Cần Thơ: Nông hộ nuôi bò sữa phấn khởi sau nới lỏng giãn cách xã hội

GD&TĐ - Ngay sau khi xuống Chỉ thị 15, nhiều nông hộ tại HTX chăn nuôi bò sữa phường Long Hoà (quận Bình Thuỷ) vui mừng vì thuận tiện trong vận chuyển thức ăn, đảm bảo dinh dưỡng cho đàn bò.

Nông hộ tại HTX chăn nuôi bò sữa phường Long Hoà (quận Bình Thuỷ) phấn khởi sau nới lỏng giãn cách xã hội.
Nông hộ tại HTX chăn nuôi bò sữa phường Long Hoà (quận Bình Thuỷ) phấn khởi sau nới lỏng giãn cách xã hội.

Sữa giảm giá thành vì thiếu nguồn thức ăn

Suốt hơn 2 tháng  vừa qua, thành phố Cần Thơ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng dịch Covid-19, các nông hộ nuôi bò sữa rầu rĩ bởi thiếu thức ăn, bò giảm tiêu chuẩn sữa nên chỉ bán với giá thấp.

Ông Võ Thanh Giúp (46 tuổi), một nông hộ tại HTX nuôi bò sữa phường Long Hoà (quận Bình Thuỷ) cho biết: Hiện ông đang sở hữu đàn bò sữa hơn 20 con, bình quân mỗi ngày 1 con bò ăn khoảng 50kg thức ăn. Thức ăn bò chủ yếu là một số phụ phẩm từ công ty nông sản như vỏ thanh long, bắp… kèm cho ăn cỏ và hèm.

Nguồn thức ăn cho bò chủ yếu được các nông hộ tại đây mua từ một công ty nông sản ở Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ). Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên cơ sở tạm đóng cửa.

Nhiều nông hộ phải mua tạm cỏ ở tận Vĩnh Long chở qua, vừa rất tốn công và thời gian vận chuyển, giao nhận tại các điểm chốt kiểm soát rồi tự lấy mang về, nhưng cũng chỉ cho bò ăn cầm chừng chứ dinh dưỡng không bằng.

Theo ông Cần, việc thiếu nguồn thức ăn và không đảm bảo dinh dưỡng sẽ khiến đàn bò sữa không đạt đủ tiêu chuẩn của công ty sữa đặt ra, đặc biệt là hàm lượng "khô béo" làm giảm giá thành và sản lượng sữa của người dân.

Sữa bò tiêu chuẩn mà các nông hộ giao cho công ty bình quân 14.500 đồng/kg, nhưng chất lượng sữa dưới mức tiêu chuẩn xuất bán thì giá sẽ giảm xuống còn 11.000 - 12.000 đồng/kg, nếu rớt chỉ số thấp hơn nữa công ty sẽ tạm ngưng mua. Bình quân mỗi hộ nuôi sữa cũng thất thu vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.

“Riêng tôi có hơn 20 con bò sữa, trong đó đang cho sữa là 8 con. Mỗi con cho mỗi ngày hơn 15 - 20 kg sữa. Trong hơn 2 tháng dịch, tính ra mỗi ngày cũng thất thu từ 100.000 - 200.000 đồng đồng bởi tiêu chuẩn sữa dưới mức khiến giá giảm”, anh Giúp chia sẻ thêm.

Ông Võ Thanh Giúp, nông hộ tại HTX nuôi bò sữa phường Long Hoà (quận Bình Thuỷ) đang chuẩn bị sữa giao cho công ty.
Ông Võ Thanh Giúp, nông hộ tại HTX nuôi bò sữa phường Long Hoà (quận Bình Thuỷ) đang chuẩn bị sữa giao cho công ty.

Tạo thuận lợi vận chuyển, mua bán sữa giữa mùa dịch

Ông Võ Thanh Cần (71 tuổi), Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi bò sữa phường Long Hòa cho biết hiện nay, Hợp tác xã có khoảng 31 hộ dân, mỗi hộ sở hữu ít nhất 10 con bò sữa. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc vận chuyển, mua bán sữa mà mỗi nông hộ tại đây giao cho công ty hơn 100 lít sữa mỗi ngày.

Ngoài ra, địa phương luôn tại điều kiện thuận lợi trong quá trình vận chuyển và giao nhận thức ăn cho bò sữa tại các chốt kiểm soát trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Theo ông Võ Thanh Giúp, nông hộ nuôi bò sữa, trong khoảng thời gian thành phố thực hiện phòng chống dịch Covid-19, nhờ sự hỗ trợ của UBND xã cấp giấy đi đường nên cũng thuận tiện trong việc giao sữa từ nhà đến công ty, trong lúc giao nhận sữa tôi luôn đảm bảo các biện pháp phòng dịch và test nhanh Covid-19 định kỳ tại địa phương.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Trần Huỳnh Bình Dương - Phó Chủ tịch UBND phường Long Hoà (quận Bình Thuỷ) cho biết: Trong thời gian qua, địa phương đã kịp thời hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19, như test nhanh Covid-19, khuyến cáo "5k", đặc biệt là việc cam kết và cấp giấy đi đường, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn sữa bò vận chuyển, giao sữa bò tại địa phương.

Trong thời gian tới, thực hiện nhiệm vụ "kép" trong đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế tại địa phương, thực hiện theo kế hoạch tiêm vắc xin, UBND phường sẽ phối hợp phòng kinh tế và các HTX tại địa phương rà soát thống kê, tổ chức tiêm vắc xin mỗi hộ một người trực tiếp đi giao sữa, nhằm giúp người nông dân yên tâm sản xuất.

Sau khi thành phố thực hiện Chỉ thị 15, các công ty nông sản cũng mở bán trở lại. Nguồn thức ăn dồi dào nên bò cũng dần đạt chất lượng sữa trở lại trong khoảng 1 tuần cho ăn. Về đầu ra sản phẩm sữa, sữa bò của các nông hộ HTX chủ yếu được bán cho nhà máy sữa ở Cần Thơ, người dân cũng phấn khởi hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