Mở mới nhiều ngành học: Hướng tới bùng nổ kinh tế số, thương mại điện tử...

GD&TĐ - Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, gia tăng sức hút và định vị thế mạnh đào tạo cho mình, các trường ĐH-CĐ luôn chú ý mở ngành mới vào mỗi mùa tuyển sinh.

Học sinh THPT đang tham khảo ngành học từ thông tin tư vấn của Trường ĐH Gia Định (TPHCM). Ảnh: Anh Tú
Học sinh THPT đang tham khảo ngành học từ thông tin tư vấn của Trường ĐH Gia Định (TPHCM). Ảnh: Anh Tú

Nhiều nhóm ngành mới tiếp tục ra đời

Theo đề án tuyển sinh 2022 - 2023 dự kiến mà các trường ĐH công bố cho thấy có nhiều nhóm ngành mới được mở để tuyển sinh và đào tạo.

“Năm nào cũng vậy, chúng tôi đều nghiên cứu và phân tích kỹ xu hướng nhân lực, nhóm ngành nghề mà xã hội cần trong tương lai để xây dựng khung chương trình đào tạo. Thực tế, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đã có những tác động nhất định đến việc chọn ngành học của thí sinh, đặc biệt ở các khối ngành có môi trường làm việc linh động, thích ứng với sự thay đổi. Việc trường mở các ngành có yếu tố công nghệ, cập nhật xu thế như trên phần nào đáp ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động trong giai đoạn tới”, ThS Nguyên cho biết.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) mở mới và tuyển sinh 6 ngành mới gồm: Quản trị văn phòng, Kinh tế quốc tế, Công nghệ tài chính, Kiểm toán, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị sự kiện. ThS Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh UEF cho biết, việc trường mở thêm nhiều ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, theo kịp với sự dịch chuyển nghề nghiệp trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ.

Năm học 2022 - 2023, Trường ĐH Gia Định cũng mở mới và tuyển sinh 5 ngành học. Nhóm ngành học trường mở mới gồm Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị du lịch, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, nâng tổng số ngành đào tạo đại trà lên 19 ngành. Theo TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, việc trường quyết định mở những ngành nghề này là để đáp ứng nhu cầu xã hội, yêu cầu từ thị trường lao động.

“Theo nghiên cứu, tìm hiểu của nhà trường về sự phát triển cũng như nhu cầu lao động thì đây là những ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo có lộ trình, giỏi tay nghề và có trình độ ngoại ngữ tốt”, TS Mai Đức Toàn nói.

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng mở thêm 4 ngành học gồm Y học cổ truyền, Sức khỏe răng miệng, Thương mại điện tử và Giáo dục tiểu học. Trường ĐH Hoa Sen mở tới 5 ngành mới gồm Thương mại điện tử, Digital marketing, Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo... Đáng chú ý nhóm ngành mở mới và tuyển sinh của các trường đều hướng đến sự bùng nổ và phát triển của kinh tế số, thương mại điện tử và ứng dụng nền tảng của khoa học công nghệ.

Với khối trường ĐH công lập, nhóm ngành mới các trường mở và tuyển sinh trong năm nay cũng khá đa dạng, đều là những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang tăng. Trường ĐH Mở TPHCM tuyển sinh 2 ngành mới là Quản lý công và Kinh tế chất lượng cao. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) mở ngành Công nghệ điện tử và Tin học (ngành thử nghiệm), Kỹ thuật máy tính, Quản lý tài nguyên và môi trường. Trường ĐH Kinh tế TPHCM mở ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện. Riêng phân hiệu Vĩnh Long của trường bổ sung hai chương trình đào tạo Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Tài chính.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, xu hướng và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động sẽ đóng vai trò lớn trong việc định hướng hình thái tuyển sinh và đào tạo của các trường ĐH-CĐ. Với xu thế cùng bối cảnh ngày một mở của nền kinh tế và các thành tựu khoa học công nghệ, sự ưu việt của trí tuệ nhân tạo trong các ứng dụng vào đời sống… việc chuyển dịch trong đào tạo là chuyện đương nhiên.

Việc theo học những nhóm ngành mới, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động sẽ giúp người học dễ có việc làm hơn.
Việc theo học những nhóm ngành mới, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động sẽ giúp người học dễ có việc làm hơn.

Quan trọng là bảo đảm chất lượng đào tạo

Ông Trần Anh Tuấn nhìn nhận việc chuyển đổi số đang trở thành bắt buộc đối với tất cả mọi ngành nghề. Cuộc CMCN 4.0 có thể làm mất đi một số nghề nhưng lại tạo ra nhiều ngành nghề mới, mang lại cơ hội mới, điều kiện mới, làn gió mới. Sự vận hành có tính nền tảng ấy buộc các trường phải nhanh chóng thích ứng và thay đổi.

Theo ông Trần Anh Tuấn, trình độ và tri thức là yếu tố quan trọng trong lao động sản xuất ở tương lai. Do đó, những ứng dụng trong tiến bộ công nghệ không hoàn toàn lấy đi công việc của con người, mà thực tế còn tạo ra nhiều công việc khác với cấp độ cao hơn, đòi hỏi con người phải học hỏi, luôn cập nhật và tiếp thu những kiến thức hoàn toàn mới. Đặc biệt, các công việc liên quan đến quản lý con người, ý tưởng sáng tạo và có tính tương tác về mặt cảm xúc, xã hội cao sẽ không dễ bị đào thải trong tương lai. Mở ngành mới là cần thiết nhưng cần bảo đảm chất lượng.

“Vấn đề quan trọng hiện tại là phải đào tạo và đào tạo bổ sung cho người lao động dựa trên nền tảng chuyển đổi số, tăng hiệu suất, rút ngắn thời gian cập nhật… để tăng khả năng thích ứng của người lao động với công việc hơn. Mở mới ngành và tuyển sinh ở các trường ĐH xét cho cùng đó là sự thích ứng. Sự thích ứng ấy tốt, sẽ tạo ra nguồn nhân sự có kỹ năng và tay nghề cao, tạo cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư khi chuyển giao công nghệ và xây dựng các công xưởng sản xuất mới”, ông Tuấn nói.

Thực tế, trong 3 mùa tuyển sinh gần đây, khi các trường ĐH ồ ạt mở mới và tuyển sinh nhiều ngành học thì ở chiều ngược lại không ít ngành học tại chính các trường ấy tự “đào thải” theo nhu cầu học tập và xu hướng nhân lực của xã hội. Cho rằng việc mở ngành mới và tuyển sinh hàng năm tại các trường là xu thế không thể khác, bởi thị trường lao động luôn luôn có sự biến động, thế nhưng các chuyên gia tuyển sinh cũng đồng thời đòi hỏi cao về việc bảo đảm chất lượng.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM khẳng định, việc mở mới một ngành nghề đào tạo đòi hỏi những yêu cầu và tiêu chí rất khắt khe về cơ sở vật chất, đội ngũ, tầm nhìn chiến lược và cả bài toán việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Mỗi đơn vị khi mở và tuyển sinh ngành học mới nếu muốn giữ vững chất lượng đào tạo cùng các cam kết với xã hội thì phải làm tốt công tác hậu kiểm, chuẩn đầu ra chương trình và cả sự đánh giá từ doanh nghiệp. “Nếu việc mở ngành mới chỉ nặng chạy theo việc tuyển sinh, thiếu đầu tư có bài bản thì chắc chắn chất lượng sẽ bị ảnh hưởng và đương nhiên danh tiếng của nhà trường cũng sẽ bị ảnh hưởng theo”, ThS Phạm Thái Sơn nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.