Nghệ sĩ được tiếp năng lượng sáng tạo từ giải thưởng Sân khấu

GD&TĐ - 'Giải thưởng Sân khấu hằng năm là phần thưởng quý giá đối với nghệ sĩ. Chúng tôi như được tiếp thêm năng lượng sáng tạo, cống hiến...'.

Vở cải lương 'Bất tử với Thăng Long' của Nhà hát Cải lương Việt Nam do đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng được trao giải B cho các vở diễn sân khấu năm 2022. Ảnh: Bình Thanh.
Vở cải lương 'Bất tử với Thăng Long' của Nhà hát Cải lương Việt Nam do đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng được trao giải B cho các vở diễn sân khấu năm 2022. Ảnh: Bình Thanh.

“Giải thưởng Sân khấu hằng năm là phần thưởng quý giá đối với nghệ sĩ. Chúng tôi như được tiếp thêm năng lượng sáng tạo, cống hiến...”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai đã hạnh phúc chia sẻ về niềm vui khi vở diễn chị dàn dựng tiếp tục được vinh danh tại Giải thưởng Sân khấu năm 2022.

Món quà giá trị

Tiết mục 'Dây lụa đôi' của đoàn Canada tham dự Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022. Ảnh: Bình Thanh.

Tiết mục 'Dây lụa đôi' của đoàn Canada tham dự Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2022. Ảnh: Bình Thanh.

Xuân sang, nghệ sĩ sân khấu cả nước lại háo hức hẹn hò đến với lễ trao Giải thưởng Sân khấu 2022 - một ngày hội nghề nghiệp thường niên vinh danh những nỗ lực sáng tạo, cống hiến, mấy năm qua luôn được tổ chức trang trọng tại “thánh đường” Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đây cũng là dịp để nghệ sĩ Bắc - Trung - Nam gặp gỡ, chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề giữa không gian ấm cúng suốt cả giờ đồng hồ trước giờ trao giải mà chưa vơi tâm tình…

Lần đầu tiên vinh dự nhận Giải thưởng Sân khấu 2022, diễn viên trẻ Nguyễn Thị Thu Phương (Nhà hát Chèo Hưng Yên) cảm động chia sẻ đó là niềm hạnh phúc của cá nhân cũng như nhà hát. Cũng bởi, trong 10 gương mặt nghệ sĩ được vinh danh ở hạng mục Diễn viên xuất sắc thì chỉ có 2 nghệ sĩ chèo, trong đó có Thu Phương.

Vẫn còn đó trong Thu Phương kỷ niệm ngày đầu đến với nghệ thuật chèo bằng một tâm lý chưa sẵn sàng vì cô vốn tốt nghiệp chuyên ngành quản lý văn hóa ở Trường Đại học Văn hóa Hà Nội mà chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về nghề diễn.

Được sinh ra trong gia đình nghệ thuật, Thu Phương có khiếu ca hát nhưng cô chỉ hát nhạc mới mà chưa từng hát chèo. Đôi khi cô còn nghĩ đây là bước đệm để sang lĩnh vực khác.

Thế nhưng, sau 10 năm, Thu Phương vẫn ở lại, gắn bó với chèo và dần khẳng định bản thân qua từng vai diễn đào lẳng, đào thương khá thành công, trong đó được nhận bằng khen “Diễn viên trẻ triển vọng” tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2014; Huy chương Bạc tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2016.

Riêng với vai Nhị Khanh trong vở “Ván cờ oan trái”, Thu Phương còn nhớ như in những phút giây mướt mồ hôi trên sàn diễn, có khi phải uống không biết bao nhiêu liều thuốc kháng sinh cho họng bớt sưng tấy rồi lại tiếp tục tập luyện.

Khi tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc 2022, Thu Phương đã thức đến gần sáng vì hồi hộp… Cuối cùng, những nỗ lực, chăm chỉ tự học hỏi từ đàn anh, đàn chị, các thế hệ đi trước của Thu Phương cũng được đền đáp xứng đáng: Huy chương Bạc tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 và giải thưởng Diễn viên xuất sắc năm 2022.

“Tôi không thể diễn tả hết niềm vui, niềm hạnh phúc khi được nhận giải thưởng. Tôi đã may mắn được cha mẹ chỉ bảo, đồng nghiệp yêu thương, giúp đỡ và nhất là được NSND Thúy Mùi, NSND Minh Thu khi về nhà hát dàn dựng vở đã tận tình hướng dẫn tôi ca hát, diễn xuất. Phần thưởng quý giá này tiếp thêm cho tôi sự tự tin để cố gắng để hoàn thiện mình và yêu chèo hơn nữa…”, diễn viên trẻ Thu Phương xúc động chia sẻ.

Với đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, nhiều năm qua chị vẫn được nhận Giải thưởng Sân khấu, có khi là giải Đạo diễn xuất sắc, có khi là thành phần sáng tạo (dàn dựng) cho vở diễn đoạt giải A, giải B...

