Mối liên hệ giữa cảm xúc tích cực và kết quả học tập dưới góc nhìn chuyên gia

GD&TĐ - Theo TS Ngô Thành Trung, thành tích học tập là một tiêu chí phản ánh chất lượng học tập và nghiên cứu của sinh viên tại trường đại học.

Sinh viên có cảm xúc tích cực thì sẽ có kết quả học tập tốt hơn.
Sinh viên có cảm xúc tích cực thì sẽ có kết quả học tập tốt hơn.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một nghiên cứu chính thức về mối liên hệ giữa tâm lý cảm xúc với thành tích học tập được thực hiện do TS Ngô Thành Trung, Vườn ươm Sáng tạo KH&CN Trẻ TPHCM đứng đầu.

Cảm xúc tích cực đi cùng kết quả học tập cao

Theo TS Ngô Thành Trung, thành tích học tập là một tiêu chí phản ánh chất lượng học tập và nghiên cứu của sinh viên tại trường đại học. Sinh viên thường đánh giá chất lượng học tập của bản thân bằng việc nắm vững kiến thức và khả năng thực hành các bài tập, bài kiểm tra, bài thi cũng như điểm số mà họ đạt được.

Nhà trường đánh giá chất lượng học tập của sinh viên thông qua mức độ nắm vững các kiến thức, kỹ năng và thái độ học tập của người học. Người sử dụng lao động, nhà tuyển dụng lại có xu hướng đánh giá chất lượng học tập của ứng viên, của nguời lao động bằng khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao, khả năng thích ứng với môi trường...

Các lý thuyết có liên quan và các nghiên cứu thực nghiệm trước đây đã có đề cập đến mối quan hệ giữa cảm xúc tích cực với vốn tâm lý, cảm xúc tích cực với kết quả học tập và vốn tâm lý với kết quả học tập. Tuy nhiên, các mối quan hệ này chưa được kiểm chứng trong bối cảnh tại Việt Nam.

Trước thực tế này, TS Ngô Thành Trung đã tìm hiểu về mối quan hệ giữa vốn tâm lý, cảm xúc tích cực liên quan và kết quả học tập của sinh viên, từ đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm nâng cao kết quả học tập.

Vốn tâm lý học tập bao gồm bốn thành phần khác nhau là sự tự tin năng lực bản thân, sự hy vọng, sự lạc quan và sự kiên cường. Kết quả học tập của sinh viên được đo lường bằng điểm trung bình học tập năm gần nhất.

Dữ liệu về vốn tâm lý học tập và cảm xúc tích cực liên quan học tập được thu thập thông qua bảng câu hỏi thiết kế sẵn. Mẫu khảo sát được lựa chọn bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên có phân tầng.

Đối tượng khảo sát là 613 sinh viên đang theo học từ năm hai đến bốn khối ngành kinh tế, hệ đào tạo chính quy tại Trường Đại học Mở TPHCM. Dữ liệu kết quả học tập là điểm trung bình học tập của các sinh viên tham gia khảo sát, được thu thập từ hệ thống quản lý đào tạo của nhà trường.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi trung bình của các sinh viên tham gia khảo sát là 20,42. Điểm học tập trung bình là 2,73/4. Sinh viên tham gia khảo sát có điểm trung bình vốn tâm lý học tập tổng thể là 3,45/5 và có cảm xúc khá tích cực liên quan đến học tập khi giá trị trung bình các biến quan sát của thang đo đều trên 3.

Đề xuất có bác sĩ tâm lý trong nhà trường

Theo kết quả nghiên cứu, có tồn tại mối quan hệ tích cực giữa cảm xúc tích cực liên quan học tập với kết quả học tập và vốn tâm lý học tập và ngược lại. Vốn tâm lý học tập đã thể hiện vai trò trung gian bổ sung trong mối quan hệ giữa cảm xúc tích cực liên quan học tập và kết quả học tập của sinh viên.

4/4 giả thuyết nghiên cứu đã đề xuất đều được ủng hộ (cảm xúc tích cực liên quan học tập có tác động tích cực đến kết quả học tập; cảm xúc tích cực liên quan học tập có tác động tích cực đến vốn tâm lý học tập; vốn tâm lý học tập có tác động tích cực đến kết quả học tập; vốn tâm lý học tập thể hiện vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa cảm xúc học tập tích cực và kết quả học tập).

Theo TS Ngô Thành Trung, kết quả nghiên cứu thu được giúp gia tăng nhận thức của các nhà quản lý giáo dục và người học về sự ảnh hưởng của cảm xúc tích cực liên quan học tập và vốn tâm lý đến kết quả học tập. Đây cũng là gợi ý để các nhà quản lý giáo dục đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả học tập của người học.

TS Trung và cộng sự đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm gia tăng cảm xúc tích cực liên quan học tập của sinh viên. Trong đó, giảng viên đóng vai trò quan trọng trong nâng cao trải nghiệm cảm xúc tích cực liên quan đến học tập của sinh viên.

Nhà quản lý giáo dục cần có sự hiểu biết cặn kẽ về tầm quan trọng của vốn tâm lý học tập tổng thể và các thành phần của vốn tâm lý học tập để nâng cao hiệu quả học tập của người học.

Liên quan đến vốn tâm lý học tập của sinh viên, nhóm nghiên cứu cho rằng, các trường học nên có bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tâm lý để chăm sóc sức khỏe tinh thần và tâm lý cho sinh viên bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thông thường của nhân viên y tế hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