịch bản “Vụ án tình si” được tác giả Nguyễn Thị Nguyệt khai thác từ đề tài dân gian, kể về mối duyên lành của Nhất Nam và Yến Chi tưởng giữa đường đứt gánh nhưng may mắn được quan đốc trấn anh minh, tài giỏi xử án công minh và xe lại duyên xưa cho đôi bạn trẻ.
Thật thú vị khi câu chuyện được kể ở đây nhẹ nhàng, hài hước nhưng cũng gợi mở không ít vấn đề của xã hội xưa mà nói nay, không chỉ có phiên bản tuồng, mà còn có cả phiên bản chèo và kịch nói.
Theo NSND Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, hằng năm, Hội hỗ trợ kinh phí sáng tác cũng như phối hợp, liên kết tổ chức trại sáng tác cho hội viên nên vẫn có nguồn kịch bản tương đối dồi dào được nghiệm thu.
“Trong 17 kịch bản được hỗ trợ năm 2021 giới thiệu đến các nhà hát lần này, số viết về đề tài hiện đại chiếm đa số. Thế nhưng, trong nhiều kỳ cuộc hội diễn, liên hoan sân khấu gần đây lại rất thiếu vắng vở diễn khai thác đề tài hiện đại.
Đó là nghịch lý cần có lời giải. Việc tổ chức buổi giới thiệu này là một trong những hướng mà Hội Sân khấu Hà Nội đưa ra để góp phần giải bài toán nghịch lý ấy”, NSND Hoàng Tuấn cho biết.
Là người đề xuất tổ chức buổi giới thiệu kịch bản này, NSND Thanh Trầm cũng đau đáu chia sẻ về thực tế để có vở diễn hay, các thành phần sáng tạo từ kịch bản đến đạo diễn rồi diễn viên đều phải tròn vai. Trong đó, yếu tố kịch bản rất quan trọng vì “có bột mới gột nên hồ”.
Thế nhưng, đội ngũ biên kịch là hội viên của Hội Sân khấu Hà Nội tưởng đông, song người viết chuyên nghiệp, có nghề còn khiêm tốn, chưa thực sự đủ sức bù lấp khoảng trống lớn khi các tác giả kỳ cựu như Trần Đình Ngôn, Nguyễn Hữu Quý năm nay đã ở tuổi xưa nay hiếm hay tác giả Ngọc Thụ mấy năm trước đã về với thiên cổ.
Cùng với đó, là thành viên hội đồng duyệt vở diễn và ban giám khảo nhiều cuộc thi, bà Trầm cũng nhận thấy thực tế có không ít nhà hát nhiều năm chỉ dựng kịch bản của một tác giả, khiến cho sàn diễn của họ thiếu màu sắc tươi mới, đa dạng, trong khi có không ít kịch bản của những tác giả khác phù hợp với phong cách của nhà hát mà chưa được biết đến.
Còn các tác giả dù có kịch bản tâm huyết, song nhiều khi khiêm tốn, e dè và có khi còn “giữ giá” nên ngại tự gửi tác phẩm của mình đến các đơn vị nghệ thuật.
“Chúng tôi muốn làm ông mai bà mối để những đứa con tinh thần của các tác giả đến được với nhà hát và có đời sống trên sàn diễn. Thật đáng tiếc nếu như một kịch bản hay mà phải chịu cảnh hẩm hiu nằm im trong ngăn kéo, trong khi không ít nhà hát phải kiếm tìm đỏ mắt…
Bên cạnh đó, có những cây bút mới cũng cần được giới thiệu đến các đơn vị nghệ thuật để họ có thể tiếp cận và cùng tìm kiếm những cơ hội hợp tác, khai thác. Việc này có phần hơi muộn nhưng thà muộn còn hơn không”, NSND Thanh Trầm tâm huyết nói.
Không ít trăn trở
Vở rối cạn 'Bản tình ca trên núi' được dàn dựng từ kịch bản viết từ 60 năm trước tại Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022. Ảnh: Bình Thanh. |
Là một trong số ít đại diện cho các đơn vị nghệ thuật đến dự trọn vẹn buổi giới thiệu kịch bản, NSƯT Quốc Vũ, Phó phòng Tổ chức và Nghệ thuật Nhà hát Múa rối Thăng Long, cho rằng, đây là hoạt động rất hữu ích đối với các tác giả cũng như nhà hát.
Cẩn trọng lắng nghe và chăm chú đọc kỹ các bản tóm tắt kịch bản, NSƯT Quốc Vũ đã chấm chọn được 4 kịch bản phù hợp với đặc thù của múa rối (thiên về dân gian, huyền tích…), từ đó tham mưu với lãnh đạo nhà hát tính đến việc liên hệ và hợp tác với các tác giả.
Có thể từ kịch bản đó mà xây dựng thành tác phẩm, song cũng có khi chỉ là ý tưởng ban đầu để nhà hát, đạo diễn cùng bàn bạc với tác giả sáng tạo một tác phẩm hoàn toàn mới…
Theo NSƯT Quốc Vũ, cũng như nhiều đơn vị nghệ thuật khác, Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn khó khăn trong việc tìm kiếm kịch bản phù hợp với phong cách, tiêu chí của mình.
