Mở rộng diện ứng viên hiệu trưởng trong Luật GD Đại học sửa đổi

GD&TĐ - “Luật đang được sửa đổi theo hướng mở rộng diện ứng viên hiệu trưởng để lựa chọn và kết hợp chuẩn có tính định lượng và chuẩn có tính định tính, đảm bảo mặt bằng chung, đồng thời đảm bảo quyền tự chủ cho các trường” - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, trao đổi với báo chí xung quanh tiêu chuẩn ứng viên hiệu trưởng ĐH.

Mở rộng diện ứng viên hiệu trưởng trong Luật GD Đại học sửa đổi

Không một ai được phép làm trái Luật hiện hành

Câu chuyện GS Trương Nguyện Thành do không đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen nên quay trở lại Mỹ làm việc, dư luận cho rằng, sự việc chưa được xử lý một cách linh hoạt... Bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Trước hết, chúng ta phải thống nhất hiệu trưởng và GS là 2 chức danh rất khác nhau, vì vậy, tiêu chuẩn cũng khác nhau. Tôi không muốn nói đến một trường hợp cụ thể, nhưng nếu có một GS giỏi nào đó mà không đủ tiêu chuẩn làm hiệu trưởng cũng không phải vấn đề gây ngạc nhiên hoặc tranh cãi, bởi như đã nói ở trên, tiêu chuẩn GS và hiệu trưởng là khác nhau.

Trên thực tế, nhiều GS tích lũy kinh nghiệm quản lý trở thành hiệu trưởng, nhưng cũng có rất nhiều GS không bao giờ trở thành hiệu trưởng.

Không vì trường hợp đặc biệt của GS Trương Nguyện Thành mà chúng ta nói rằng chính sách thu hút nhân tài của Nhà nước là không thành công. Vì hiện nay Nhà nước và các cơ sở GD đang mở rộng cửa để chào đón đội ngũ trí thức này; những điểm nghẽn, rào cản, nút thắt vẫn được các bên khai thông trên cơ sở tôn trọng pháp luật và cùng xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả. Vì vậy, nên nhìn trên bình diện rộng hơn là đội ngũ trí thức Việt kiều vẫn ngày càng đóng góp to lớn cho đất nước.

Trường hợp GS Trương Nguyện Thành chúng ta cũng đã biết lý do. Quy định của Luật GD ĐH hiện hành là như vậy và các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết, luật pháp có tính lịch sử của nó, có quy định phù hợp với giai đoạn này nhưng lại không phù hợp với giai đoạn khác. Vì vậy, các quy định của luật thường được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; tiêu chuẩn hiệu trưởng cũng đang là một quy định như vậy.

Trong trường hợp GS Trương Nguyện Thành, có cách xử lý nào linh hoạt hơn hay không?

- Nếu Trường ĐH Hoa Sen và ứng viên hiệu trưởng thực sự quyết tâm cao thì vẫn có thể có cách đạt được sự hợp tác mà vẫn đúng Luật; không nhất thiết phải bổ nhiệm chức danh hiệu trưởng ngay thời điểm điều đó còn đang trái với luật, hoặc phải chấm dứt hợp tác. Ví dụ, có thể bổ nhiệm GS Trương Nguyện Thành với chức danh là Phó Hiệu trưởng phụ trách và đến lúc Luật thay đổi phù hợp thì có thể bổ nhiệm hiệu trưởng.

Có ý kiến cho rằng, quy định kinh nghiệm 5 năm quản lý cấp khoa/phòng chỉ nên áp dụng với trường công. Với các trường tư nên để họ tự quyết về việc tuyển dụng hiệu trưởng, bởi họ phải tự bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động của trường cũng như trả lương cho hiệu trưởng? Quan điểm của bà thì sao?

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng

- Tôi đồng ý quy định về tiêu chuẩn hiệu trưởng trong Luật GD ĐH hiện hành cần chỉnh sửa để phù hợp hơn trong giai đoạn sắp tới. Nhưng không hẳn đồng ý về việc phân biệt công tư đối với chất lượng nói chung và chuẩn hiệu trưởng nói riêng.

Chúng tôi cho rằng, trong điều kiện tự chủ ĐH, các tiêu chuẩn tối thiểu cần áp dụng thống nhất để tạo mặt bằng chất lượng chung trong toàn hệ thống. Bởi khác với quản trị, quản lý nói chung, quản lý của một trường ĐH công cũng như tư, đó là quản lý tạo ra môi trường học thuật, học tập nghiên cứu, để các trí thức, nghiên cứu sinh, học viên… làm việc hiệu quả nhất.