Năm 2022, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai có đến 3 vở diễn mà chị dàn dựng được vinh danh: Vở cải lương “Đất liền và biển cả” của Đoàn Cải lương Hải Phòng (giải A); vở cải lương “Bất tử với Thăng Long” của Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở tuồng “Vua Thánh triều Lê” (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định) (giải B).

Chia sẻ cảm xúc về những thành công này, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai nhớ lại 15 năm trước, lần đầu tiên chị được nhận giải Đạo diễn xuất sắc của Hội khi chị dàn dựng vở cải lương “Cung phi Điểm Bích” (Nhà hát Cải lương Việt Nam).

Dù ngồi ở mãi cuối khán phòng nhưng chị được đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang tìm đến, dắt tay lên sân khấu. Giải thưởng đầu tiên này đã trở thành sức mạnh tinh thần cổ vũ chị sáng tạo không biết mệt mỏi.

15 năm qua chị đã có nhiều vở diễn xuất sắc ở các loại hình cải lương, chèo, tuồng được đồng nghiệp ghi nhận, thán phục và khán giả đón đợi như: “Vua Thánh triều Lê”, “Hà Nội gió mùa”, “Vú cát”, “Chiếc áo thiên nga”, “Nguyễn cầm ca”, “Phận má đào”, “Thiên mệnh”; (cải lương), “An Tư công chúa”, “Trọn nghĩa non sông” (chèo); “Trung thần”, “Tam Khúc chúa” (tuồng)…

Bởi vậy, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai luôn đón nhận giải thưởng bằng niềm vinh dự và sự trân trọng rất đỗi đặc biệt, khác với cảm xúc những lần được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc hay giải đạo diễn xuất sắc ở các cuộc thi hay liên hoan.

“Đây là giải thưởng ghi nhận sự cống hiến của nghệ sĩ trong cả năm, phải qua chấm chọn rất khắt khe của đồng nghiệp và các bậc thầy sân khấu. Nếu lơ là, giẫm chân tại chỗ thì sẽ khó lòng được ghi nhận.

Cùng với đó, giải thưởng là món quà rất giá trị đối với những người làm nghề thực sự khát khao sáng tạo và mong được ghi nhận, lấy đó là động lực để cố gắng, không ngừng đóng góp vào thành công của mỗi tác phẩm.

Bước chân của tôi luôn được các thầy dõi theo nên khi nhận giải thưởng vào mỗi mùa Xuân đã hối thúc tôi tiếp tục lên đường đến với các đơn vị nghệ thuật, dàn dựng những vở diễn mới bằng cả tình yêu đắm say…”, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai bày tỏ.

Còn nhiều việc cần làm

Nghệ sĩ Thu Phương (giữa) trong vai Nhị Khanh ở vở chèo 'Ván cờ oan trái' - vai diễn đem đến cho Thu Phương giải thưởng Diễn viên xuất sắc năm 2022. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Thu Phương (giữa) trong vai Nhị Khanh ở vở chèo 'Ván cờ oan trái' - vai diễn đem đến cho Thu Phương giải thưởng Diễn viên xuất sắc năm 2022. Ảnh: NVCC.

Để có một năm tiếp tục bội thu giải thưởng, năm 2022 là năm bận rộn, “chạy show” hiệu quả nhất của giới sân khấu, khi liên tiếp tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan với quy mô quốc tế và toàn quốc.

Theo thống kê của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, các cuộc thi, liên hoan ấy đã thu hút 130 tác phẩm của các đơn vị nghệ thuật trong nước so tài, có nhiều vở diễn được vinh danh: 3 giải xuất sắc, 27 Huy chương Vàng và 32 Huy chương Bạc.

Cùng với những giải thưởng, huy chương, niềm vui hơn cả khi sân khấu được dịp “phô trương” lực lượng sáng tạo hùng hậu và trẻ trung. Có thể kể đến những đạo diễn thành danh tiếp tục “tiếp lửa” cho sân khấu như: Lê Hùng, Hoàng Quỳnh Mai, Trịnh Thúy Mùi, Trần Ngọc Giàu, Hoài Huệ, Giang Mạnh Hà, Sĩ Tiến… Và thật mừng vui khi được đón những đạo diễn tài năng mới như Tạ Tuấn Minh, Bùi Như Lai, Lê Nguyên Đạt, Trịnh Mai Nguyên, Hoài Thu…

Lực lượng diễn viên tài năng cũng rất đông đảo. Ở lĩnh vực kịch nói, nhiều diễn viên trở thành những gương mặt nổi bật trên phim tryền hình như: Thu Trang, Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Chí Huy, Tiến Lộc. Chí Nhân, Thùy Dương, Trọng Lân, Doãn Quốc Đam…

Với các loại hình kịch hát dân tộc có thể kể đến: Thanh Huyền, Hồng Thắm, Lê Đạt, Kim Liên, Thu Hiền, Hồng Vân, Nguyễn Thị Tuyền, Phạm Văn Hóa, Nguyễn Thị Huyên, Kim Cúc, Thu Phương… (chèo); Tuấn Hiệp, Thanh Phương, Hà Thanh, Đức Anh, Bảo Hưởng, Quỳnh Liên, Thành Việt, Thái Anh, Bích Lĩnh, Kim Tiến, Nguyễn Cộng Hòa, Tống Như Đạt, Sơn Hà… (tuồng); Nguyễn Thị Luận, Nguyễn Hoài Thanh, Nguyễn Thị Thủy, Nguyễn Thị Kỷ, Nguyễn Thị Thu Mỹ, Nguyễn Phước Dư (Khánh Dư), Ngọc Gấm, Quang Tuấn, Minh Trường… (cải lương)…

Theo TS Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, trong gần hai mươi năm trở lại đây, chưa năm nào đời sống sân khấu lại nhộn nhịp, bận rộn, sôi động, gấp gáp và phục vụ nhiều đối tượng khán giả như năm 2022.