Đôi khi cũng có những kịch bản được gửi đến song lại chưa trúng hoặc chưa tới, chưa tìm được điểm gặp gỡ với đạo diễn. Với sự kết nối này của Hội Sân khấu Hà Nội, bước đầu, NSƯT Quốc Vũ có thể trực tiếp trao đổi với các tác giả để hiểu nhau hơn về quan điểm, phong cách, phương án dàn dựng…
“Tôi muốn góp ý thêm về việc, nên chăng, hằng năm, mỗi đơn vị nghệ thuật xây dựng kế hoạch công tác cũng như những yêu cầu về kịch bản (từ đề tài đến thời lượng thậm chí cả kinh phí) và gửi về Hội Sân khấu Hà Nội để Hội thông tin đến các tác giả.
Từ đó, các tác giả sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng, lựa chọn những kịch bản phù hợp rồi gửi đến nhà hát. Ngoài ra, tôi thấy, ngay tại buổi giới thiệu này, thật lấy làm tiếc khi các tác giả chưa mạnh dạn chủ động tiếp cận với các đơn vị nghệ thuật, có thể thông qua việc in sẵn một số bộ kịch bản chi tiết và gửi cho người cần.
Theo tôi, không chỉ các nhà hát phải tìm kiếm, mà ngay chính các tác giả cũng nên chủ động “chào hàng” những đứa con tinh thần của mình”, NSƯT Quốc Vũ góp ý.
Có thể thấy, buổi giới thiệu kịch bản hữu ích này không có nhiều đơn vị nghệ thuật đến tham dự và trong số một số đơn vị có mặt thì cũng hiếm người ở lại đến phút cuối như NSƯT Quốc Vũ.
Chẳng thế mà tác giả Nguyễn Hữu Huề cảm thán: “Tưởng có nhiều giám đốc nhà hát hay một số các trưởng phòng nghệ thuật đến nhưng chỉ có các tác giả lại ngồi nói với nhau”.
Thực ra, trước ngày tổ chức, NSND Thanh Trầm đã sốt sắng điện thoại đến lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật để thêm một lần nhắc lịch. Cũng vì, bà rất chia sẻ với lãnh đạo các nhà hát thường bận nhiều việc nên ít có mặt trực tiếp tại các buổi tọa đàm, hội thảo… của Hội.
Song lần này, NSND Thanh Trầm thực sự mong muốn các đơn vị nghệ thuật tham dự để biết đâu có thể bắt gặp được những kịch bản họ đang tìm kiếm, mong đợi. Vậy nhưng, buổi giới thiệu này phần lớn là các tác giả chia sẻ kịch bản cho nhau nghe mà có phần thiếu vắng lãnh đạo một số nhà hát.
Thực tế đó có phần khiến những người tâm huyết như NSND Thanh Trầm cảm thấy chạnh lòng để rồi lại đành ngậm ngùi tự động viên: Nghề này chưa bao giờ hết khó…
Tuy nhiên, vẫn ăm ắp tâm huyết, NSND Thanh Trầm tranh thủ nhắn nhủ tới đội ngũ biên kịch rằng đây là công việc nhọc nhằn chứ không thể hời hợt để vội vỗ ngực với danh xưng.
Theo bà Trầm, bằng tài năng cá nhân, mỗi người rất cần có sự khúc chiết, vốn sống, tư duy theo chiều sâu và nhất là bản lĩnh cầm bút. Từ đó hãy viết những kịch bản hữu ích, giá trị rồi mạnh dạn giới thiệu đến các nhà hát.
“Dù các đơn vị nghệ thuật có khó tính, bảo thủ đến bao nhiêu đi chăng nữa thì họ vẫn nhìn ra để trân trọng và chào mời hợp tác”, NSND Thanh Trầm chia sẻ kinh nghiệm và hối thúc các tác giả có trách nhiệm với đứa con tinh thần cần năng động hơn thì sẽ gặt được quả ngọt.
Là lần đầu tổ chức và quy định mỗi kịch bản chỉ có 5 phút để giới thiệu đã khiến các tác giả thấy thiếu về mặt thời gian, khó có thể truyền tải đầy đủ về thông điệp cũng như cái hay, cái đẹp của kịch bản.
Ngoài ra cũng có người còn kiến nghị Hội nên có địa chỉ số hóa hoặc hòm thư điện tử, đường link để các tác giả gửi kịch bản vào đó và các đơn vị nghệ thuật có thể khai thác trực tiếp. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Hội lại lo lắng về vấn đề bản quyền, đạo nhái ý tưởng.
Trước mối lo này, tác giả Trịnh Quang Khanh thẳng thắn bày tỏ: “Không sợ bị đạo ý tưởng vì người viết có nghề và có tư chất thì không ai làm những việc đó. Cái sợ hơn cả là tác giả tự mình bước nhầm lên chân của mình, tác phẩm sau giống tác phẩm trước hoặc bước nhầm vào chân của bạn…”.
Còn nhớ, cách đây đúng 10 năm, đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên từng sáng lập website: chokich.vn với mong muốn sẽ tạo ra một “chợ kịch bản” điện tử để các tác giả đưa kịch bản của mình lên đó và các đơn vị nghệ thuật có thể tìm kiếm, lựa chọn, kết nối và giao dịch.
Hoạt động này đã được giới làm nghề ủng hộ, khen ngợi và hy vọng sẽ mở lối cho những thiếu thốn bấy lâu nay về kịch bản. Vở chèo “Bắc Lệ đền thiêng” chính là quả ngọt đầu tiên của “chợ kịch bản” này. Tuy nhiên, không lâu sau “chợ kịch bản” không còn hoạt động và rơi vào quên lãng…
Mong rằng, hoạt động giới thiệu kịch bản của Hội Sân khấu Hà Nội sẽ được duy trì và thực sự hiệu quả đối với đời sống sân khấu Thủ đô nói riêng và nước nhà nói chung.