Tất cả hiệu trưởng đều phải đảm bảo tính chuyên nghiệp trong quản lý GD ĐH, và vì vậy tiêu chuẩn này cũng là cần thiết áp dụng chung cho cả hệ thống.

Cần thiết phải có những điều chỉnh phù hợp thực tế hơn

Bộ GD&ĐT đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH, quy định với hiệu trưởng được rà soát, sửa đổi, bổ sung thế nào thưa bà?

- Quy định chuẩn hiệu trưởng trước hết để tạo ra mặt bằng chất lượng chung đối với chức danh quan trọng này và chuẩn đó là căn cứ để lựa chọn, đào tạo bồi dưỡng đạt chuẩn hiệu trưởng trước khi bổ nhiệm. Đó cũng là căn cứ để lựa chọn hiệu trưởng tốt nhất trong các ứng viên đạt chuẩn. Xét đến cùng, đó là điều kiện để tạo ra tính chuyên nghiệp hóa trong công tác quản lý, quản trị ĐH, để đạt được chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Những chuẩn này đến giai đoạn mới cần phải sửa đổi cho phù hợp hơn. Hiện nay, Luật GD ĐH đang được sửa đổi theo hướng mở rộng diện ứng viên hiệu trưởng để lựa chọn và kết hợp chuẩn có tính định lượng và chuẩn có tính định tính, đảm bảo mặt bằng chung, nhưng đồng thời đảm bảo quyền tự chủ cho các trường, thông qua trao quyền này cho Hội đồng trường hay Hội đồng quản trị để quyết định nhân sự hiệu trưởng.

Dự thảo hiện nay cũng đã bỏ thủ tục là hiệu trưởng trường ĐH tư thục phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh công nhận, mà hiệu trưởng các cơ sở GD ĐH tư thục do Hội đồng quản trị trực tiếp quyết định.

Một trong những nội dung được quan tâm trong Dự thảo Luật GD ĐH sửa đổi là mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội đồng trường và hiệu trưởng; bà có thể chia sẻ thêm?

- Trong Dự thảo lần này, Luật GD ĐH đã xác định khá rõ nét về mối quan hệ giữa hội đồng trường và hiệu trưởng. Chủ tịch Hội đồng trường được quy định là có các quyền quan trọng về phương hướng, chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy, nhân sự hiệu trưởng, ban hành các quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính chung, quyết định những định hướng lớn cho sự phát triển của nhà trường.

Hiệu trưởng là vai trò của người quản lý điều hành hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật, theo nghị quyết của Hội đồng trường. Nhân sự hiệu trưởng của trường công thì do Hội đồng trường quyết định và trình cơ quan có thẩm quyền công nhận. Nhân sự hiệu trưởng của trường tư thì do Hội đồng quản trị quyết định. Đó là nét khác nhau, phân định 2 thiết chế này.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là Dự thảo và tiếp tục được hoàn thiện để tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn như chúng ta đang bàn.

Theo bà, yêu cầu thời gian 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp phòng/khoa… như trong Luật đã là hợp lý chưa?

- Việc chọn 1 con số cũng chỉ mang tính ước lệ. Rất khó để giải thích rằng 5 năm là phù hợp mà 4 năm lại không phù hợp. Tuy nhiên, Luật hiện hành chọn 5 năm vì đó là 1 nhiệm kỳ quản lý.

Thời gian không phải điều kiện duy nhất, cũng không phải là thước đo duy nhất với kinh nghiệm. Vì vậy, yếu tố thời gian phải kết hợp với các yếu tố khác nữa.

- Xin cảm ơn bà!

“Quy định nào cũng có mặt trái và quan trọng là cơ quan quản lý phải có phương án phòng ngừa rủi ro các mặt trái của quy định này. Vì vậy, khi sửa luật, nên kết hợp cả tiêu chuẩn có tính định tính và có tính định lượng, để đảm bảo mặt bằng chung nhưng cũng tạo ra sự tự chủ cho người có thẩm quyền, để linh hoạt trong từng trường hợp nhất định”. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

Truyền thông Singapore e ngại Xuân Son

GD&TĐ - Truyền thông Singapore nhận định tiền đạo nhập tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Son là ‘hiểm hoạ’ đối với ‘Bầy sư tử’ tại bán kết ASEAN Cup 2024.