Trong hơn 9 tháng đã tổ chức được gần 10 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu với sự tham gia của hầu hết các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập. Chất lượng nghệ thuật của tác phẩm do các đơn vị xã hội hóa sáng tạo đã có sự bứt tốc mạnh mẽ, thay đổi toàn diện về lượng và chất.

“Nghệ thuật sân khấu năm 2022 đã có sự chuyển mình, sôi động, tiến bộ về mọi mặt. Chất lượng nghệ thuật của nhiều tác phẩm sân khấu được nâng cao, góp phần tích cực vào sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà, từng bước đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của khán giả.

Điều đáng mừng nhất là phần lớn đội ngũ lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, Hội đồng nghệ thuật ở cơ sở đã thay đổi nhận thức, chú trọng đầu tư có chiều sâu về mọi mặt trong quy trình lựa chọn và dàn dựng tác phẩm, đặt chất lượng nghệ thuật của vở diễn lên trên tất cả, xác định rõ đối tượng hưởng thụ là khán giả và chính khán giả là người quyết định sự thành bại, sống còn,… sự tồn tại và phát triển của đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, năm 2022 đã xuất hiện những ngôi sao mới trong lực lượng sáng tạo nghệ thuật sân khấu, điển hình là đội ngũ đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn thuộc các loại hình nghệ thuật.

Đây là tín hiệu đáng mừng, có thể dần dần bù đắp phần nào sự khủng hoảng trong lực lượng sáng tạo đã trở thành căn bệnh trầm kha của nghệ thuật sân khấu nhiều năm qua”, TS Nguyễn Đăng Chương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, sân khấu nước nhà cũng còn nhiều việc… cũ cần làm như sự bất cập khi sáp nhập các đơn vị nghệ thuật; thiếu kịch bản hay, nhất là kịch bản hiện đại; nhiều vở diễn giành huy chương tại các cuộc thi, liên hoan song không được khán giả đón nhận...

Thực ra, những tồn tại này vẫn được nhắc đến trong nhiều năm qua song dường như chưa có sự thay đổi bằng những giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Tình trạng diễn viên chèo hát cải lương, diễn viên kịch nói hát chèo và ngược lại vẫn đang xảy ra ở nhiều đơn vị công lập.

Câu chuyện tìm đỏ mắt mà không có vở diễn về đề tài đương đại đã được nhắc đi nhắc lại suốt mấy chục thập kỷ qua song đến giờ thiếu vẫn hoàn thiếu. Mỗi cuộc thi, liên hoan chỉ ăm ắp chuyện sử mà gần như không có chuyện hôm nay. Nhà hát, đạo diễn thường xuyên chia sẻ về nỗi vất vả kiếm tìm kịch bản hay.

Riêng đối với bài toán khán giả, dù các đơn vị nghệ thuật cũng loay hoay xoay xở, mở rộng công tác truyền thông, tổ chức phòng tổ chức biểu diễn song vẫn chỉ là ăn đong và theo dịp (8/3, Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu) chứ chưa có được lực lượng khán giả cố định để sáng đèn sân khấu thường xuyên.

Đặc biệt, thêm một lần nhắc về số lượng vở diễn và số lượng huy chương tại các kỳ liên hoan, cuộc thi trong năm tính đến con số hàng trăm, TS Nguyễn Đăng Chương cho rằng đó là cơ sở để khẳng định “nghệ thuật sân khấu đang ở thời kì phát triển rực rỡ và đạt được những thành tựu đáng ngạc nhiên.

Thế nhưng thực tế diễn ra lại khác. Nhiều vở diễn đạt giải nhưng khi biểu diễn phục vụ công chúng lại không có người xem, đành phải để vào kho lưu giữ”.

Từ đó, ông Chương đặt câu hỏi đáng để suy ngẫm: “Phải chăng sự đánh giá về nội dung, nghệ thuật các tác phẩm của nhiều Hội đồng chấm giải còn có khoảng cách và độ chênh rất lớn với nhận thức thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả? Phải chăng nhiều đơn vị nghệ thuật đang đưa ra công chúng những sản phẩm nghệ thuật mà đơn vị có chứ chưa phải là những sản phẩm mà khán giả cần? Phải chăng đội ngũ sáng tạo chưa tìm được chìa khóa để mở cánh cổng về nhận thức và tâm hồn của khán giả ngày hôm nay?”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Cập nhật sxmb mới nhấtBảng giá Điện mặt trời áp mái