Theo tinh thần chỉ thị mới của thành phố về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, người dân không cần giấy đi đường, các chốt kiểm soát nội thành được gỡ bỏ, nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, cửa hàng ăn uống, công trình xây dựng... được hoạt động trở lại.
Chỉ thị mới được đưa ra sau khi thành phố 10 triệu dân trải qua hơn 120 ngày giãn cách với nhiều cấp độ khác nhau. Từ đợt dịch thứ tư bùng phát hôm 26/5, đến nay TPHCM đã ghi nhận hơn 380.870 ca nhiễm (gần 50% ca nhiễm cả nước), đang điều trị khoảng 35 nghìn bệnh nhân; hơn 14,6 nghìn người tử vong.
Ngoài những thiệt hại về người, đợt dịch này còn để lại rất nhiều hệ lụy liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh... mà chắc phải mất nhiều thời gian mới hồi phục.
Những gì đã được mới chỉ là bước nhỏ, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong một cuộc chiến dai dẳng, lâu dài. Bài học kinh nghiệm của các nước được coi là tiên phong trong phòng chống Covid-19 vẫn còn đang rất nóng.
Những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao như Israel, Singapore hay Anh, sau nới lỏng đều xảy ra tình trạng tỉ lệ người nhiễm Covid-19 tăng cao trở lại, buộc họ phải có những điều chỉnh về mặt chính sách, thậm chí là tính đến việc tiêm mũi tăng cường.
Trong khi ở Việt Nam, mặc dù, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp, thông qua nhiều kênh nhưng để đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Thống kê cho thấy, hiện tại, tỉ lệ dân số được tiêm vắc-xin mới đạt gần 40%; tiêm đủ 2 liều mới chỉ xấp xỉ 10%.
Chưa kể, như đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác tổ chức thực hiện ở một số địa phương vẫn là khâu còn yếu, chưa đồng đều. Nhiều địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả, nhưng có địa phương lúng túng, chưa được như mong muốn, hiệu quả chưa cao.
Một số địa phương chưa quán triệt tinh thần chỉ đạo trong các công điện, quy định, hướng dẫn của Trung ương, nên hiệu quả có lúc có nơi chưa cao, ví dụ tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch. Công tác an sinh xã hội nhiều nơi làm tốt nhưng nhiều nơi làm chưa tốt…
Người đứng đầu Chính phủ cũng một lần nữa nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản để thích ứng với tình hình mới: Y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; bảo đảm an sinh, ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; ý thức người dân, vắc-xin, thuốc chữa bệnh là điều kiện tiên quyết; tranh thủ tối đa, coi việc thích ứng với dịch Covid-19 là động lực để phấn đấu vươn lên và thay đổi, thúc đẩy một số công việc mà lâu nay chúng ta đã làm song gặp khó khăn như chuyển đổi số, nâng cao năng lực cấp cơ sở…
Tư tưởng chỉ đạo là nhất quán và xuyên suốt. Vấn đề còn lại là triển khai thực hiện như thế nào để không những giữ vững thành quả, vốn dĩ khá mong manh và biến nó thành vững chắc để cuộc sống thực sự trở lại bình thường như mong mỏi của tất cả người dân.